VĂN VIỆT
Hơn một tuần đầu tháng 7 vừa qua, giá bắp
cải Đà Lạt tuột dốc quá nhanh, khiến người đông dân gánh nợ chồng chất, chưa
biết xoay xở đường nào.
Chúng
tôi đến vùng rau Thánh Mẫu, vùng rau đang trồng cải bắp khá lớn của Đà Lạt khi
giá bắp cải bán tại vườn loại đẹp nhất cũng chưa vượt quá 300đồng/1kg.
Anh
Thuyết, một hộ nông dân trồng cải bắp lâu năm ở đây nói: “Giá vật tư, phân bón
nông nghiệp thì tăng cao vun vút. Còn giá các loại rau thì ngày càng rớt sâu
xuống dốc, nhất là cải bắp, vừa bán vừa cho mà hàng vẫn cứ ế ẩm nằm lại …” Cách
đó hơn một tuần với giá hơn 700đồng/1kg, anh Thuyết bán vội bán vàng 5.000 cây
( mