VŨ VĂN
Sau 5 năm bước lên bục “quán quân” hòa
giải viên toàn quốc, chị Nguyễn Thị Hường tiếp tục gặt hái những thành công mới
trong từng phần việc hòa giải ở thôn Bắc Hội, xã Hiệp Thạnh, Đức Trọng.
Trong
tháng 8 năm nay, chị Nguyễn Thị Hường tập trung nhiều nhất ở công tác hòa giải
là truyền kiến thức, kinh nghiệm và tâm lý bình tĩnh, tự tin cho nữ hòa giải
viên trẻ Ka Liên bước vào cuộc thi hòa giải viên toàn tỉnh Lâm Đồng dự kiến tổ
chức trong vòng vài tháng tới.
Chị Hường làm hòa giải viên ở thôn Bắc Hội, Ka
Liên làm hòa giải viên ở thôn Phi Nôm. Cả hai thôn đều cùng trực thuộc xã Hiệp
Thạnh của huyện Đức Trọng. Cuộc thi hòa giải viên ở cấp xã Hiệp Thạnh và cấp
huyện Đức Trọng vừa kết thúc, nữ hòa giải viên Ka Liên đều đoạt giải cao nhất
nên được chọn dự thi lên cấp tỉnh Lâm Đồng. Kết quả này của nữ hòa giải viên Ka
Liên có sự trợ giúp đáng kể của nữ hòa giải viên giải nhất toàn quốc - Nguyễn
Thị Hường. Trong đó có phần thi năng khiếu từ cấp xã lên cấp huyện, Ka Liên đã
thể hiện bài hát đạt điểm khá cao do chính chị Hường sáng tác và tập luyện. “
Mười năm trước, tôi bắt đầu làm hòa giải viên ở xã Hiệp Thạnh thì Ka Liên mới ở
tuổi vị thành niên. Tiếp xúc với Ka Liên lúc đó đã gây chú ý đặc biệt với tôi
với những năng khiếu nổi trội như tham gia tích cực và hiệu quả trong phong
trào văn nghệ và các hoạt động xã hội khác ở thôn xóm. Những năng khiếu này
chính là những tố chất quan trọng nhất để Ka Liên có thể phát huy và trở thành
một hòa giải nhiều triển vọng …”- “Quán quân” hòa giải viên toàn quốc, Nguyễn
Thị Hường nói.
Bên
cạnh sự cầu thị học hỏi, tiến bộ qua từng cuộc thi của nữ hòa giải viên Ka
Liên, “quán quân” hòa giải viên Nguyễn Thị Hường còn luôn nhận được niềm tin
gửi gắm của cộng đồng dân cư từ làng trên đến xóm dưới trong thôn Bắc Hội, xã
Hiệp Thạnh. “Quán quân” Hường cho biết thêm
: “5 năm kể từ khi đạt giải nhất cuộc thi hòa giải viên toàn quốc đến nay,
tôi đã cùng với các thành viên trong tổ hòa giải thôn Bắc Hội tiến hành hòa
giải thành 32/37 vụ việc về dân sự, đất đai, hôn nhân gia đình. Bà con trong thôn, trong xã khi được tôi tư vấn,
hòa giải đều tỏ ra rất hài lòng và tin tưởng vào hướng đề xuất giải quyết vụ
việc của tôi…” Và thực tế nếu so với 5 năm về trước thì số vụ hòa giải 5 năm ở
thôn Bắc Hội về sau giảm xuống chỉ còn phần nửa. Chị Hường không quên vụ hòa
giải đầu tiên ở thôn Bắc Hội của mình. Đó là vào một ngày, một người mẹ trẻ
trong thôn bồng theo một đứa con nhỏ, chạy đến nhà chị khóc sướt mướt: “Chị
Hường ơi, người chồng của em bỗng dưng cả tháng nay cứ ngồi vào sòng bài suốt
ngày đêm, bỏ bê công việc ruộng vườn và
bỏ cả việc giúp em chăm sóc con nhỏ. Em đến nơi lớn tiếng bảo chồng em về thì
