Chủ Nhật, 24 tháng 11, 2013

Khoai tây luân canh với hoa nhà kính ở Thái Phiên

VĂN VIỆT
Nhà nông Nguyễn Đăng Hiến ở Thái Phiên, Đà Lạt đã tạo giống khoai tây cấy mô trồng trong nhà kính đạt kết quả bước đầu, mở ra hy vọng về mô hình trồng luân canh giữa khoai tây và hoa nhà kính, nhằm giữ độ ẩm dinh dưỡng ổn định cho đất.Cơ sở nuôi cấy mô của nhà nông Nguyễn Đăng Hiến xây dựng và đi vào sản xuất từ năm 1998 với những giống hoa cúc cao cấp trồng trong nhà kính, bán tại chỗ cho nông dân Thái Phiên (phường 12), Đà Lạt. Quy mô phòng cấy mô ban đầu khoảng 80 mét vuông, đến năm 2003 mở rộng thành 200 mét vuông, sản xuất đồng thời các nguồn giống khoai tây trồng ngoài trời bên cạnh các nguồn giống hoa cúc trồng trong nhà kính.


Trong thời điểm này, anh Nguyễn Đăng Hiến bắt đầu nghĩ đến nguồn giống khoai tây trồng trong nhà kính luân canh với trồng hoa cúc, một loài hoa chủ lực của phường 12, Đà Lạt. Từ kinh nghiệm nhà nông của mình, anh Hiến đúc kết việc độc canh trồng hoa nhà kính mỗi năm phải xử lý hóa chất ít nhất một lần để diệt trừ mầm bệnh trong đất. Nhưng đến năm thứ 4, thì việc xử lý hóa chất gần như không còn tác dụng nữa, nhà nông thường phải vận chuyển đất mới từ nơi khác về đổ lên nền đất cũ để trồng lứa hoa mới. Ước tính của anh Hiến trong thời điểm tháng 8/2011, trung bình 01 sào đất trồng hoa phải mua thêm khoảng 30 triệu tiền đất lấy mới và 50 triệu tiền công vận chuyển về đắp đổ lên trên bề mặt. Cứ sau 3 năm phải đắp đổ một lần đất mới phủ dày lên nền đất cũ với số tiền không nhỏ như vậy, cộng thêm khoản tiền xử lý hóa chất, nâng tổng số vốn đầu tư phải tăng cao lên, dẫn đến số lãi hàng năm thu về bị giảm xuống. 
Tuy nhiên, đây là những khoản chi phí bắt buộc từ trước đến nay của nhà nông, nếu không thì trồng cây không ra hoa hoặc ra hoa không đạt yêu cầu, có khi hoa bán ra đành chịu thua lỗ nặng nề.
Để khắc phục tình trạng này, nhiều nhà nông đã cải tạo đất trồng hoa cúc bằng cách trồng luân canh các loại rau màu. Nhưng rồi tính đi tính lại, hiệu quả kinh tế từ luân canh rau với hoa vẫn gặp nhiều hạn chế, độ dinh dưỡng của đất hàng năm chưa thể phục hồi như trạng thái ban đầu. Từ đây, anh Hiến trăn trở: “Có thể đưa giống khoai tây cấy mô trồng luân canh trong nhà kính với hoa cúc để cải tạo đất một cách tự nhiên hơn ?”           
Trăn trở và tự nghiên cứu, thực hành, liên tục không thành công từ năm này qua năm nọ, anh Hiến rút kinh nghiệm và tìm ra những công thức cấy mô mới để tạo ra giống khoai tây tốt nhất trồng trong nhà kính. Đó là những giống khoai tây khỏe mạnh đang được nông dân trồng ngoài trời, anh Hiến chọn lấy mẫu đưa về phòng cấy mô của mình và nhân bản thành giống mới. 
Từ việc thử nghiệm trồng khoai tây luân canh với hoa cúc trên vài chục mét vuông đến thử nghiệm khép kín 100 mét vuông nhà kính, từ tháng 6/2010 đến tháng 12/2010, anh Hiến đã thu được thành công bước đầu. Theo công bố của anh Hiến, trong vòng 6 tháng mùa mưa này, trồng 100 mét vuông khoai tây nhà kính, thu được 4,8 tạ củ. Nhân với 01 sào đất thành năng suất là 4,8 tấn. Nếu so sánh với khoai tây trồng ngoài trời, thì khoai tây trồng trong nhà kính với thời gian sinh trưởng dài hơn gấp đôi - khoảng 3 tháng, nhưng năng suất thì tăng hơn khoảng 1/3. Tuy nhiên, nếu so sánh rau xanh trồng luân canh với hoa, thì với năng suất và giá trị kinh tế khoai tây nhà kính thử nghiệm của anh Hiến đạt cao hơn khá nhiều.

Cũng theo anh Nguyễn Đăng Hiến, kỹ thuật trồng khoai tây luân canh trong nhà kính với trồng hoa, đòi hỏi kỹ thuật chăm sóc công phu hơn. Cứ nửa tháng một lần, anh Hiến vun gốc cho khoai tây bằng giá thể xơ dừa và phân hữu cơ ủ hoai mục. Vun gốc đến tháng thứ 4, thứ 5 là cây đủ dinh dưỡng để phát triển trọng lượng và chất lượng của củ. Vì trồng khoai tây luân canh chủ yếu trồng trong những tháng mùa mưa, tiết trời thường xuyên âm u, nên quá trình chăm sóc cần thắp sáng hệ thống bóng điện để tạo ra độ sáng phù hợp cho khoai tây quang hợp, sinh trưởng tốt hơn. “Những kỹ thuật trồng khoai tây nhà kính như thế này với trình độ nông dân Thái Phiên, thì việc chuyển giao sẽ dễ dàng, và có kết quả ngay từ vụ đầu…” - nhà nông Nguyễn Đăng Hiến nói.
Hiện tại anh Hiến đang hoàn thành báo cáo với Hội Nông dân phường 12, Đà Lạt và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng về kết quả trồng thử nghiệm khoai tây luân canh với hoa cúc trong nhà kính. Dự kiến trong năm 2011 này, nếu kết quả kiểm tra thực tế của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng đúng như công bố của nhà nông Nguyễn Đăng Hiến, thì nhà nông Đà Lạt chính thức được sử dụng giống khoai tây cấy mô này để sản xuất rộng rãi mô hình luân canh trong nhà kính với các loại hoa cao cấp khác.
Cập nhật lúc 15:11, Thứ Năm, 11/08/2011 (GMT+7)