Thứ Năm, 28 tháng 11, 2013

Đồng thuận ở buôn làng Đạ Đờn

VĂN VIỆT
Từ việc không ngừng khơi dậy và phát huy tinh thần đại đoàn kết dân tộc, xã Đạ Đờn, huyện Lâm Hà đã huy động khá lớn nguồn lực tại chỗ, xây dựng buôn làng ngày càng văn minh, no ấm. 
 
Nằm dọc theo hai bờ con sông lớn Đạ Đờn, xã Đạ Đờn của huyện Lâm Hà là địa bàn thuần nông với hơn 4 ngàn ha trồng trọt hai cây chủ lực là cà phê và lúa nước. Dân số gần 13,5 ngàn người, trong đó chiếm gần 40% là đồng bào dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên, 10% là đồng bào thiểu số từ các tỉnh, thành khác trong nước đến định cư. “Bà con người kinh và bà con người đồng bào thiểu số luôn thể hiện tinh thần giúp đỡ nhau cùng phát triển sản xuất, cùng nâng cao đời sống văn hóa tinh thần. Đây là một nền tảng khá vững chắc để đảng bộ, chính quyền, các đoàn thể chính trị và nhân dân xã Đạ Đờn chúng tôi tạo các điểm xuất phát đi lên…” Bí thư Đảng bộ xã Đạ Đờn, K’Krong nói. Đến nay, đồng bào các dân tộc ở xã Đạ Đờn đã ổn định một vùng chuyên canh cà phê catimo, robuta với 4.186 ha, đạt năng suất bình quân từ 2,5 tấn – 3 tấn /ha. Đặc biệt bà con đã chuyển đổi và thay thế dần hơn 20 ha cà phê già cỗi sang cà phê giống mới đạt hiệu quả kinh tế cao hơn. Với lúa nước, đến giữa tháng 11/2009, bà con đã gieo trồng đạt 115% kế hoạch năm 2009. Và với chăn nuôi, bà con đã phát triển gần 2.400 con heo, 255 con bò, gần 25 ngàn con gia cầm khác. Theo UBND xã Đạ Đờn, để đạt được những số liệu đáng mừng này, bà con nông dân toàn xã đã tiếp thu nhanh khoa học kỹ thuật mới về sản xuất, chăn nuôi, luôn biết tìm tòi sáng tạo và truyền đạt kinh nghiệm lẫn nhau. Qua đây cũng đáng ghi nhận cho công tác khuyến nông từ tỉnh, từ huyện đưa về xã trong thời gian qua. Tính riêng năm 2009, xã đã cung ứng cho nông dân 221 tấn phân trợ cước và 11 tấn lúa giống cộng với 23 ngàn cây con giống cà phê catimo trợ giá; hội thảo đầu bờ về mô hình nuôi cá rô phi đơn tính. Đó là mở 09 lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật cho 500 lượt người tham gia. Đó là kịp thời tiêm vắc xim phòng bệnh cho tất cả đàn gà, vịt, heo, bò của bà con trên toàn xã.   
Cái đói hiện đã xóa hết từ lâu. Cái nghèo toàn xã chỉ còn 8,6%, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số nghèo giảm xuống còn 14,8%. Không có trường hợp nào tái đói, tái nghèo. Mà đó là qua các chương trình hỗ trợ của nhà nước, sự nỗ lực lớn của đồng bào nên cái đói đã vĩnh viễn lùi xa; cái nghèo vươn lên làm ăn ngày một khắm khá hơn. Toàn xã có 6/11 thôn ( buôn) tập trung đa số đồng bào thiểu số sinh sống. Điện lưới đã về phủ kín địa bàn Đạ Đờn mười mấy năm nay. Rồi hệ thống nước sạch được nhà nước liên tục đầu tư xây dựng cho bà con sử dụng từ năm 2004 đến nay. Mỗi công trình nước sạch được đầu tư từ 200 triệu đến 450 triệu đồng. Tất cả các công trình điện- nước về Đạ Đờn đều có phần đóng góp của người dân. Bên cạnh đó- Bí thư Đảng ủy xã Đạ Đờn, Lâm Hà, K’Krong cho biết thêm : Trong vòng 3 năm gần đây, chỉ riêng đồng bào thiểu số trên 6 thôn của xã Đạ Đờn đã đóng góp hàng tỷ đồng để xây dựng mới hệ thống cầu đường liên thôn. Trong đó đáng kể những con số đóng góp như: 360 triệu đồng xây dựng cầu treo dài 78 mét, bắc qua thôn 2 vào năm 2006; cùng với người kinh vùng cà phê An Phước đóng góp 1,2 tỷ đồng, xây dựng cầu sắt dài 82m vào năm 2007; xây dựng  cầu treo qua thôn 3 với số tiền đóng góp hơn 1,1 tỷ đồng vào năm 2007.  
Trong năm 2008, hàng chục hộ đồng bào thiểu số thôn 3 còn hiến khoảng 5 sào đất ( trị giá cả tỷ đồng) để cùng với nhà nước xây dựng mới 3 km đường cấp phối. Từ đầu năm 2009 đến nay, bà con dân tộc thiểu số các thôn Đam Pao, R’Lơm cùng với người Kinh ở thôn Yên Thành đã đóng góp 120 ngày công lao động và 110 triệu đồng để tu sửa, bão dưởng các đoạn đường nội thôn, liên thôn….

“Qua chỉ đạo cấp ủy đảng các cấp, sự điều hành của chính quyền, sự vận động của toàn hệ thống chính trị từ thôn ( buôn) đến cấp xã Đạ Đờn, việc huy động sức dân đóng góp, triển khai thi công và giám sát, nghiệm thu từng công trình cầu đường..đều do các tổ chức tự quản trong cộng đồng thôn, buôn đảm trách, tạo được sự đồng thuận lớn trong cộng đồng nên đã mang lại hiệu quả khá cao…”- Bí thư xã Đạ Đờn, K’Krong nói./.