VŨ VĂN
Bốn năm nay ở khu du lịch Đồi Mộng Mơ có
quày đá cảnh chưa quá ba mươi mét vuông đã ổn định cuộc sống hai vợ chồng và
hai đứa con đang đèn sách ở cấp đại học. Sản phẩm dịch vụ kinh doanh ở đây gồm
đá cảnh tự nhiên, đá cảnh thư pháp và đá cảnh in tranh với những nét riêng biệt
và luôn tạo hấp dẫn mới đối với thị hiếu khách du lịch gần xa.
Chủ
quày đá cảnh khu du lịch Đồi Mộng Mơ, ông Hồ Minh Tiến cho biết, từ Festival
hoa Đà Lạt 2010 đến nay, bên cạnh lượng khách du lịch vãn cảnh là khách mới
quen từ Festival hoa, là bạn bè trong nước nghe tin tìm đến mua đá cảnh nhiều
hơn. Họ mua trực tiếp, mua qua điện thoại đặt hàng với số lượng bán sỉ và bán
lẻ, có ngày cao điểm đạt doanh thu tiền mặt lên đến năm triệu đồng. Riêng trong
4 ngày trưng bày và chào bán một quày đá cảnh rộng 16 mét vuông tại Vườn hoa
thành phố Đà Lạt trong dịp Festival hoa này, ông Tiến đã bán đá thu được hơn 40
triệu đồng. Trong đó có khối đá cảnh hình “song long chầu nguyệt” đã được một
khách hàng ở Gia Lai giao tiền và nhận hàng tại chỗ với giá 15 triệu đồng. Tất
cả số đá cảnh tiêu thụ ở đây đều thu mua lại của người dân sống ven dòng sông
Đại Nga và sông Đại Bình chảy qua hai địa phận Bảo Lộc và Bảo Lâm của tỉnh Lâm
Đồng. “Có thể do địa chất kiến tạo với lưu lượng dòng chảy thay đổi theo từng
mùa trong năm nên sắc màu và hình thù của đá cảnh Lâm Đồng khá độc đáo so với
đá cảnh ở các vùng miền trong nước, giá đá bán ra lại phù hợp với nhu cầu người
chơi đá nên đã dần thu hút sự lựa chọn ngày càng nhiều của người mua khắp nơi
trong nước…”- ông Tiến nói.
Nói vậy không có nghĩa là đưa đá cảnh của
Lâm Đồng về để bất động trong quày hàng là ắt có người đến mua. Mà ngược lại
phải nói giùm “lời của đá” để tạo được sự đồng điệu giữa hồn người và hồn đá.
Điều này với Hồ Minh Tiến để có được phải trải qua những năm tháng dài nuôi
dưỡng và phát triển năng khiếu của mình khi đưa đá về sắp đặt theo nghệ thuật
và gửi vào đó những thông điệp muôn màu muôn vẻ của cuộc sống. Nhớ hồi lần dò
đến con suối gần nhà - con suối Đại Bình, Bảo Lâm - để mua gom lấy đá đen với
đủ hình dáng, kích cỡ, ông Tiến chợt nghĩ “Màu đen gặp màu trắng, cả hai màu
phối cảnh với nhau, sẽ cùng nhau nổi bật hơn lên ! ”
- Có lẽ cái năng khiếu phối
màu vẽ tranh, sao chép ảnh và thiết kế báo tường từ thời niên thiếu nay gặp dịp
quay trở lại, ông Tiến quyết định tìm mua cây cọ và mực trắng về viết liền mạch
một câu thư pháp trên những viên đá đen chọn sẵn để tự tặng cho mình “Ngoảnh
nhìn lại cuộc đời như giấc mộng. Được, mất, bại, thành, bỗng chốc hóa hư
không.” Viết xong nhìn ngắm lại, ông Tiến tự tâm đắc với mặt hàng mới sản xuất
của mình- mặt hàng đá cảnh thư pháp. Đến dịp lễ hội văn hóa trà Lâm Đồng cuối
năm 2006, ông Tiến mạnh dạn bày bán hơn 100 sản phẩm đá cảnh thư pháp trong một
quày riêng ở khu hội chợ Bảo Lộc; giá chào bán mỗi sản phẩm thấp nhất là 10
ngàn đồng; cao nhất lên đến hơn 1 triệu đồng. Kết quả vượt cả ngoài dự đoán khi
thần may mắn đã vào quày hàng của ông ngay sau giờ mở cửa và đến khi lễ hội trà
chưa bế mạc thì số hàng đá cảnh thư pháp ở đây đã không còn làm kịp thêm để
bán.
Khi
việc sản xuất đá cảnh thư pháp đã ổn định, ông Tiến mày mò sản xuất và đã thành
công tiếp theo mặt hàng đá cảnh mới - đá cảnh in tranh. Dụng cụ in tranh trên
đá thật gọn nhẹ với chiếc lò nướng thực phẩm mua từ chợ về rồi độ chế thêm. Quy
trình sản xuất khá nhanh gọn. Đầu tiên khách hàng chọn tấm ảnh màu đưa vào lò nướng
bằng điện của ông Tiến để trên phiến đá đen. Sau từ hai đến ba tiếng đồng hồ,
khách quay trở lại nhận hàng đá in tranh, mỗi sản phẩm giá từ 150 ngàn đồng đến
1 triệu đồng.
Đến
nay ông Hồ Minh Tiến đã gần ngưỡng “ngũ thập”. Sau một quãng đời bấp bênh mưu
sinh với nhiều nghề khác nhau, ông Tiến quyết định dừng lại với nghề sản xuất
kinh doanh đá cảnh. Bởi đó là nghề không chỉ cho ông cuộc sống vượt qua chật
vật khốn khó mà còn cho ông thể hiện niềm yêu thích của mình với nghệ thuật
thổi hồn cho đá./.
THÁNG 7/2009