Thứ Ba, 26 tháng 11, 2013

Đất thép thành đồng

ÁI VY
Chỉ sau 21 ngày khai sinh Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - ngày 23/9/1945, quân Pháp dồn dập nổ súng tấn công Sài Gòn, chính thức mở cuộc chiến tranh xâm lược đất nước ta một lần nữa. Miền Nam- nơi tuyến đầu Tổ Quốc bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ suốt 30 năm mới giành lại thống nhất non sông. 
  
Cũng với tầm vông, gậy gộc và những loại vũ khí sáng chế thô sơ, quân và dân Nam Bộ đã anh dũng đánh trả quyết liệt, ngăn chặn kế hoạch đánh nhanh, thắng nhanh của thực dân Pháp. Vừa đánh vừa kìm giữ quân Pháp trong các đô thị, quân dân Nam Bộ vừa bảo toàn lực lượng, xây dựng căn cứ kháng chiến lâu dài. Vùng đất thép Củ Chi ( ven đô Sài Gòn) là vùng căn cứ kháng chiến hình thành từ giai đoạn này, mỗi người dân là một người lính, mỗi công sự, chiến hào là một pháo đài diệt giặc. Quân Pháp thua trận ở Điện Biên Phủ, đất nước tạm chia hai miền nhưng quân Mỹ lập tức nhảy vào miền Nam. Đất thép Củ Chi vào trận đối đầu với mưa bom bão đạn của cuộc xâm lược thực dân kiểu mới của Mỹ. 
Vượt lên những mất mát hy sinh, căn cứ cách mạng trong lòng đất Củ Chi từng giờ từng phút ăn thông trong lòng đất chằng chịt, đan xen nhau hàng trăm cửa thoát hiểm ra sông Sài Gòn, thoát hiểm lên mặt đất đánh địch; thoắt ẩn thoắt hiện nhiều trận đánh quân địch không kịp xoay trở. Bom đạn và hàng trăm trận càn quét rải thảm các loại vũ khí hủy diệt xuống đất Củ Chi đã càng nung nấu thêm tinh thần thép, tinh thần chiến đấu và chiến đấu xả thân vì đại nghĩa của dân tộc. Giặc càng tập trung đánh phá dữ dội bao nhiêu thì vùng địa đạo càng lớn mạnh hơn lên bấy nhiêu. Tinh thần bất khuất, quật cường của quân và dân Củ Chi sau ba mươi năm bám đất bám làng, một tác không đi, một ly không rời, đã xây dựng hoàn chỉnh “kỳ quan địa đạo” dài hơn 200km cho đến ngày toàn thắng. Đất thép Củ Chi xứng danh đất miền Nam Thành Đồng Tổ Quốc. Ngày nay khi chiến tranh đã khép lại hơn ba thập kỷ, “kỳ quan địa đạo” Củ Chi trở thành khu du di tích lịch sử văn hóa, một biểu tượng hùng hồn của chủ nghĩa anh hùng cách mạng trên đất tuyến miền Nam; biểu tượng của tinh thần quyết tử cho Tổ Quốc Việt Nam quyết sinh theo lời kêu gọi của Bác Hồ “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ ! ” 
 Trang vàng lịch sử Củ Chi đã ghi: Khi thực dân Pháp nổ súng dồn dập vào các khu vực trọng yếu của Sài Gòn thì quân dân tích cực đào nên những căn hầm bí mật dưới lòng đất Củ Chi tỏa đi nhiều đường nhánh chạy trong lòng đất. Những ngày đầu Nam Bộ kháng chiến, đây là những căn hầm bí mật để dân quân du kích trú ẩn đánh địch. Đến khoảng năm 1948, hệ thống hầm bí mật “thông tuyến” với nhau bằng đường dây thông hào ở hai xã Tân Phú Trung và Phước Vĩnh An. Đến khi quân Mỹ leo thang chiến tranh, cả miền Nam là một tiền tuyến lớn. Địa đạo Củ Chi sục sôi khí thế cách mạng mở rộng không ngừng nơi trú quân thuộc địa phận năm xã phía Bắc còn lại. Suốt mười năm – từ năm 1965- 1975, chiến trường miền Nam rất khốc liệt. Địa đạo Củ Chi đã bẻ gãy không biết bao nhiêu trận càn, trận đánh phá của quân Mỹ. Đó là cuộc hành quân kéo dài 12 ngày đêm mang tên “cái bẫy” của quân Mỹ với hơn 7 ngàn quân đánh bộ bị chết và thương vong; cùng với cả trăm xe tăng, máy bay lên thẳng bị phá hủy. Đó là cuộc hành quân 20 ngày mệnh danh “bóc vỏ trái đất” của Mỹ bị loại khỏi vòng chiến đấu 3.500 quân, hàng trăm xe bọc thép và máy bay bị bắn cháy. Còn mãi chiến công với 9 chiến sĩ du kích Củ Chi kiên cường bám vững địa đạo, tiêu diệt hơn 100 quân Mỹ. 
Những quả “mìn gạt” do anh hùng Tô Văn Đức tự tạo đã tiêu diệt hàng trăm “chiến xa” của Mỹ. Rồi các chiến dịch huy động từng đoàn xe cơ giới hạng nặng cày ủi địa đạo; dùng máy bay rải xuống mặt đất lớp lớp hạt giống cỏ đặc biệt của Mỹ, mọc cao từ 2m đến 3m sau một tháng gặp mưa. Nhưng rốt cuộc tất cả những chiến thuật thế trận của Mỹ đã hoàn toàn thất bại bởi lòng gan dạ, đầy mưu trí chiến đấu của quân dân Củ Chi.  
Bây giờ về Củ Chi chiêm ngưỡng công trình tái hiện vùng giải phóng, hình ảnh những tà áo bà ba đen đằm thắm dạn dày lại quay về. Sông Sài Gòn sóng nước vẫn trong xanh, gợi nhớ một thưở soi bóng chiếc áo bà ba ra trận, khăn rằn vắt vai dập dìu tải đạn cho những đoàn quân giải phóng xông lên diệt sạch bóng quân thù, góp những chiến công chung để đất nước muôn đời nở hoa độc lập. /.
THÁNG 11/2006