Thứ Tư, 27 tháng 11, 2013

Đức Trọng tăng tốc

VŨ VĂN
Đến năm 2015, người dân huyện Đức Trọng sẽ có cuộc sống khá giả với mức thu nhập bình quân đầu người mỗi năm gấp nhiều lần như hiện nay. Lúc đó số hộ nghèo trên toàn huyện chỉ  còn xuống dưới 2%. Để chạm đến ngưỡng chỉ tiêu chiến lược này, Đức Trọng đang khởi động một hành trình tăng tốc, đột phá mới.  

Sự khởi động tăng tốc, đột phá mới của huyện Đức Trọng vơi một nền tảng nhiều thuận lợi. Tỷ trọng nông- lâm- nghiệp ngày càng giảm; tỷ trọng công nghiệp- xây dựng và thương mại- dịch vụ ngày càng tăng. Nhiều vùng sản xuất nguyên liệu tập trung, vùng chuyên canh theo hướng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đã hình thành, bước đầu tạo sự gắn kết giữa sản xuất và chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Bộ mặt nông thôn và đô thị không ngừng được đổi mới, trong đó thị trấn Liên Nghĩa được công nhận là đô thị loại IV.
Trên từng giai đoạn tăng tốc và đột phá, huyện Đức Trọng xác định 5 chương trình kinh tế- xã hội trọng tâm để tập trung sự lãnh đạo và tổ chức thực hiện đạt hiệu quả cao nhất. Thứ  nhất đó là chương trình phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ- kỹ thuật cao, gắn với phát triển thương mại-  dịch vụ và công nghiệp chế  biến. Thứ hai là chương trình đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội gắn với xây dựng nông thôn mới, xây dựng xã, thôn đạt chuẩn văn hóa và chỉnh trang đô thị. Trọng tâm là xây dựng các công trình trọng điểm về giao thông, thủy lợi và cơ sở hạ tầng trung tâm các xã và các đô thị trên địa bàn như: đô thị Liên Nghĩa, khu vực ngã ba Liên Khương, Phi Nôm, Ninh Gia…Thứ ba là chương trình xây dựng và hoàn thiện cơ sở vật chất kỹ thuật các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế như: hệ thống trường lớp,  các cơ sở khám chữa bệnh, nhà văn hóa, sân chơi, bãi tập rèn luyện sức khỏe cho nhân dân. Thứ tư là chương trình xây dựng và phát triển nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao và có phẩm chất đạo đức tốt, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế của địa phương. Thứ năm là chương trình xây dựng và phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu và vùng đặc biệt khó khăn, chú trọng những mô hình phù hợp với tình hình thực tế ở từng địa bàn, từ đó đúc kết kinh nghiệm và nhân ra diện rộng. Trong quá trình triển khai thực hiện 5 chương trình trọng tâm này, huyện Đức Trọng đã chọn lựa những công trình trọng điểm để xây dựng, tạo động lực phát triển kinh tế theo từng khu vực của địa phương. Đó là công trình xây dựng hệ thống cấp thoát nước và xử lý chất thải rắn; xây dựng công viên cây xanh, hệ thống chiếu sáng tại thị trấn Liên Nghĩa và trung tâm các xã. Xây dựng cơ sở hạ tầng của xã điểm nông thôn mới Tân Hội. Xây dựng các công trình thủy lợi Hiệp Thuận ( xã Ninh Gia), K’Nai ( xã Phú Hội ). Xây dựng đường vành đai, cầu đường thông tuyến con sông chảy qua địa bàn thị trấn Liên Nghĩa. Xây dựng siêu thị, chợ đầu mối nông sản, chợ hoa và sàn giao dịch hoa, hệ thống chợ nông thôn. Quy hoạch khu trung tâm hành chính gắn với quảng trường trung tâm huyện...    
Để thực hiện thắng lợi những chương trình trọng tâm và công trình trọng điểm nói trên, huyện Đức Trọng đã thông qua các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm trong vòng 5 năm tới. Cụ thể sẽ thu hút đầu tư 100% diện tích khu công nghiệp Phú Hội và 60% diện tích khu đô thị công nghiệp Tân Phú. Trong đó số dự án sản xuất hiệu quả đạt từ 80%  trở lên. Thu hút đầu tư xây dựng chợ đầu mối nông sản chất lượng cao và xây dựng các siêu thị trên địa bàn huyện ; xây dựng các bến bãi đậu xe khu vực trung tâm huyện và từng bước đầu tư xây dựng các bãi đậu xe ở trung tâm các xã, cụm xã. Gắn kết chặt chẽ giữa nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà nước, gắn sản xuất với tiêu thụ ổn định, bền vững. Hoàn thành việc chuyển tất cả diện tích sản xuất lúa một vụ sang trồng các loại rau, hoa, cây thực phẩm…có giá trị kinh tế cao, đạt bình quân trên 100 triệu đồng/ha canh tác/năm. Đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa lâm nghiệp, hoàn thành việc giao đất, giao rừng cho nhân dân quản lý, bảo vệ, đảm bảo độ che phủ của rừng đạt trên 48%.  Nâng cao tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp lên 30%- 35%. 
Việc chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất phải sát với thực tế và trực tiếp đến từng người, trên từng cánh đồng, thửa  ruộng, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa như các xã Đa Quyn, Tà Năng, Tà Hine, N’Thol Ha. Thường xuyên hướng dẫn cho đồng bào dân tộc thiểu số phát triển nông- lâm kết hợp, chăn nuôi dươi tán rừng, từng bước vươn lên làm giàu từ nghề rừng, thu hẹp dần khoảng cách thu nhập giữa người dân vùng sâu, vùng xa với vùng đô thị trong huyện.
Với những nhiệm vụ và giải pháp khả thi trong 5 năm tới, huyện Đức Trọng tiếp tục phát huy sự đoàn kết, chung sức, chung lòng giữa đảng bộ, chính quyền và toàn bộ hệ thống chính trị với nhân dân các dân tộc anh em tại địa phương, chắc chắn sẽ sớm hoàn thành và vượt các chỉ tiêu của một giai đoạn tăng tốc, đột phá mới. ./.