Ghi
chép VĂN VIỆT
Gọi điện thoại mấy lần mới được ông
nhận lời tiếp chuyện tôi vào một ngày đầu tháng 11 năm 2013 tại nhà riêng ở xã
Đạ K’Nàng, huyện Đam Rông. Đến nơi mới ‘ngộ” rằng ông chờ trời nắng khô mới hẹn
tôi xuống từ Đà Lạt đỡ vất vả với đường mưa cuối mùa, dốc cao, trơn trượt. Khái
niệm “mình vì mọi người” đã dần hiện ra khi tôi tiếp xúc với ông.
Ông là Bùi Ngọc Dung, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã
Đạ K’Nàng, huyện Đam Rông, tuổi đang đến gần “lục thập” với 66% tỷ lệ mất sức,
nhưng ông vẫn cho tôi thấy sự hoạt bát từ một người của công việc. Đưa tôi về
nhà riêng dưới chân dốc đường bụi trắng đầu đông, giọng ông Dung mộc mạc: “Nhà
tôi ở giữa vườn- ao- chuồng nên cũng rất tiện cho việc chăm sóc vật nuôi, cây
trồng, năm qua đạt tổng thu hơn 260 triệu đồng. Đặc biệt với “thương hiệu gà
ta” của gia đình chúng tôi đạt “năng suất” xuất chuồng hàng năm hàng ngàn con gà
thịt mà cứ không đủ bán cho người mua trong huyện Đam Rông… ”
Ngôi nhà gỗ nhỏ của gia đình ông Dung nằm dưới một
lòng chảo, một bên là đường cấp phối lớn đi qua, một bên là một ngọn núi dài
thoai thoải, ôm gọn 3ha cà phê hàng năm trĩu quả. Ông Dung kể gần 15 năm trước,
ông đến đây mua đất, dựng lều tạm để trồng cà phê giữa không gian thưa thớt dân
cư, điện lưới chưa về, đêm thắp đèn dầu leo lét, nhiều lúc giữa khuya một mình lạnh
vắng, nghe cả tiếng chân con hoẵng xuống núi vụt chạy qua. Trong 1ha đất mua đầu
tiên, chiếm chỉ 30% đất trồng cà phê của chủ vườn trước gần như bỏ mặc với nắng
mưa, cây xác xơ, vàng úa; 70% diện tích còn lại toàn những cây bụi tạp rậm rịt
tái sinh sau một mùa lúa rẫy của năm, ông Dung cặm cụi phát quang mỗi ngày. Quá
“đam mê” lao động quên giờ giấc sáng tối khiến không ít lần bị bệnh cảm sốt ập
đến, sức đề kháng có hạn của người bệnh binh, ông phải uống thuốc nhiều ngày. Rất
may, đất lành Đạ K.Nàng đã giúp ông mau hồi phục sau những liều thuốc mua nợ ở
người làng. Và từ đó đến nay, căn bệnh sốt rét ác tính của ông Dung thời quân
ngũ làm nhiệm vụ quốc tế bên nước bạn Lào đã không còn tái phát ở đất này .
Rồi những ngày “đất lạ xứ người” cũng qua mau, cựu
chiến binh Bùi Ngọc Dung đã hòa mình thành người làng Đạ K’Nàng, đi người làng
nhớ, ở người làng thương. Ông trở về bản quê trồng lúa ở tỉnh Thanh Hóa vay mượn
thêm nguồn vốn từ bạn thân quen, từ người họ hàng…để mua thêm 2 ha đất liên
canh thành 3 ha trồng mới 3.300 cây cà phê vối ở làng Đạ K’Nàng. Lúc đó là cuối
năm 1999, ông nâng cấp từ căn lều thành
căn nhà gỗ đảm bảo những tiện nghi cần thiết rồi đưa vợ và 3 con vào an cư lạc
nghiệp. Để giải quyết cái ăn trước mắt, ông Dung và vợ trồng xen canh các loại
cây màu ngắn ngày như bắp, đậu, khoai môn…đạt năng suất khá cao, người làng Đạ
K’Nàng ai cũng trầm trồ khen ngợi…
Nhưng không ngờ đến năm thứ 3 thì vườn cà phê vối 3ha
của ông Dung xuất hiện vàng lá, chết khô cục bộ chỉ sau mấy ngày mưa dầm, gió
cuốn. Không chỉ vợ chồng ông Dung mà những
người láng giềng ở Đạ K’Nàng cũng đứng ngồi không yên, đinh ninh có phải dịch bệnh
lạ bùng phát hay không. Thì ra đây là phần
lỗi kỹ thuật của ông Dung lần đầu “vào nghề” trồng cà phê do đào hố không đúng
quy cách, xuống giống với bộ rễ cây nằm cạn trên bề mặt đất, cây lên cao không
cố định với chiếc cọc nhọn cắm chắc dưới đất…Khi mưa nhiều, đất mềm nhũn, gặp
gió lay mạnh, cây dễ dàng bị lở cổ rễ, hút không đủ dinh dưỡng lên nuôi thân
cành và lá. Hệ quả này làm ông Dung mất trắng từ 10- 15% diện tích cà phê đang
lên xanh tốt. “ Phần lớn nhờ người làng Đạ K’Nàng đến thăm vườn cà phê của nhà
tôi để giúp ứng cứu vun gốc, bơm phun kịp thời và đúng thuốc bảo vệ thực vật…
”- ông Dung không quên.