chồng em càng quát mắng em thậm tệ hơn. Em muốn bồng con bỏ xứ đi đâu đó thật
xa…” Nghe sự tình, chị Hường khuyên người mẹ trẻ hãy bình tĩnh trở lại về nhà
lo việc cơm nước trong gia đình như chưa có sự cố xảy ra. Ngay trong ngày, chị
Hường tìm mọi cách gặp gỡ được người chồng của người phụ nữ này. Mới hay, người
chồng có bản chất rất chịu khó làm ăn để cùng lo cho cuộc sống vợ con. Chẳng
qua nhất thời nghe theo bạn bè rủ rê đi
đánh bài, cá độ bóng đá rồi không dứt ra được. Qua nhiều ngày chịu nghe lời
khuyên giải của chị Hường, người đàn ông dần dần thấu hiểu đầy đủ hơn về hệ quả
của “cờ bạc là bác thằng bần” và đã dứt khoát từ bỏ. Nay thì vợ chồng này đã
cật lực làm ăn nhiều năm trúng mùa ở thôn Bắc Hội, cuộc sống khắm khá với hai
đứa con hàng ngày đi học…
5
năm sau ngày đạt “quán quân” toàn quốc, chị Hường cũng đã hòa giải thành một vụ
đáng nhớ về hôn nhân gia đình. Sự là người vợ cứ đến nhà chị Hường trút ra bức
xúc vì người chồng giữ tiền riêng gửi về cho gia đình ở quê xa. Lá đơn ly hôn
của người phụ nữ đã viết vội và ký sẵn. Trên đường đến tòa gửi đơn, người phụ nữ chỉ đến “xin chị
Hường một ý kiến cuối cùng”. Với kinh
nghiệm mười năm hòa giải trên lĩnh vực hôn nhân gia đình, chị Hường kiên nhẫn
lắng nghe tất cả những lời bực dọc của người phụ nữ rồi hỏi “anh ấy lấy tiền ở
đâu ra mà gửi về gia đình ? ” Người phụ
nữ trả lời: “ Tiền thu hoa màu trong vườn nhà thì em quản lý hết để chi tiêu.
Còn tiền ảnh đi làm thêm bên ngoài thì ảnh cứ giữ riêng, gửi về quê cho má ảnh
mà không hề cho em biết…”
Vậy thì nguyên nhân đã rõ. Trường hợp này không phải
là người chồng xấu. Qua phân tích nhẹ nhàng về đạo hiếu mẹ cha, nghĩa tình
chồng vợ, chị Hường khuyên người phụ nữ hãy mang đơn ly dị ấy về cất lại ở nhà
trước đã. Tiếp theo hãy trực tiếp có những nghĩa cử quan tâm cụ thể đối với
người mẹ chồng. Cuối cùng là trao đổi, thống nhất với chồng về khoản tiền hiếu
thảo với gia đình hai bên. Kết quả, người phụ nữ này đã không nộp đơn ly dị đến
tòa, về nhà làm theo lời khuyên của chị Hường. Không lâu sau, người chồng đã
thành thật xin lỗi vợ thay vì bàn với vợ thì lại đơn phương gửi tiền báo hiếu
về già đình đang khó khăn ở quê.
Hiện công việc hòa giải của “quán quân” Nguyễn
Thị Hường ( 52 tuổi) vẫn thường trực ngày đêm với số điện thoại và địa chỉ nhà
riêng ở thôn Bắc Hội, xã Hiệp Thạnh, Đức Trọng. Trong bài nhạc sáng tác cho nữ
hòa giải viên Ka Liên đi thi phần năng khiếu, chị Hường thổ lộ tâm tình qua
những ca từ: “Nếu có ai hỏi vì sao tôi yêu nghề hòa giải, vì sao tôi ăn cơm nhà
vác tù và hàng tổng…Vì tôi yêu đời, yêu người, muốn nhìn thấy mọi người sống
yên vui… ”./.
THÁNG
10/2009