Thứ Sáu, 29 tháng 11, 2013

“Duyên trần thoát tục”

MẠC KHẢI
Trong 20 ngày liên tục (từ ngày 01/5 đến ngày 20/5/2008 ), tại Rạp 3 tháng 4 Đà Lạt, Tỉnh hội Phật giáo Lâm Đồng phối hợp cùng với Công ty Sena Film TPHCM và diễn viên Việt Trinh, cùng tổ chức chiếu bộ phim cổ trang “Duyên trần thoát tục”. Phim thiết thực chào mừng những ngày tổ chức Đại lễ Phật Đản của Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam nói chung và tại Lâm Đồng nói riêng. Tất cả số tiền bán vé xem phim đều được dùng vào mục đích từ thiện ở Lâm Đồng.
  
Ngày đầu tiên khởi chiếu bộ phim “Duyên trần thoát tục” tại Rạp 3 tháng 4 Đà Lạt, diễn viên Việt Trinh bộc lộ rằng mình muốn đem cả tấm lòng và công đức của mình góp phần để bộ phim ra đời dành riêng cho mục đích từ thiện. Việt Trinh tri ân tất cả mọi người đến xem phim; bởi một người mua một vé vào xem bộ phim là cùng chung tay với Việt Trinh, với nhà sản xuất phim cùng phối hợp với Tỉnh hội Phật giáo Lâm Đồng góp phần đưa phong trào “Nhà nhà làm việc thiện. Người người làm việc thiện” ngày càng thâm nhập sâu sắc vào đời sống cộng đồng.Những tràng pháo tay của khán giả đã vang lên. Rạp chiếu bóng 3 Tháng 4 đã đông kín ghế ngồi trước khi đèn chiếu flash phát sáng từ máy phim.
Diễn viên Việt Trinh là người có ý tưởng đầu tiên về việc xây dựng một bộ phim về kiếp nhân sinh theo triết lý nhà Phật. Có lần Việt Trinh tâm sự về “Duyên trần thoát tục” rằng “…Cuộc đời tôi đã qua nhiều hỉ, nộ, ái, ố, từng có thời đỉnh cao vinh quang tột bậc, có lúc lại buồn khổ xuống vực thẳm. Nhiều năm nay, tôi nhận ra rằng dù mình giàu có đến đâu thì cũng chỉ ngủ trên một chiếc giường, ăn cơm ngày ba bữa. Vì vậy, với tôi những việc gì có ich dù ít thôi cho cộng đồng, chia sẻ bớt nỗi đau của người nghèo, người bất hạnh thì nên làm…” Ý tưởng của Việt Trinh đã mau chóng nhận được sự đồng điệu của ý tưởng từ nhà biên kịch Phạm Thùy Nhân. Vậy là không lâu sau, Phạm Thùy Nhân đã hoàn thành kịch bản, nghệ sĩ ưu tú Lê Cung Bắc nhận làm đạo diễn qua hãng phim Sena Film. Một ê kíp làm phim được tập hợp lại và bắt tay ngay vào công việc. 
Đoàn làm phim đã làm việc khá công phu, không chỉ chọn lựa những cảnh quay đẹp, ấn tượng từ trong nước mà còn hành hương đến vùng đất nơi Đức Phật sinh ra ở nước An Độ và các vùng đất thiêng khác của Nepal. Nơi vùng đất Phật cũng chính là cảnh đầu tiên của phim “Duyên trần thoát tục”. Lệ Quyên ( Việt Trinh), một cô gái trong đoàn khách du lịch Việt Nam lần đầu tiên đặt chân đến miền đất Phật với tất cả sự ngưỡng vọng và thành kính từ sâu thẳm cõi lòng. Dâng lên Đức Phật những bó hoa đậm đà mộc mạc, bất chợt Lệ Quyên bỗng như nhẹ bay vào một thế giới của sắc sắc không không từ 25 thế kỷ trước. Ay là khi Đức Phật trên đường hành đạo giác ngộ chúng sinh vượt qua cuộc sống nhân gian đầy bể khổ. Lòng thanh tịnh, Lệ Quyên gặp được cơ duyên ở Kỳ Viên Tịnh xá của An Độ khi được một nhà sư nơi đất Phật này trao cho một cuốn sách bằng tiếng Phạn. Lật giở rồi lần theo từng trang hoa kinh, Lệ Quyên thảng thốt khi tìm thấy những biến cố từ thời tiền kiếp của mình.
