Thứ Tư, 27 tháng 11, 2013

Đạ RSal từ xã lên thị trấn

VĂN VIỆT
Ông Nguyễn Văn Thân, Phó Chủ tịch UBND xã Đạ RSal (Đam Rông, Lâm Đồng) cho biết : Xã Đạ RSal vừa hoàn tất các thủ tục đề nghị lên cấp tỉnh, cấp trung ương để được nâng cấp từ xã thành thị trấn thương mại của huyện Đam Rông. Tin vui này đã mở ra những bước đột phá mới cho vùng đất cuối cùng của Lâm Đồng.
 
Tên xã Đạ RSal ra đời từ năm 2004 sau khi tách ra từ xã Rô Men của huyện Đam Rông. Địa bàn Đạ RSal gồm 6 thôn trải dài trên 15 km theo Quốc lộ 27 với gần 1.500 hộ dân, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khoảng 25%. Địa giới cuối cùng của xã Đạ RSal giáp tỉnh Đắk Lắk ở phía Bắc và tỉnh Đắk Nông ở phía Tây. Cơ cấu kinh tế nông-lâm-dịch vụ thương mại với những bước đi phù hợp, đã mang lại những chuyển biến tích cực trong đời sống xã hội. Tính riêng từ năm 2005 đến nay, từ hơn 40% số hộ nghèo đến nay giảm xuống chỉ còn hơn 10%. Trong đó tỉ lệ hộ đồng bào thiểu số giảm nghèo gần 50%. Cây cà phê robusta vẫn xác định là cây trồng chủ lực. Thông qua các chương trình tạo vốn vay cho hộ nghèo, chương trình chuyển giao khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, xã đã xây dựng một vùng chuyên canh cà phê với hơn 1.000 ha, trong đó có 900 ha cà phê kinh doanh. Hộ đồng bào dân tộc thiểu số trồng cây cà phê ít nhất là 2 sào; có nhiều hộ phát triển từ 1,5 ha trở lên. Có những khu vực chuyển đổi từ đất lâm nghiệp với những cụm cây tạp tái sinh thành đất sản xuất nông nghiệp trồng cà phê lên xanh tốt, có diện tích đã thu hoạch đạt năng suất 2,5 tấn/ha. Tính chung diện tích đất nông nghiệp xã Đạ RSal trong vòng 3 năm trở lại đây tăng gần 130%. Bên cạnh cây cà phê là cây lúa nước với 92 ha, năng suất đạt từ 30 tạ - 32 tạ/ha. Cây bắp có 320ha, năng suất 35 tạ- 38 tạ/ha. Đặc biệt với cây khoai mì do đồng bào dân tộc thiểu số canh tác đang tiêu thụ khá nhanh, diện tích trồng đã lên đến 50ha trong năm 2008. Ngoài ra còn có các loại cây trồng khác như cây khoai môn, cây dâu tằm…đã và đang đem lại những nguồn hoa lợi đáng kể cho người dân. 
Sản xuất đi lên, đời sống người dân ngày một nâng cao, đã và đang “kích cầu” các hoạt động dịch vụ, thương mại phát triển. Là khu vực trung tâm giao thương giữa 3 tỉnh Lâm Đồng, Đắk Lắk và Đắk Nông, trên 6 thôn của xã Đạ RSal đã có hơn 300 hộ cá thể được cấp phép kinh doanh hàng nông sản, cây xăng, nhà nghỉ, ăn uống giải khát, bách hóa tổng hợp, lương thực, thực phẩm tươi sống…Bên cạnh đó có 2 doanh nghiệp tư nhân. Dịch vụ internet, điện thoại bàn, điện thoại không dây…phát triển rộng khắp. Khoảng 10 cơ sở tiểu thủ công nghiệp mở rộng các ngành nghề khác nhau: lò gạch, rèn, sản xuất bún, đậu nành…thu hút hàng trăm lao động địa phương có thêm thu nhập. 
Từ năm 2005 đến nay, ước tính có gần cả chục tỷ đồng từ các nguồn vốn khác nhau từ trung ương, địa phương được ưu tiên đầu tư xây dựng về Đạ RSal. Đó là xây công trình nhà công vụ UBND xã; xây nhà văn hóa cộng đồng; xây trường mẫu giáo; phân trường tiểu học, phòng học cấp II; nâng cấp 5 km đường giao thông nông thôn; xây 4 hội trường thôn. Đó là các công trình nước sạch tại các thôn Phi Jút và Pang Pế Dong. Đó là công trình xây dựng cầu sắt qua suối Đạ Nưr ( thay thế hạng mục xây dựng đập tràn)… 
Ông Thái Viết Phúc, Phó Chủ tịch phụ trách kinh tế của xã Đạ RSal cho biết thêm: Từ năm 2005 đến nay, tăng trưởng kinh tế của xã đạt từ 15% - 17%/năm; thu nhập bình quân đầu người đạt từ 3,4 triệu đồng- 4,8 triệu đồng/năm. Tỉ trọng thương mại dịch vụ đã tăng lên gần 23%. Đây là những “con số nền” để xã Đạ RSal phát huy lợi thế của mình khi được nâng cấp lên thành thị trấn thương mại của huyện Đam Rông./.