Thứ Bảy, 9 tháng 11, 2013

K’Rèn vào vụ rau, hoa mới

VĂN VIỆT
Vào tháng 11/2010, đồng bào thiểu số thôn văn hóa K’Rèn, xã Hiệp An, Đức Trọng, Lâm Đồng đang gặt hái những thửa lúa chín cuối cùng để kịp gieo trồng vụ rau và hoa mới. Với giá cả thị trường rau, hoa đang theo chiều khởi sắc, nhiều hy vọng mới đang mở ra cho đồng bào sản xuất nơi đây.

Gia đình ông Bonnuer Độ, Thôn trưởng thôn K’Rèn, xã Hiệp An, Đức Trọng. Lâm Đồng năm nay thêm một vụ mùa thu hoạch khá. Trên diện tích 1,1 ha trồng lúa vừa thu hoạch xong ước lượng gần 6 tấn, hộ ông Bonnuer Độ đang tiếp tục cải tạo đất còn gốc rạ để xuống giống trồng rau màu và trồng hoa bán cho dịp tết dương lịch và tết nguyên đán năm 2011. Bonnuer Độ nói: “Những năm gần đây, nhờ hệ thống thủy lợi kiên cố của nhà nước dẫn về đồng ruộng, gia đình tôi nói riêng và bà con nông dân thôn K’Rèn chúng tôi nói chung có điều kiện thuận lợi trồng được cây lúa năng suất cao, thu nhập ổn định nên đời sống ngày càng no ấm và khá dần lên…” Thôn K’Rèn với 180 hộ gia đình thuần nông thì có gần 130 hộ là đồng bào thiểu số bản địa Tây Nguyên với tập quán canh tác lúa nước lâu đời. Tận dụng địa hình đất thấp, chạy dọc ven Quốc lộ 20, từng hộ gia đình (mỗi hộ có khoảng gần 01 ha đất lúa) đã cần cù lao động, nhanh chóng tiếp cận cách thức trồng lúa giống mới năng suất cao, từ công đoạn gieo sạ đến công đoạn dẫn nước tưới và gặt đặp thu hái nên năng suất và giá trị lao động trên đồng ruộng ngày càng cao. Toàn thôn có 4 chiếc máy suốt lúa, công suất mỗi máy một ngày từ 5 tấn- 6 tấn lúa, luân phiên nhau gặt hết diện tích đồng ruộng cả thôn. Bên cạnh đó, cả thôn còn có khoảng 40 chiếc máy cày không chỉ để vận hành động cơ cày xới đất mà dùng làm phương tiện vận chuyển lúa, rau, hoa và các sản phẩm nông nghiệp khác từ đồng ruộng về nhà, và từ nhà ra chợ bán.
Tính toán trong vài năm gần đây, rên một diện tích đất trung bình mỗi năm, đồng bào thiểu số thôn K’Rèn sản xuất một vụ lúa, một vụ hoa và thêm một lứa rau màu. Có người gặt lúa xong là tiến hành ngay việc cải tạo đất để chuẩn bị xuống giống trồng hoa lay ơn; người khác thì cải tạo đất đến đâu làm giàn trồng cà chua, đậu Hà Lan… đến đó. Năm ngoái, gia đình Bonnuer Độ trồng trên 1,5 sào hoa lay ơn và thu được 500kg củ giống. Số củ này được bảo quản trong nhà đúng kỷ thuật, dự kiến vào tuần đầu tháng 12/2010 là lần lượt xuống hết giống củ này trồng trên 5 sào đất. Và cũng cùng kỳ này năm ngoái, Bonnuer Độ trồng 02 sào cà chua sau 3 tháng thu bán được 86 triệu đồng. Tính ra với 3 công lao động trồng thêm cà chua thì mỗi ngày có được hoa lợi cho mỗi người trên dưới 80 ngàn đồng. Tương tự hộ gia đình ông Si Mon trong thôn vừa thu hoạch trên 01 sào cà chua, chia đều sản lượng, mỗi công lao động trong gia đình được khoảng 70-80 ngàn đồng mỗi ngày. Trở lại việc trồng hoa lay ơn, ông Bonnuer Độ, Thôn trưởng thôn K’Rèn cho biết thêm: Người đồng bào thiểu số thôn K’Rèn bắt đầu mạnh dạn trồng hoa lay ơn từ bốn, năm năm nay. 
Ước tính sau vụ lúa này, có khoảng 20 hộ đồng bào cùng lúc xuống giống hoa lay ơn trên dưới 30 ha, tăng hơn năm ngoái khoảng 10 ha. Trồng lấy hoa bán xong, bà con còn tiếp tục chăm sóc cây để tạo lấy củ giống cho năm sau. Vụ hoa lay ơn tết năm ngoái, đồng bào trong thôn thu lãi mỗi sào trên dưới 20 triệu đồng. Những diện tích đất còn lại của thôn trong mùa khô, bà con trồng các loại rau màu từ 3 tháng đến 3 tháng rưỡi thu hoạch, năm qua đạt bình quân lãi một lứa rau trên 01 sào đất trên dưới 10 triệu đồng. 

Đến nay trên tổng số 130 hộ gia đình đồng bào thiều số thôn K’Rèn, Hiệp An, Đức Trọng, Lâm Đồng thì chỉ còn 6 hộ nghèo do những hoàn cảnh khách quan. Việc tăng vòng quay của đất sau vụ lúa đến vụ rau màu và đặc biệt là đến vụ hoa lay ơn đã phát triển kinh tế hộ gia đình bà con đồng bào thiểu số ở thôn K’Rèn khá rõ nét. Không còn cảnh nhà ở tạm bợ dột nát mà thay vào đó là nhà xây mới  khang trang ngày càng mọc lên khá nhiều. Hy vọng sau vụ rau màu và hoa lay ơn nối tiếp một vụ lúa đều đặn đến năm 2011,  đồng bào dân tộc thiểu số thôn K’Rèn, Lâm Đồng Lâ sẽ tạo nên những điểm xuất phát mới để phát triển nhanh hơn./. THÁNG 11/2009