Thứ Bảy, 9 tháng 11, 2013

Khu phố đường nhựa

VĂN VIỆT
Sau nhiều năm triển khai có trọng tâm, trọng điểm phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm, Khu phố 3, phường 10 vươn lên thành khu dân cư điển hình tàn quốc nói chung, dẫn đầu trong thành phố Đà Lạt nói riêng về xây dựng cơ sở hạ tầng, trong đó đặc biệt đã nhựa hóa và bê tông hóa hầu hết đường hẻm liên tổ dân phố nối liền với đường phố chính.

Ông Hoàng Trọng Cường, Bí thư Chi bộ Khu phố 3, phường 10, Đà Lạt kể rằng từ sáu, bảy năm về trước, khu phố này vào mùa mưa phải sống chung với cảnh lầy lội, đưa được xe máy ra đường phố chính Hùng Vương và đường phố chính Phạm Hồng Thái là như phải vượt suối, vượt ruộng vậy. Cả khu phố đều bức xúc nhưng điều kiện kinh tế của hộ gia đình nào cũng quá nhiều khó  khăn, kinh phí nhà nước phường và thành phố giành cho các công trình đường hẻm phố cũng vô cùng hạn chế. Để tìm ra giải pháp vượt khó về điều kiện giao thông, Chi ủy, Ban điều hành khu phố luôn luôn trăn trở, và đã chọn mục tiêu chính là vận động người dân đa dạng hóa kinh doanh dịch vụ, cùng giúp nhau tạo việc làm ổn định, từng bước nâng cao mặt bằng thu nhập chung. Đặc điểm dân cư của khu phố phân bổ tập trung dọc đường hẻm Phạm Hồng Thái, nằm khuất sau một phần đường lớn Hùng Vương, thương mại chủ yếu là nhỏ lẻ, nông nghiệp thì manh mún trên vài trăm mét vuông đất vườn trồng rau màu. Bước “đột phá” về phát triển kinh tế hộ gia đình ở khu phố được Chi ủy thông qua Nghị quyết là chuyển đổi diện tích sản xuất rau màu kém hiệu quả sang đầu tư xây dựng dịch vụ nhà trọ. Những gia đình có điều kiện huy động vốn được vận động mạnh dạn đi trước xây dựng và kinh doanh. Tiếp theo, khu phố liên hệ tạo vốn vay tín chấp và thế chấp đến từng hộ gia đình. Kết quả ngay từ năm đầu tiên, việc phát triển kinh doanh nhà trọ đã chứng tỏ sự phù hợp với nhu cầu thị trường, từng phòng trọ vừa mở móng xây dựng đều có người đến đặt thuê ở trước. Và đến nay, sau hơn sáu năm phát triển, hệ thống nhà trọ gia đình ở khu phố lên đến hàng trăm căn.
Việc tạo nghề cho người dân còn được Chi ủy, Ban điều hành và các đoàn thể chính trị xã hội trng khu phố tiến hành với nhiều cách thức hiệu quả khác. Như tạo điều kiện vốn vay cho một người sửa chữa xe gắn máy và hàn tiện, từ  đó giúp người thợ mở rộng cửa tiệm, thu hút thêm năm, ba công nhân của khu phố đến vừa học nghề vừa có thu nhập hàng ngày. Tương tự  có một thợ đan len lâu năm ở khu phố được hỗ trợ vay một số vốn đủ mở cơ sở đan len hộ gia đình, giải quyết việc làm cho gần mười người thợ. Cũng có một người già đã gần tám mươi lăm tuổi, thay vì hàng tháng phải chờ khoản trợ cấp còn thiếu thốn của nhà nước, đã được khu phố vận động người thân trong gia đình góp vốn xây dựng và đưa vào kinh doanh năm phòng trọ. Nhờ vậy người già này đã có cuộc sống không còn chật vật nữa.
Tính từ 10 năm trở lại đây, số dân Khu phố 3, phường 10, Đà Lạt đã tăng từ 180 hộ lên đến 454 hộ. Tuy nhiên, tỉ lệ nghịch dân số tăng là số hộ đói nghèo đã xóa hết với tất cả 45 hộ. Và 108 nhà ở vách  ván mục nát đã được người dân dỡ bỏ, xây nhà mới kiên cố và khang trang. Nhiều căn nhà xây mới theo kiến trúc biệt thự của người dân được khánh thành ngày càng nhiều. Người nghèo đã hết nghèo, người hết nghèo đã nỗ lực thành hộ khá và hộ giàu. Từ đây từng gia đình theo khả năng của mình đã chung tay hưởng ứng việc đóng góp tổng cộng cả tỷ đồng, cùng nhà nước xây dựng hoàn thành trên từng công trình dân sinh của khu phố như: Hội trường khu phố rộng hơn 100 mét vuông; 1,3 cây số đường thảm nhựa chính của khu phố vớ mặt đường rộng 5m; và bê tông hóa hàng ngàn mét chiều dài đường hẻm liên tổ dân phố…
Năm 2010, người dân khu phố thực hiện nghĩa vụ thuế và tự nguyện đóng góp các nguồn quỹ khác, cộng lại khoảng 300 triệu đồng.
Còn mấy tháng nữa kết thúc năm 2010, cũng là năm thứ 8, Khu phố 3, phường 10, Đà Lạt vượt điểm đạt khu phố văn hóa cấp thành phố Đà Lạt và cấp tỉnh Lâm Đồng. Cùng thời gian này năm ngoái- năm 2009, Khu phố được vinh dự báo cáo điển hình toàn quốc về thành tích xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư./.
THÁNG 10/2009