Thứ Hai, 4 tháng 11, 2013

Ca cao đậu trái dưới tán điều

VĂN VIỆT
Sau gần ba năm trồng thử nghiệm cây ca cao xen dưới tán cây điều ở xã Tiên Hoàng, Cát Tiên, Lâm Đồng đã mang lại những kết quả khả quan. Không chỉ khép tán lá xanh tốt, cây ca cao đã bắt đầu cho những lứa trái đầu mùa có chất lượng, mở ra nhiều hy vọng mới cho thu nhập của người nông dân địa phương.
Mô hình điềm trồng ca cao dưới tán cây điều được triển khai ở xã Tiên Hoàng, Cát Tiên, Lâm Đồng từ ba năm về trước với gần 10 hộ dân trong xã được chọn trồng thí điểm, mỗi hộ trồng trên diện tích từ 1 đến 3 ha. 

Từ cây giống đến kỹ thuật trồng cây ca cao đều được Dự án Đa dạng hóa cảnh quan môi trường  và cải thiện sinh kế vùng Cát Tiên ( Quỹ Thiên nhiên thế giới-WWF) hỗ trợ. Ông Đinh Quang Thủy, một hộ nông dân được chọn trồng ca cao thí điểm ở đây cho biết, vườn cây ca cao của gia đình ông đã ba năm tuổi nhưng gần như tháng nào vẫn có cán bộ kỹ thuật của dự án xuống tận nơi kiểm tra, hướng dẫn cách chăm sóc theo từng tình trạng sinh trưởng của cây. Đồng thời hàng tháng, hàng quý, ông Thủy cũng được dự án chi trả toàn bộ chi phí lên huyện tập huấn cách canh tác và được cấp phát tài liệu về cây ca cao để về nhà tra cứu. “Cán bộ kỹ thuật của dự án đến kiểm tra từ mỗi gốc rễ đến thân cây lá và trái ca cao của khu vườn gia đình tôi. Cây nào tưới nước, bón phân chưa đủ liều lượng hoặc chưa tạo đủ độ ẩm cho bộ rễ cây …là cán bộ kỹ thuật xác định ra ngay và hướng dẫn kĩ lưỡng cho gia đình tôi khắc phục. Nhờ vậy nên 800 cây ca cao trong vườn gia đình tôi phát triển khá đồng đều, trái đậu trên cây đạt yêu cầu của dự án…”- Ông Thủy nói.
         Ông Thủy vừa nói chuyện vừa dẫn chúng tôi tham quan một vòng trên diện tích 1,6 trồng cây ca cao xen dưới cây điều của gia đình ông. Cây ca cao nào cũng chứng tỏ sự thích nghi xanh lá chắc cành dưới tán cây điều. Trong kỹ thuật chăm sóc theo đúng quy trình của dự án WWF, ông Thủy đã xây dựng một hệ thống nước tưới khá quy mô từ công đoạn tích nước ở ao đào đến hệ thống bơm nước dẫn lên đường ống đến từng gốc cây ca cao. Tưới xong đến đâu  thỉ ủ lên gốc cây những lớp lá khô dày để giữ ẩm cho cây. Năm đầu tiên, cây ca cao phải được che nắng dưới tán cây điều. Năm thứ hai, thứ ba trở đi, ca cao dần dần tự hấp thụ trực tiếp ánh nắng để vươn lên. Những trái ca cao đầu mùa ở vườn ông Thủy chính thức thu hái từ sau tết Canh Dần đến nay, ước tính thu cả thảy khoảng 50 kg tươi với giá bán mỗi ký cho thương lái tại vườn là 5.000 đồng – bằng giá thu mua ca cao đạt chất lượng xuất khẩu ở tỉnh Bình Phước. Dự kiến đến khoảng tháng 6/2010, vườn cây ca cao của hộ ông Thủy sẽ cho trái rộ đồng loạt trên 300 cây; còn lại 500 cây cho trái rải rác. Đến năm 2012, cả 800 cây ca cao này sẽ thu hàng năm vào hai vụ chính là tháng 6 và tháng 11. Năng suất trung bình mỗi cây ca cao vào vụ chính có thể lên đến từ 5 kg đến 7 kg.  
Chủ tịch UBND xã Tiên Hoàng (Cát Tiên, Lâm Đồng), ông Hà Hải Long nói rằng, hộ gia đình ông Đinh Quang Thủy là một trong số gần 10 hộ được chọn trình diễn trồng cây cao là dựa vào các tiêu chí như có đủ số lao động kinh nghiệm, am hiểu khoa học kỹ thuật về nông nghiệp, có diện tích cây điều phù hợp, đát trồng nằm trên vị trí thuận lợi để người dân trong xã đến tìm hiểu hàng ngày. Đến nay số hộ trồng ca cao trong xã đã phát triển lên khoảng 30 hộ với 30 ha từ một năm tuổi đến ba năm tuổi, tất cả đều tham gia sinh hoạt và trao đổi kinh nghiệm trên 3 câu lạc bộ ca cao trực thuộc Hội Nông dân xã. Trung bình mỗi ha hiện nay đang trồng ca cao phát triển tốt dưới tán cây điều từ 300 cây đến 400 cây. Bên dự án không chỉ hỗ trợ cây giống, kỹ thuật mà còn cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm ca cao tươi hoặc ca cao nhân của nông dân khi thu hoạch. Trồng đúng kỹ thuật, ca cao đi vào thời kỳ kinh doanh kể từ năm tuổi thứ 5. Người trồng sẽ khép kín thời gian thu hoa lợi trên khoảnh vườn của mình hàng năm : Từ tháng 12 đến tháng 3, thu trái điều. Từ tháng 4 đến tháng 11 thu trái ca cao.

Kế hoạch trong năm 2010, nông dân xã Tiên Hoàng, Lâm Đồng sẽ tiếp tục trồng mới đại trà cây cao, nâng tổng số diện tích lên khoảng 60 ha. Xã đã và đang phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo trồng cây ca cao, cùng sát cánh với nông dân để hướng đến mục tiêu xây dựng ổn định một vùng nguyên liệu ca cao xuất khẩu từ 500 ha – 700ha, từ đó tăng giá trị thu nhập đầu người của địa phương. /.
THÁNG 5/2009