Tiền kiếp của Lệ Quyên là quận chúa Thuận Thiên, em gái của vua Võ Vương rất dã man với dân lành nhưng lại ươn hèn trước những chuyện đại sự của triều chính. Lũng đoạn quyền uy trong kinh thành là tên hung thần Phi Hổ. Hắn xuất thân từ một con hổ dữ thành tinh rồi dùng tà khí để điều khiển nhà vua cuồng tin. Không thể ngồi yên trước cảnh dân lành bị ức hiếp, hãm hại; bá tánh bất an, quận chúa Thuận Thiên bèn tìm đường lên núi cao Bạch Vân, mong muốn mời được sư Huyền Không về kinh thành thuyết pháp để Hoàng huynh Võ Vương giác ngộ. Không ngờ trên đường đi thỉnh rước nhà sư, quận chúa Thuận Thiên luôn bị hung thần Phi Hổ rắp tâm ám hại. Hầu như ngày nào Thuận Thiên cũng bắt gặp với hiểm nguy bủa vây trên lộ trình. Một lần lâm cảnh nguy ngập với cái chết chỉ đếm từng giây phút thì Thuận Thiên gặp một ân nhân cứu mạng. Ay là chàng trai khôi ngô tuấn tú, đầy lòng nghĩa hiệp, có tên là Thường Chiếu ( ca sĩ Nguyễn Phi Hùng ). Tình yêu của đôi trai tài gái sắc nảy sinh từ đó. Cũng thật là cơ duyên với Thuận Thiên bởi chàng trai cứu mạng cô chính là người đệ tử hết mực yêu mến của nhà sư Huyền Trang.   
Rồi ngược về tiền kiếp trước nữa cũa Thuận Thiên là một nàng công chúa đẹp người nhưng nết na thì chanh chua, lại hay đố kỵ và nhẫn tâm, nhất là đối với những người muốn tỏ ra hơn kém với cô. Bên chiếc cầu dừng chân dập dìu tài tử giai nhân lại diễn một cuộc thách đố về sự khuynh đảo của sắc vóc giữa công chúa và một giai nhân khác. Hệ quả một chàng thanh niên vì tình yêu công chúa mà sẵn sàng tuốt gươm tự đâm vào quả tim của mình để tuẫn tiết. Chàng thanh niên quả cảm này khi ở kiếp sau là trang thanh niên khôi ngô, tuấn tú, đệ tử của nhà sư Huyền Không mà quận chúa đã đem lòng yêu thương say đắm như đã nói ở trên.
Xoay quanh một chuyện tình trai gái từ tiền kiếp, hậu kiếp là những nhân vật chính diện, phản diện thường xuyên “va đập” với nhau, những xung đột của cốt chuyện được đẩy lên đến mức cao trào đỉnh điểm. Rồi được giải quyết bằng lẽ nhân quả ở đời. Ai gieo quả nào gặt quả đó. Ac lai ác báo, thiện lai thiện báo. Một ông vua hoang lạc vô độ, nhởn nhơ cười cợt trên nhục hình của đồng loại để cuối cùng phải trả báo bằng lưỡi dao bén ngọt, bằng ngọn lửa thiêu đốt cháy khét của chính kẻ cận thần Phi Hổ sát hại. Để rồi tên gian hùng Phi Hổ cũng buộc phải trở về nguyên hình là con hổ dữ.
Phim có nhiều cảnh quay chọn lựa “đắc địa”, cộng với kỹ xảo điện ảnh đã cuốn hút người xem trong suốt 2 tiếng đồng hồ. Xem phim 2 tiếng đồng hồ như được bay bổng vào thế giới hư hư thực thực của kiếp luân hồi, không có sự khởi đầu và sự kết thúc. Nhân vật Lệ Quyên đã tự soi mình ở 2 tiền kiếp trước, từ đó minh định ra chân lý giải thoát khỏi bể khổ trầm luân của kiếp nhân sinh là luôn phải giữ mình trong tâm thế vô ưu, thanh thản, tích thiện, tránh xa ác độc. Lời nguyện của nhân vật chính Lệ Quyên khi màn bạc “Duyên trần thoát tục” khép lại” là “…Con là ai trong cõi ta bà, con là hư không, con là tất cả…” Và hẳn đây cũng là thông điệp để tất cả mọi người sau khi xem phim “Duyên trần thoát tục” hãy dành những phút giây tự soi mình để bước tiếp trong cuộc đời đầy biến động phía trước…/.
THÁNG 5/2008