Thứ Ba, 12 tháng 11, 2013

Hài hòa luật tục và luật pháp

VĂN VIỆT
Huyện Đơn Dương chiếm 30% là đồng bào thiểu số bản địa Tây Nguyên, những phong tục, tập quán luôn chi phối trong các quan hệ của cộng đồng. Công tác thi hành án dân sự khi triển khai về đây phải linh động, vừa đúng pháp luật, vừa tôn trọng những luật tục tích cực của buôn làng.

Trường hợp thi hành án tiền cấp dưỡng nuôi con đối với người đồng bào dân tộc thiểu số thường gặp phải những vướng mắc từ luật tục. Điển hình là một vụ án ly hôn ở một xã vùng xa Đơn Dương đã có hiệu lực pháp luật. Theo đó, bản án giao đứa con còn nhỏ cho người vợ trực tiếp nuôi dưỡng; đồng thời buộc người chồng phải có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con. Cơ quan thi hành án huyện Đơn Dương xuống làm việc, yêu cầu người chồng phải tự nguyện thi hành án; nếu không sẽ bị cưỡng chế. Bất ngờ người chồng nói : “Do người vợ đang nợ tôi 03 con trâu. Khi nào người vợ trả đủ trâu thì tôi mới trả tiền nuôi con cho vợ” (?!) Té ra, người vợ đã bị buôn làng bắt nộp phạt 03 con trâu về tội…ngoại tình (?!)
Vượt qua tình huống “khó xử” nêu trên, chấp hành viên thi hành án đã tổ chức nhiều buổi tiếp xúc với già làng, trưởng bản, các đoàn thể chính trị trong thôn buôn để giải thích, thuyết phục đi đến đồng thuận là trước tiên phải thi hành đầy đủ bản án của nhà nước. Còn luật tục buộc bên vợ bồi thường 03 con trâu sẽ tiếp tục họp dân làng để xác định lại một lần nữa người vợ có “phạm tội” ngoại tình hay không ? Không thể chỉ nghe một lời người làng suy đoán là kết luận ngay được.
Trường hợp khác là hai vợ chồng thuận tình ly hôn ở xã Ka Đô của huyện Đơn Dương đã được tòa án ra quyềt định công nhận. Một đứa con duy nhất giao cho vợ chăm sóc. Hàng tháng người chồng có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con là 200 ngàn đồng. Theo chế độ mẫu hệ, người chồng lấy vợ thì về nhà vợ ở. Quá trình chung sống thì tài sản làm ra đều do phía vợ quản lý. Sau khi ly hôn người chồng phải về lại nhà cha mẹ ruột ở, không được mang theo bất cứ tài sản nào. Thi hành án đến yêu cầu thi hành khoản tiền cấp dưỡng thì người chồng thắc mắc bởi luật tục của buôn làng thì người vợ giữ lại tất cả tài sản của vợ chồng nên vợ phải có trách nhiệm nuôi con. 
Qua thời gian phối hợp với già làng, trưởng bản vá các đoàn thể tại buôn, cơ quan thi hành án đã giúp bà con hiểu pháp luật là phải thực hiện nghiêm túc; bình đẳng đến với tất cả mọi người. Riêng vấn đề tài sản chung của vợ chồng trong quá trình chung sống; nếu bên nào cảm thấy thiệt thòi sẽ tiếp tục hòa giải có sự chứng kiến của chính quyền địa phương. Nghe lý lẽ êm xuôi; người chồng chấp thuận liền cấp dưỡng nuôi con một lần cho đến khi đủ 18 tuổi là 02 con trâu. Người vợ vui vẻ đồng ý. Thi hành án thành công khá trọn vẹn.  
Đây là 2 vụ việc điển hình thi hành án khá hữu hiệu về lĩnh vực hôn nhân và gia đình của đồng bào dân tộc thiểu số trong thời gian gần đây. Đó là nhờ bám sát địa bàn, thông hiểu luật tục, nắm bắt sâu sắc những quan niệm lâu đời còn lưu giữ…trong đồng bào để áp dụng luật một cách sát hợp nhất. /.