Từ năm 2005 trở đi, người làng Đạ K’Nàng chuyển đổi theo
phong trào trồng mới cà phê chè catimor, ông Dung nghĩ ra cách trồng xen với cà
phê vối. Cứ 4 cây cà phê vối ở 4 góc, ông chọn một “điểm tâm” để trồng mới 1
cây cà phê chè catimor, đắp từng bồn gốc cây với chế độ chăm sóc cách biệt. Sau
này nhiều hộ gia đình Đạ K’Nàng đã thực hành trồng cà phê “2 trong 1” như hộ
ông Dung, ước đạt năng suất trung bình trên 1 ha mỗi năm “thu kép” 3,5 tấn
nhân cà phê vối và 1,5 tấn nhân cà phê
chè catimor.
Kinh tế gia đình dần ổn định và đi lên, ông
Dung đầu tư thời gian nhiều hơn cho sinh hoạt với đồng đội cựu chiến binh trong
làng, trong xã, cùng hỗ trợ kinh nghiệm, kỹ thuật mới trong sản xuất, chăn
nuôi, giúp nhau xóa đói giảm nghèo. Năm 2006, 40 hội viên cựu chiến binh xã Đạ
K’Nàng đã tín nhiệm bầu ông Dung với
trách nhiệm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã. Ông Dung tâm sự: “ Tôi luôn xác định
Hội Cựu chiến binh xã Đạ K’Nàng là “mái nhà thứ hai” bên cạnh “mái nhà thứ nhất”
của gia đình mình. Bởi vậy, tôi phải nỗ lực hết mình để cùng với tập thể hội
viên không ngừng nâng cao hoạt động thiết thực của Hội…”
Ngày ngày, ông Bùi Ngọc Dung luôn bố trí hợp lý, hiệu
quả cùng lúc “2 vai” là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã và Chủ hộ gia đình. Đến
nay sau 7 năm thực hiện “vai” Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Đạ K’Nàng, ông đã góp
phần quan trọng để vận động tăng số hội viên từ 40 người lên 145 người; giảm tỷ
lệ hộ gia đình cựu chiến binh nghèo từ 17% xuống còn 4,5%; tăng lên 60% số hộ
gia đình cựu chiến binh đạt thu nhập khá hàng năm – mỗi hộ thu nhập từ 100 triệu
đồng trở lên. Với “vai” chủ hộ gia đình, ông cùng vợ cần mẫn trong lao động sản
xuất, nuôi 2 người con lớn đã tốt nghiệp đại học và cao đẳng, 1 người con út đang
học lớp 11, đặc biệt ông đã đưa mẹ già 94 tuổi từ quê lên để phụng dưỡng, báo
hiếu đạo nghĩa làm con…
“Ông Bùi Ngọc Dung là một người mẫu mực và trách nhiệm
cao trong công tác cựu chiến binh và
trong công việc xây dựng mô hình gia đình sản xuất giỏi tiêu biểu của xã Đạ
K’Nàng… ”- Phó Chủ tịch UBND xã Đạ K’Nàng, huyện Đam Rông, ông Nguyễn Bá Nhân
nói./.
THÁNG 11/2013