Thứ Tư, 20 tháng 11, 2013

Phòng chống tội phạm bằng “lời”

VŨ VĂN
Ngành tư pháp Lâm Đồng vừa bình chọn 2 nhân tố tiêu biểu trong 10 năm hưởng ứng chương trình quốc gia phòng chống tội phạm ( 1998 - 2007). Điều đặc biệt ở 2 điển hình này là đã thực hành những phương pháp tuyên truyền miệng, cảm hóa giáo dục; góp phần xây dựng ý thức phòng, chống tội phạm trên khắp địa bàn dân cư.

Điển hình thứ nhất là ở Phòng Phổ biến giáo dục pháp luật thuộc Sở Tư pháp Lâm Đồng. Ông Trưởng phòng Nguyễn Thành Trì cho biết, phòng đã không ngừng đưa hoạt động tuyên truyền pháp luật tác động lẫn chiều rộng và chiều sâu trong đời sống dân cư. Hiệu quả rõ nét là phòng đã xây dựng 40 Câu lạc bộ “Tuổi trẻ phòng chống tội phạm” ở địa bàn cơ sở ( xã, phường, thị trấn). Mô hình này ngày càng thể hiện tính thiết thực với phương châm  : “toàn dân tham gia phát hiện, tố giác tội phạm, cảm hóa giáo dục, quản lý người phạm tội tại gia đình và cộng đồng dân cư.” Qua những cuộc sinh hoạt không định kỳ; hoặc sinh hoạt định kỳ hàng tháng, quý, năm, các câu lạc bộ ngày càng thu hút đông đảo hội viên, phân công từng nhóm hội viên bám sát địa bàn; tiếp xúc với đối tượng hư hỏng, đối tượng biểu hiện vi phạm pháp luật để tìm cách giúp đỡ, đưa về cuộc sống hoàn lương, lành mạnh. Ở hoạt động bề nổi, các câu bộ đã thường xuyên, liên tục với hình thức phòng chống tội phạm bằng “lời”. Từ nguồn kinh phí của Ban Chỉ đạo chương trình quốc gia phòng chống tội phạm tỉnh Lâm Đồng, hệ thống câu lạc bộ ở đây rất chú trọng đầu tư các thiết bị chuyển tải tuyên truyền miệng như: loa cầm tay, loa phóng thanh, ampli, cassette, ti vi, đầu phát đĩa hình…Nội dung tuyên truyền được phòng biên soạn, cấp phát hàng ngàn tờ gấp, tập sách; hàng chục băng đĩa hình…hàng năm. Kỷ năng tuyên truyền về phòng chống tội phạm đối với hội viên câu lạc bộ “tuổi trẻ phòng chống tội phạm” được ngành tư pháp tỉnh mở nhiều lớp tập huấn, trang bị những kiến thức phù hợp nhất ở từng khu vực dân cư. Từ phong trào đã phát hiện những câu lạc bộ dẫn đầu những thành tích phòng chống tội phạm trong thời gian qua như thị trấn D’Ran ( Đơn Dương); N’Thol Hạ ( Đức Trọng); Nam Ban ( Lâm Hà); xã Lát ( Lạc Dương)…
Nhân tố điển hình thứ hai của ngành tư pháp Lâm Đồng là anh Bùi Long Hùng, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ “tuổi trẻ phòng chống tội phạm ” ở thị trấn D’ran ( Đơn Dương). Hùng nói: Là hội viên, Hùng luôn xác định và làm tốt vai trò là người tuyên truyền viên nòng cốt về phòng chống tội phạm ở địa bàn cơ sở. Kiến thức và kinh nghiệm nhiều năm trên lĩnh vực pháp luật, Hùng đã đưa ra nhiều chủ đề tuyên truyền mang tính thiết thực cao. Trong năm 2007, Hùng đã trực tiếp tổ chức cho Câu lạc bộ tuyên truyền lưu động trên 13 thôn, khu phố của thị trấn D’ran. 
Đáng kể nhất là trong năm 2007, Hùng và những “đồng nghiệp” trong Câu lạc bộ đã cảm hóa, giáo dục thành công 6 đối tượng thanh niên đã từng vi phạm pháp luật. Trong hoạt động phối hợp, Hùng cùng lực lượng hội viên trong Câu lạc bộ tham gia với lực lượng công an triệt phá 02 vụ trộm cắp xe máy; 01 vụ trộm cắp vàng. Hiện Câu lạc bộ do Hùng làm “phó phụ trách” này đã xây dựng được 04 đội dân phòng với 30 hội viên thay phiên tuần tra, canh gác hàng đêm trên địa bàn.

Hình thức phòng chống tội phạm bằng “lời” mà Hùng đã đề xuất phối hợp với cơ quan thông tin tuyên truyền của địa phương đã, đang phát huy khá hiệu quả. Và bây giờ vẫn đảm bảo thời lượng chuyển tải pháp luật mỗi giờ hàng ngày, vận động mọi người tham gia phòng chống tội phạm tích cực hơn: sáng bắt đầu từ 6 giờ; chiều bắt đầu từ 17 giờ./.