VĂN VIỆT
Trong khi nông
dân một số địa phương trong nước đành lòng phá bỏ cây điều vì ít lợi nhuận để
chạy theo những cây trồng khác theo giá trị kinh tế nhất thời của thị trường
thì nông dân ở xã Phước Cát 2, Cát Tiên vẫn gắn bó chọn cây điều là cây công
nghiệp chủ lực của địa phương.
Ông
Đoàn Ngọc Nam, Chủ tịch UBND xã Phước Cát 2, Cát Tiên cho biết, cây điều được đưa về Phước Cát 2 trồng từ
những năm đầu của thập kỷ chín mươi của thế kỷ trước. Điều trồng trên những địa
hình đất đồi trên cao, có độ dốc lớn nên vừa có chức năng là cây công nghiệp
dài ngày để giảm nghèo và vừa có chức năng là cây lâm nghiệp để chắn gió, giữ
nước đầu nguồn, bảo vệ môi trường sinh thái. Thời gian càng qua đi, cây điều
càng chứng tỏ sự sinh trưởng phù hợp trên vùng đất mới Phước Cát 2. Khi cây
điều đã đến độ bén rễ vào đất, nẩy lá trên cành thì gần như bốn mùa không cần
phải tưới nước, bón phân. Dinh dưỡng trong đất cũng như chế độ mưa nắng ở Phước
Cát 2 vẫn đủ nuôi sống quanh năm cho điều. Vào vụ điều khai hoa nở nhụy chỉ bơm
phun một lượng thuốc bảo vệ thực vật không đáng kể để cho hoa bung nở đều khắp
trên cành và sau đó sẽ đạt tỉ lệ thụ phấn đậu trái cao nhất. Vượt qua những
giai đoạn thăng trầm đầu ra sản phẩm, cây điều ở Phước Cát 2 vẫn giữ vững và mở
rộng diện tích đến nay lên đến gần 720 ha, bằng 60% diện tích đất canh tác các
loại cây nông nghiệp lúa, bắp, đậu ở địa phương. Tính riêng trong 2 năm vừa
qua, cây điều ghép mới ở Phước Cát 2 tăng lên hàng chục ha.
Và hiện theo con số
cập nhật đến hết quý 1/2010, cây điều kinh doanh ở Phước Cát 2 đã lên đến
624ha/720 ha. Còn lại là diện tích đều ghép đang trong thời kỳ kiến thiết có độ
tuổi từ 2 năm đến 5 năm. Năm 2009, giá điều thu mua tại vườn ở Phước Cát 2 ở
mức trên dưới 10 ngàn đồng/kg thì đến thời điểm cuối tháng 3/2010 đã tăng lên
trên dưới 15 ngàn đồng/kg. Tính ra một hộ nông dân Phước Cát 2 trồng 1 ha điều,
thu bình quân 1 tấn hạt thì có được khoản tiền để dành năm nay khoảng 15 triệu
đồng, tương đương với 3 tấn lúa trồng tại địa phương.
Tuy nhiên nếu so sánh chi tiết hơn giữa việc
trồng 1 ha điều cả năm nay thu hoạch 15 triệu đồng thì chỉ mới bằng 60% sản
lượng một vụ lúa trồng 1 ha (diện tích trồng lúa 2- 3 vụ ở xã Phước Cát 2
khoảng 175 ha, năng suất trên dưới 50 tạ/ha). Nhưng trồng lúa đạt năng suất cao
thì phải đầu tư thủy lợi, phân bón, giống, công lao động, kỹ thuật…luôn đồng
bộ, nhịp nhàng. Mà đất lúa thì không thể phát triển được điều và đất điều thì
không thể phát triển được lúa. Trong khi dưới tán cây điều ở Phước Cát 2 đang
trồng xen gần 22 ha cây ca cao phát triển khá tốt đồng thời với nhiều mô hình
chăn nuôi gia súc, gia cầm hiệu quả khác. Bởi vậy, xã Phước Cát 2 đến nay vẫn
chọn cây điều và cây lúa đồng hành với nhau là 2 cây trồng chủ lực của địa
phương. Cây lúa bây giờ đã vượt khả năng giải quyết cho lương thực tại chỗ với
năng suất trên dưới 5 tạ/ha với tổng số dân hơn 2.600 người (bình quân lương thực đầu người năm 2005 đạt gần 1.263kg;
đến năm 2010 ước đạt gần 1310kg).
Cây điều dẫu thu
nhập vẫn chưa gặp thời điểm tăng cao đột biến nhưng gần hai thập kỷ qua vẫn
được nông dân Phước Cát 2 luôn luôn tin tưởng là cây có nhiều tiềm năng kinh tế
ở phía trước, đặc biệt niềm tin càng nhân lên khi Festival “Quả điều vàng” vừa
diễn ra ở Bình Phước với nhiều tín hiệu khả quan đối với thị trường xuất khẩu
sản phẩm hạt điều từ Việt Nam … /
THÁNG
5/2009