Thứ Năm, 7 tháng 11, 2013

Khi Luật gia và Già làng cùng hòa giải

VĂN VIỆT
Nhiều năm qua, sự phối hợp đồng bộ và nhịp nhàng giữa tổ chức Hội Luật gia và tổ chức Hội Già làng ở xã Tân Châu, huyện Di Linh, Lâm Đồng đã đem về những hiệu quả quan trọng trong công tác hòa giải ở địa phương. Những va chạm trong cộng đồng được sớm hàn gắn từ sự phối hợp hết sức tận tâm và nhiệt thành này.

 Chi hội Luật gia xã Tân Châu, Di Linh, Lâm Đồng với 14 Luật gia, trong đó Ban thường trực Chi hội có 3 Luật gia. Trong hoạt động chính trị- xã hội nghề nghiệp của mình, Chi hội Luật gia đã đặc biệt chú trọng đến công tác hòa giải cơ sở trên tất cả 10 thôn, buôn trong xã nói chung; 5 thôn, buôn chiếm hầu hết là người đồng bào thiểu số bản địa nói riêng. 
Bên cạnh việc không ngừng nâng cao trình độ pháp luật cho đội ngũ Luật gia ( tổ chức cho Luật gia tahm dự các lớp tập huấn pháp luật trên huyện, trên tỉnh; cấp phát tài liệu pháp luật cho Luật gia tự nghiên cứu…), Chi hội Luật gia xã Tân Châu đã chủ động những hình thức phối hợp với Chi hội Già làng, Trưởng bản, thống nhất những cách xử lý tình huống hòa giải một cách nhanh nhất, phù hợp nhất với đặc điểm phong tục tập quán của khu dân cư và sát đúng với pháp luật của nhà nước. Với Chi hội Già làng ở xã Tân Châu được thành lập từ năm 2002, có 05 thành viên Già làng thường trực là: Chi hội trưởng, Chi hội phó, và 03 thành viên phụ trách sinh hoạt 05 Tổ Già làng ở khu dân cư. Với 05 Tổ Già làng được phân bổ trên 05 thôn đồng bào thiểu số bản địa ở xã, đang tập hợp sinh hoạt gồm 45 Già làng thành viên.    
Theo từng nơi cư trú cùng điều kiện và các quan hệ công tác, Chi hội Luật gia xã Tân Châu đã phân công từng Luật gia bám sát địa bàn, sát cánh với Già làng để tham gia hòa giải kịp thời những vụ việc mâu thuẫn, xích mích khi vừa nảy sinh giữa những cá nhân với cá nhân, giữa hộ gia đình với hộ gia đình. Đó là những trường hợp vợ chồng to tiếng với nhau vì những bất đồng về công việc ruộng vườn, về trách nhiệm chăm sóc dạy dỗ con cái. Đó là trường hợp những thành viên trong gia đình, đang bàn cãi với nhau để có những cách ứng xử, giải quyết chung nhất trên một sự việc của dòng tộc, họ hàng. Đó là những tranh chấp ranh giới đất đai nhỏ giữa những hộ gia đình hàng xóm làng giềng với nhau. Đây là những tranh chấp không đáng kể nhưng nếu để diễn ra kéo dài thì hậu quả sẽ trở thành những mâu thuẫn gay gắt hơn, ảnh hưởng đến tình đoàn kết của nội bộ cộng đồng, cũng như ảnh hưởng đến trật tự xã hội chung.  Xác định như vậy, từng Luật gia và từng Già làng trong xã, bất kể thời gian nào, hễ nhận tin có vụ việc mâu thuẫn là cùng xuống ngay tận nơi để hòa giải. 
Với Luật gia thì tùy theo từng trường hợp mâu thuẫn, sẽ kiên trì giải thích, thuyết phục các bên hãy chấp hành theo đúng những quy định pháp luật điều chỉnh của nhà nước ban hành. Với Già làng thể hiện uy tín của mình bằng những lời khuyên giải chí tình, chí nghĩa, khuyên giải mỗi bên mâu thuẫn hãy cùng bình tâm, nhường nhịn nhau để cùng tìm ra những hướng giải quyết hài hòa nhất.
Với tinh thần làm việc hết mình, với những phương pháp hòa giải thấu tình đạt lý , Chi hội Luật Gia và Chi hội Già làng ở xã Tân Châu, Di Linh đã trực tiếp hòa giải thành hàng năm từ 03 vụ đến 05 vụ. Riêng thôn 1 của xã, Tổ Già làng và các Luật gia phụ trách đã hòa giải thành hàng năm từ 05 đến 06 vụ việc. Tính riêng trong 03 năm gần đây, trên tất cả 05 thôn, buôn đồng bào thiểu số bản địa Tây Nguyên đều rất ít đơn thư khiếu nại, thắc mắc phải chuyển về Ban Hòa giải của xã. Cũng qua hòa giải, những hình thức thách cưới, hình thức tổ chức ma chay lạc hậu, mê tín dị đoan đã được bà con đồng bào thiểu số đồng lòng đẩy lùi, xóa bỏ. Thay vào đó, bà con đã hưởng ứng có hiệu quả cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống văn hóa mới ở khu dân cư, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào bản địa Tây Nguyên. Và cũng qua công tác hòa giải, đội ngũ Luật gia và Già làng đã tích cực vận động nhân dân trên toàn xã Tân Châu thực hiện đầy đủ các chương trình hành động về phát triển kinh tế- xã hội triển khai ở địa phương. Trong đó có kết quả đáng kể là đã góp phần vận động bà con áp dụng khoa học kỹ thuật mới như bón phân cho cây trồng đúng thời vụ, chọn thời tiết thích hợp để xuống giống cây trồng mới, chọn môi trường thuận lợi để mở rộng chuồng trại chăn nuôi vật nuôi mới; vận động bà con  thực hiện tốt quy ước ở cơ sở, thực hiện đầy đủ quyền dân chủ của mình ở khu dân cư. Cụ thể bà con đã cùng nhau huy động khá nhiều những ngày lao động công ích để tu sửa các đoạn đường đi vào khu sản xuất, chỉnh trang đường làng ngõ xóm trong từng khu dân cư ngày một sạch đẹp hơn.

Xã Tân Châu, Di Linh của tỉnh Lâm Đồng là xã Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới. Những năm gần đây, kinh tế nông nghiệp của xã tiếp tục khởi sắc đi lên, đời sống nhân dân nâng cao từng ngày, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn được ổn định và giữ vững. Trong thành tựu chung ấy, có thành tích của Chi hội Luật gia và Chi Hôi Già làng của xã đã tham gia hòa giải, giữ vững được mối quan hệ tình làng nghĩa xóm tốt đẹp trong khu dân cư./.