Thứ Tư, 20 tháng 11, 2013

Phong phú hoa Xuân Thành

VĂN VIỆT
Làng hoa Xuân Thành, Xuân Thọ bây giờ không chỉ có hoa lay ơn truyền thống mà còn phong phú các loài hoa nhà kính với muôn sắc màu mới, trang trí thêm bức tranh khang trang, giàu có của vùng quê ngoại thành Đà Lạt.

Từ trụ sở UBND xã Xuân Thọ, anh Nguyễn Đức Trung, Chủ tịch Hội Nông dân xã đưa tôi đi ngược vài cây số về hướng phố Đà Lạt rồi vòng quanh một cung đường uốn lượn của làng hoa Xuân Thành. Đã gần giữa tháng 10 âm lịch, hai bên đường vào làng đang lên xanh những luống hoa lay ơn cho mùa tết tới. Anh Trung nói: “ Hoa lay ơn định canh trên đất Xuân Thành đã hơn sáu thập niên. Nhiều giống hoa cắt cành mới được chuyển đổi về đây, nhưng nông dân Xuân Thành chưa bao giờ nghĩ sẽ rời bỏ hoa lay ơn, tết năm nay lại tiếp tục tăng diện tích… ”
Đặc trưng của làng hoa Xuân Thành là ngày nào cũng có lay ơn “kết nụ” để xuôi về Nam, ngược ra Bắc, mang về thu nhập ổn định cho người nông dân. Anh Bồ Dũng, Thôn trưởng thôn Xuân Thành cho biết, lay ơn Xuân Thành trồng luân canh với đất rau, hàng năm trên dưới 40 ha; riêng mùa tết thì tăng thêm từ 5- 10 ha nữa. Năm 2013 sắp kết thúc, giá hoa lay ơn “đi lại” với mức 2.000 đồng/cành, trong thời gian 3 tháng canh tác, nông dân Xuân Thành đạt lãi từ 25- 30 triệu đồng/1.000m2.
Từ năm 2008 đến nay, công nghệ hoa nhà kính “du nhập” về làng Xuân Thành ngày một nhiều, nông dân đã tiếp cận khá nhanh và bắt tay vào canh tác cho hoa mới đua sắc cùng hoa lay ơn truyền thống. Ông Phạm Tiến (một nghệ nhân trồng hoa ở làng Xuân Thành được UBND tỉnh Lâm Đồng tôn vinh) là người tiếp tục đa canh có kết quả các giống hoa trên 01 ha nhà kính như: như cúc, bi bi, sa lem…đạt lãi trong năm trên dưới 500 triệu đồng/ha. Phương  pháp trồng hoa nhà kính đạt lãi cao của nghệ nhân Phạm Tiến là hoa cũ luân canh với hoa mới tránh được “độ nhàm chán” giữa đất và cây.
Nhưng nghệ nhân Phạm Tiến vẫn chưa “khoanh vùng” canh tác giống hoa nhà kính, ngược lại đã “nhiệt tình” chuyển thêm 1 ha đất rau để trồng ngoài trời các giống hoa mới trong vòng 5 năm trở lại đây. Như cây hoa hạt ngọc, ông Tiến trồng trên đất ngoài trời bằng cách giâm cành, thu lãi mỗi tuần trên dưới 1,5 triệu đồng/1.000m2.  Loài hoa này trồng 6 tháng bắt đầu thu hoạch cắt cành hàng tuần, nếu nuôi dưỡng đạt yêu cầu sẽ thu hoạch đến 5 năm sau mới xuống giống trở lại. Hoặc như hoa cẩm tú cầu, một loài hoa đường phố ở Đà Lạt được ông Tiến đưa về trồng kinh doanh thu lãi cũng “kha khá”.  Cụ thể trên 4.000m2 đất trồng mới hoa cẩm tú cầu, ông Tiến giâm cành và chăm sóc đến 9 tháng sau là đi vào thu hoạch.  Cứ  2 ngày cắt thu 1 lần trên dưới 50 cành, ông Tiến thu lãi từ 300- 500 đồng/cành.
Những thế hệ trồng hoa kế tiếp nghệ nhân Phạm Tiến ở làng hoa Xuân Thành đến nay đang xuất hiện “số nhiều” người thành đạt làm giàu. Đáng kể trong đó có anh Phạm Văn Sơn, 40 tuổi,  đang “nhận lương” lợi nhuận hơn 500 triệu đồng/ha hoa nhà kính . Sơn kể : “Tôi sinh ra ở làng hoa Xuân Thành, nối nghiệp nghề nông của gia đình trồng hoa lay ơn và rau xứ lạnh các loại. Khoảng 4 năm qua, tôi chuyển sang trồng hoa cát tường và hoa cẩm chướng trong nhà kính, có thu nhập để nâng cao mức sống, sinh hoạt của gia đình mình…”  
Qua nghề trồng hoa, nông dân Phạm Văn Sơn và nông dân – nghệ nhân Phạm Tiến cùng nhiều nông dân ở đây nữa, đã “kết bạn” với nhiều doanh nhân trong và ngoài tỉnh Lâm Đồng “làm thêm” nghề thương lái tiêu thụ hoa cho cho chính mình và cho nông dân “đồng nghiệp” trong làng hoa Xuân Thành - tất cả đang chăm trồng, thu cắt cành quay vòng trên 90 ha hoa nhà kính hàng năm.
Đến cuối tháng 11/2013, làng hoa Xuân Thành có 65 đại diện hộ trồng hoa “tốt nghiệp” lớp tập huấn 2 tháng về kỹ thuật trồng hoa công nghệ cao do các kỹ sư của ngành nông nghiệp Đà Lạt truyền đạt. 
Học viên Phạm Tiến “khoe” : “ Hóa ra từ trước tới giờ, nông dân mình chỉ sản xuất hoa theo kinh nghiệm truyền miệng lẫn nhau, cứ rảnh rổi giờ nào thì bón phân, tưới nước, trừ sâu bệnh…giờ đó. Nay đi học mới biết phải áp dụng theo quy trình bài bản, cái nào cần làm trước, cái nào cần làm sau thì năng suất, chất lượng hoa mới đạt cao hơn…” Còn học viên Phạm Văn Sơn thì : “ Đi học rồi vận dụng liền vào vườn sản xuất, mình thấy cái hay nhất là phải lên lịch sản xuất và ghi nhật ký hàng ngày; ngày hôm sau bổ sung kỹ thuật cho ngày hôm trước, kết quả vườn hoa nhà mình với tỷ lệ “đẹp” đồng bộ giữa hoa, lá và cành ngày càng tăng cao hơn trước nhiều… ”
Trưởng thôn Bồ Dũng nói thêm: “ Làng hoa Xuân Thành đang đề xuất chính quyền thành phố Đà Lạt mở thêm nhiều lớp dạy nghề trồng hoa cho 75% hộ dân còn lại được hoàn chỉnh quy trình. Và trong năm 2014 sẽ lên dự án thành lập Hợp tác xã hoặc Tổ Hợp tác để xây dựng và phát triển thương hiệu hoa Xuân Thành vươn xa hơn …”. * THÁNG 11/2013