Thứ Tư, 20 tháng 11, 2013

Bước chuyển trợ giúp pháp lý mới

VĂN VIỆT
Hơn một năm trở lại đây, đồng thời với việc kiện toàn, xây dựng mới bộ máy tổ chức và nghiệp vụ là việc tăng cường hình thức trợ giúp pháp lý chuyên sâu, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Lâm Đồng đã tạo ra những bước chuyển mới trong hoạt động tư pháp hướng về cơ sở. 

Trung tâm Trợ giúp pháp lý Lâm Đồng chính thức ra mắt hoạt động vào đầu năm 1998 với 6 cán bộ quản lý và nghiệp vụ. Trong đó có 3 biên chế thì 1 biên chế là lãnh đạo Sở Tư pháp Lâm Đồng kiêm nhiệm. 3 cán bộ nghiệp vụ còn lại đều là hợp đồng. Hoạt động chủ yếu bấy giờ là giúp người dân ở vùng sâu, vùng xa làm thủ tục đăng ký khai sinh, đăng ký kết hôn quá hạn; số việc tư vấn, bảo vệ quyền lợi trước tòa cho đối tượng trợ giúp chiếm một phần nhỏ còn lại. Đến cuối năm 2008 - đầu năm 2009, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn trợ giúp pháp lý ngày càng thiết thực hơn, Trung tâm bắt đầu tuyển dụng những cử nhân luật vừa lấy bằng ở Trường Đại học Đà Lạt và Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh để bố trí mới cho các bộ phận chức năng. Bên cạnh còn điều động thêm 3 cán bộ tư pháp ở các huyện lên. Về trụ sở chính của Trung tâm được chuyển từ thị xã Bảo Lộc ( nay là thành phố Bảo Lộc) về thành phố Đà Lạt. Đến nay Trung tâm đã ổn định tất cả 11 biên chế gồm: Ban Giám đốc, Phòng nghiệp vụ, Phòng Tổ chức hành chính và Chi nhánh trực thuộc tại thành phố Bảo Lộc. Đặc biệt Trung tâm đã thành lập chi bộ Đảng trực thuộc Đảng bộ Sở Tư pháp Lâm Đồng với 6 Đảng viên, đã phát huy không ngừng vai trò lãnh đạo trực tiếp trong mọi hoạt động trợ giúp pháp lý trên địa bàn Lâm Đồng.   
   Khi ổn định được bộ máy hoạt động mới, Trung tâm tiếp tục xây dựng mới cơ chế phối hợp với các ban, ngành chức năng, các tổ chức chính trị- xã hội từ tỉnh đến cơ sở. Theo giám đốc Trung tâm, ông Đỗ Xuân Hùng đánh giá: Điều được lớn nhất của Trung tâm là đã thành lập Hội động phối hợp tố tụng trong trợ giúp pháp lý do Giám đốc Sở Tư pháp làm Chủ tịch Hội đồng. Những thành viên trong Hội đồng thuộc các ngành công an, tòa án, kiểm sát, tài chính…Hoạt động của Hội đồng đã  xây dựng một cơ chế thuận lợi cho Trung tâm cử luật sư tham gia tố tụng trợ giúp,  tiếp xúc bị can, bị cáo là vị thành niên trong các vụ án hình sự, được tiếp cận, nghiên cứu đầy đủ hồ sơ làm căn cứ giúp các cơ quan tố tụng xác định rõ thêm những tình tiết mới, tiến hành xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Tương tự các vụ án dân sự, hôn nhân gia đình, luật sư trợ giúp của Trung tâm đã luôn được Hội đồng này tạo ra một hành trang pháp lý để tham gia tố tụng, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của đối tượng được trợ giúp pháp lý. Điều được tiếp theo là đã thành lập và đi vào hoạt động có hiệu quả với 36 Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý trên địa bàn dân cư ở xã. Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ là người đại diện chính quyền ở xã. Hiện có 2 Câu lạc bộ được chọn xây dựng điểm tại xã Lát và thị trấn Lạc Dương thuộc huyện Lạc Dương. Ngoài ra còn có 10 tổ trợ giúp pháp lý trên 10 huyện trong tỉnh, mỗi tổ hơn 10 người, đang phát huy hiệu quả hoạt động trợ giụp, tư vấn pháp luật tại chỗ; kịp thời lập báo cáo về Trung tâm đối với những vụ việc trợ giúp, tư vấn chuyên sâu. Và với đội ngũ cộng tác viên trợ trong tỉnh đã tăng lên gần 140 người đang công tác trong các cơ quan tố tụng, các sở ngành trong tỉnh và là những người uy tín trong cộng đồng dân cư.
Hoạt động hướng về cơ sở của Trung tâm hơn một năm qua đã chuyển đổi những hình thức tư vấn, trợ giúp lưu động đi vào thực chất hơn. Đó là hàng tháng đều tổ chức khảo sát, phát đơn yêu cầu trợ giúp đến từng nhà dân trước khi tổ chức trợ giúp tập trung ở xã. Khi phát sinh những vụ việc phức tạp mới thì chuyên viên trợ giúp ở lại địa bàn tập hợp đầy đủ dữ kiện rồi trợ giúp xong mới về. Sau mỗi đợt trợ giúp, Trung tâm đều báo cáo nêu những vụ việc còn vướng mắc cụ thể về chính quyền cấp xã, huyện và tỉnh để giải quyết thấu đáo cho đối tượng trợ giúp. 

Kết quả đạt rõ nét nhất trong những qua là hoạt động trợ giúp pháp  lý ở Lâm Đồng đã hạn chế thấp nhất rồi đi đến chấm dứt tình trạng khiếu kiện vượt cấp, khiếu kiện kéo dài đối với đối tượng là người chính sách, người nghèo, người đồng bào dân tộc thiểu số, trẻ em vị thành niên. Những trường hợp khiếu kiện dây dưa lên cấp huyện, cấp tỉnh Lâm Đồng thường xuất hiện không phải là những đối tượng thuộc diện trợ  giúp pháp  lý của Trung tâm trợ giúp pháp lý của tỉnh lâm Đồng./..