Thứ Tư, 27 tháng 11, 2013

“Mặc áo mới” cho Đà Lạt

VĂN VIỆT
Cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng vừa chấp thuận cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước xây dựng các công trình cao tầng trong thành phố Đà Lạt. Đây được xem là những nét nhấn của kiến trúc hiện đại trên nền của kiến trúc bản sắc Đà Lạt.  
 
115 năm hình thành và phát triển, Đà Lạt đã xây dựng một bảo tàng kiến trúc với những khu phố biệt thự sân vườn; những khu phố nhà liên kế tầng thấp. Tập trung nhiều nhất là hàng chục biệt thự ở đường phố Lê Lai, đường phố Trần Hưng Đạo. Và những dãy nhà san sát khu phố trung tâm chỉ với độ cao tối đa ba, bốn tầng. Đặc biệt ghi dấu những công trình di sản kiến trúc của Đà Lạt như Nhà ga xe lửa, Trường Cao đẳng sư phạm, Khách sạn Palace, Dinh I, II và III, Biệt điện Trần Lệ Xuân…Đặc trưng phố núi Đà Lạt trập trùng, những ngôi nhà mái lợp hình nón thấp thoáng giữa rừng thông làm ngẩn ngơ lòng du khách. Những năm gần đây khi đời sống xã hội nhộn nhịp hơn, thành phố Đà Lạt đã quyết định xây dựng lần lượt những công trình nhà cao tầng. Như khách sạn Golf Đà Lạt cao 8 tầng, đứng tựa lưng vào đường phố Lê Thị Hồng Gấm. Tiếp giáp với mặt tiền đường Nguyễn Thị Minh Khai là một khoảng sân khá rộng dùng làm bãi đậu xe và trồng nhiều cây với hoa. Công trình cao tầng đang xây dựng giai đoạn cuối là công trình khách sạn Sài Gòn – Đà Lạt nằm bên ngã tư cuối đường Ba Tháng Hai. Khách sạn có 8 tầng cao, tọa lạc trên một mặt bằng rộng hàng ngàn mét vuông.
 Đối diện với khách sạn là khu đồi thông xanh mát hàng chục ngàn mét vuông của Trường Cao đẳng dạy nghề Đà Lạt. Nhìn nghiêng bên này khách sạn là hồ phun nước Hoàng Văn Thụ. Rồi đường hoa ban Trần Phú nở trắng xóa khi xuân về. Thiên nhiên xanh bao bọc khối nhà cao tầng, trong lành và khoáng đạt.
 Ở khu vực hồ Đội Có cũng hình thành những cao ốc tương tự. Nơi đây cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng đã đồng ý cho nhà đầu tư xây dựng từ 3 đến 4 cao ốc cao từ 15 tầng đến 20 tầng. Với tổng diện tích khoảng 16 ha, nhà đầu tư sẽ thiết kế thành một khu công viên văn hóa và đô thị tiện nghi gồm các khu biệt thự, khách sạn hạng sao, chung cư, văn phòng làm việc cao cấp…chạy dọc giữa lòng chảo hai đường phố Đinh Tiên Hoàng và Bùi Thị Xuân. Dự tính tổng nguồn vốn đầu tư phải lên đến hàng ngàn tỷ đồng. Trong đó giành phần kinh phí đáng kể cho việc tôn tạo không gian xanh từ hồ nước xanh Đội Có nối liền với những cụm công viên cây xanh và hoa cỏ viền quanh những tòa nhà.
Với khu dân cư ấp Anh Sáng nằm giữa trung tâm thành phố Đà Lạt sắp sửa đổi thịt thay da sau bao nhiêu năm vá víu tạm bợ. Nơi đây đã có nhà đầu tư nước ngoài thiết kế xây dựng 06 khối cao ốc từ 13 tầng đến 15 tầng. Trong đó gồm 04 khối cao ốc chung cư, 01 khối cao ốc văn phòng và 01 khối cao ốc khách sạn đạt chuẩn từ 4 sao đến 5 sao. Toàn bộ 06 khối cao ốc nằm trên diện tích khoảng 02 ha. Khu vực tầng thấp từ tầng trệt đến tầng ba giành cho khu vực đậu xe, khu vực thương mại, dịch vụ. Khoảng 06 ha còn lại thuộc công viên ấp Anh Sáng sẽ được nhà đầu tư nâng cấp vơi những hạng mục bề thế hơn. Đi từ thung lũng ấp Anh Sáng lên con dốc vòng quanh Hòa Bình và lên tiếp một con dốc cao nhất của đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa là công trình cao ốc 15 tầng của một công ty du lịch trong nước đầu tư. 
Đây là khu thương mại cao tầng rộng khoảng 3.000 mét vuông, phối cảnh cùng với những khối nhà cao tầng từ 6 tầng đến 8 tầng cùng khu trung tâm như khách sạn Golf III, khách sạn Ngọc Lan, tô điểm cho diện mạo năng động mới của phố thị Đà Lạt.  
Đánh giá chung của ngành chuyên môn cho rằng kiến tạo địa chất của Đà Lạt khá bền chắc cho kết cấu của nền móng nhà cao tầng. Được biết hành trình đến năm 2020 của thành phố Đà Lạt là tiếp tục cấp phép cho nhà đầu tư có đủ năng lực vốn để phát triển những khu phố cao tầng. Tuy nhiên yêu cầu trước mắt diện tích đất xây dựng cao tầng phải đạt từ 2.000 mét vuông - 3.000 mét vuông ( đối với nội thành) và 4.000 mét vuông đến 5.000 mét vuông ( đối với ngoại thành). “Đà Lạt cần mặc thêm những chiếc áo mới từ những công trình kiến trúc cao tầng theo đúng thiết kế kỷ thuật và đúng quy hoạch ! ”- Ông Trần Văn Việt, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Lâm Đồng nói.
THÁNG 3/2007