Chủ Nhật, 3 tháng 11, 2013

Lúa rẫy chuyển thành lúa nước ở Đồng Nai Thượng

VĂN VIỆT
Sau hơn 5 năm chuyển đổi những diện tích lúa rẫy thành lúa nước, đồng bào người Châu Mạ, Stiêng ở xã Đồng Nai Thượng ( Cát Tiên, Lâm Đồng) đã quen dần với kỹ thuật gieo sạ, tưới nước, bón phân, tu sửa bờ vùng, bờ thửa, gặt đập, cất lúa vào bao tích trữ trong nhà. Những khu vực trồng lúa nước đã giải quyết được lương thực tại chỗ cho từng hộ gia đình
.
Cuối tháng giêng Canh Dần, đến nhà hộ già làng Điểu K’Độ ở thôn Bù Sa, Đồng Nai Thượng ( Cát Tiên, Lâm Đồng) vẫn đang chất đầy những bao lúa còn dậy mùi rơm rạ của vụ đông- xuân. Hộ già làng Điểu K’Độ bau đầu canh tác từ vài ba sào, đến nay đã phát triển hơn 8 sào. Nguyên thủy đây là những thửa đất được già làng K’Độ rải hạt trồng lúa rẫy bên cạnh với cây cà phê, quanh năm đều lệ thuộc vào nước trời. Vì đất nằm dưới chân đồi, không có đường mương cấp thoát nước nên mùa hạn thì đất nứt nẻ khô cháy; mùa mưa thì ngập úng, lúa cho hạt và cây cho trái rất thưa thớt trên cành. “Có năm, gia đình tôi lượm mót hết vườn trên đến vườn dưới với diện tích  cà phê đến năm, sáu sào đất mà mang về nhà mới đong được từ 2 đến 3 bao ( mỗi bao khoảng 50 kg cà phê nhân ), bán mua gạo chỉ đủ ăn được đôi tháng cho gia đình với bốn, năm người…”- Già làng Điểu K’Độ nói.  Mấy năm nay, trên 8 sào đất lúa nước có năm làm được 2 vụ, có năm làm được 3 vụ, gia đình K’Độ thu mỗi mùa vụ từ 60 đến 70 bao lúa phơi khô. Nhờ lúa nước, cảnh chạy vạy mua gạo từng tháng của gia đình K’Độ đã chấm dứt từ lâu. Ka Thiều, con gái của già làng K’Độ cho biết thêm: Các thửa ruộng 8 sào lúa sản xuất nước của gia đình đã giành riêng một phần đất tự đào ao, đắp thành đường mương chứa nước đủ tưới cho mùa khô hạn. Nhà còn có 01 chiếc máy cày, 01 máy chiếc máy đạp suốt lúa, những chiếc dao liềm cắt lúa cất trên gác bếp… đến nay đã sử dụng quen tay đối với mọi người lao động trong gia đình, bớt đi rất nhiều những khó khăn. “Làm lúa nước là những người trong gia đình mình phải chia nhau đi lội xuống ruộng sáng- chiều mỗi ngày để làm cỏ, tưới nước, bón phân, phun thuốc trừ sâu…theo lời chỉ bảo của cán bộ khuyến nông thì mới thu được lúa nhiều. Khi cắt lúa đưa về nhà phải chở bằng xe máy đừng có nhanh, chứ không là xe chạy lên rồi xuống đường dốc, hạt lúa sẽ rụng rớt xuống đường tiếc lắm… ” – Ka Thiều nói. 
Ông Điểu K’Giá, Chủ tịch UBND xã Đồng Nai Thượng ( Cát Tiên, Lâm Đông) cho biết thêm: Hộ già làng Điểu K’Độ là một trong 6 hộ đầu tiên có diện tích đất được chọn trồng thí điểm lúa nước ở xã Đồng Nai Thượng, được nhà nước hỗ trợ từ nguồn lúa giống, phân bón, thuốc trừ sâu và trực tiếp hướng dẫn từng phương pháp, cách thức chăm sóc đồng ruộng. Bên cạnh đó, hộ Điểu K’Độ còn được cấp phát 01 chiếc máy cày trị giá hơn 10 triệu đồng. Đến năm 2008- sau gần 4 năm sản xuất lúa nước, hộ Điểu K’Độ đã xóa khỏi danh sách hộ nghèo trong xã, và đến nay đang có cuộc sống không chỉ no đủ mà còn có dư hoa lợi quanh năm.  Tương tự trong 5 hộ sản xuất lúa nước còn lại cũng vậy. Với chiếc máy cày của già làng Điểu K’Độ vẫn được giao cho 5 hộ sử dụng theo hình thức đổi công lao động. 
Đồng thời mỗi hộ còn được nhà nước hỗ trợ 01 con trâu để cày bừa cùng lúc cho đất vào kịp mùa vụ gieo trồng. Tính chung với 6 hộ đang sản xuất lúa nước đều được nhà nước cấp sử dụng chung 3 chiếc máy đạp suốt lúa khi thu hoạch. Tất cả họ đều trao đổi kinh nghiệm hàng ngày với nhau, cùng nhau tích cực mở rộng diện tích đất trồng lúa nước đến nay lên đến 6,5 ha, mỗi năm trồng từ 2- 3 vụ, đạt năng suất bình quân gần 35-37 tạ/ha. 
   Theo kế hoạch đến cuối năm 2010, UBND xã Đồng Nai Thượng ( cát Ti6en, Lâm Đồng)  sẽ tiếp tục tổ chức cho bà con phát triển diện tích sản xuất lúa nước lên đến hơn 10ha, thuộc các địa bàn trong xã như Bù Sa, Bù Gia Rá, Đạ Cọ. Để nâng cao năng suất đồng lúa từ 2 vụ đến 3 vụ mỗi năm, khu vực bên trên cánh đồng đang được xây dựng và sẽ hoàn thành trong năm 2010 một hồ nước thủy lợi có năng lực tưới tiêu quanh năm trên 10 ha lúa nước này. /.
THÁNG 3/2009