Thứ Tư, 6 tháng 11, 2013

Nghe trước, nói sau

VĂN VIỆT
Tại cuộc họp triển khai công tác tuyên truyền pháp luật năm 2010 vừa qua, ông Trần Đình Kháng, Chủ tịch Hội Luật gia Lâm Đồng khẳng định một hình thức “đưa luật” khá đơn giản nhưng hiệu quả cao- đó là nghe trước, nói sau. Lần ấy, các luật gia đi cùng tổ chức hội nông dân xuống địa bàn, mang theo nhiều tài liệu pháp luật để phổ biến cho dân.
 
Nhờ sự vận động tích cực của các đoàn thể chính trị và chính quyền địa phương, bà con đã đến nơi tập trung tương đối đông vào buổi đầu giờ. Sau khi giới thiệu thành phần, chương trình làm việc, người chủ tọa thông báo đoàn sẽ lắng nghe những bức xúc, thắc mắc của bà con trước rồi sau đó mới căn cứ những văn bản pháp luật hiện hành để giải thích quyền lợi và nghĩa vụ theo từng tình huống, từng trường hợp cụ thể. Liền sau đó, không khí “đưa” và “nhận” luật sôi nổi ngay từ những phút đầu; người kế theo chờ đợi người giơ tay trước đặt câu hỏi xong để đến lượt mình. Cả ngày hôm đó, lượng người đến hỏi và nghe trả lời pháp luật mỗi lúc mỗi đông hơn; đưa hiệu quả tuyên truyền pháp luật đạt và vượt xa so với những con số chỉ tiêu, kế hoạch đưa ra.
Việc “đưa luật” bằng cách nghe trước, nói sau của Hội Luật gia Lâm Đồng nói trên là một hình thức tuyên truyền miệng mà tổ chức trợ giúp pháp lý của nhà nước tỉnh Lâm Đồng đã và triển khai khá tích cực. Hàng tháng, hàng năm, những đoàn trợ giúp pháp lý lưu động đều “cuốn chiếu” tổ chức “đưa luật” trực tiếp cho cộng đồng dân cư ở từng khu vực từ những vùng sâu, vùng xa nhất đến cả những vùng gần phố thị nhất. Đoàn thường cấp phát tại chỗ những phiếu đề nghị tư vấn cho dân điền vào những nội dung cần được hiểu biết, cần được giải đáp. Rồi cứ tuần tự theo từng nội dung đơn yêu cầu, các chuyên viên, cộng tác viên phân công nhau “đưa luật” cho dân. Phần nào dân còn băn khoăn thì ngay sau đó sẽ cùng với những thành viên của đoàn trao đổi lại, làm rõ nghĩa thêm những nội dung quy định của pháp luật.
Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho dân là một nhiệm vụ chính trị lớn, đòi hỏi phải luôn thực hiện thường xuyên và liên tục về thời gian; tạo những tác động ngày càng sâu rộng ở phạm vi không gian. Đồng hành với những hình thức tuyên truyền pháp luật quen thuộc qua các kênh như : thông tin đại chúng, cấp phát tài liệu pháp luật, sinh hoạt câu lạc bộ, giảng dạy ở trường học, hòa giải ở cơ sở…, hình thức tuyên truyền miệng bằng cách nghe trước, nói sau đã và đang phát huy tính thiết thực khi triển khai, góp phần vào kết quả chung về nâng cao nhận thức pháp luật của người dân; bảo vệ sự an sinh cộng đồng và tạo ra môi trường thụ hưởng pháp luật luôn hấp dẫn, lôi cuốn hơn. /.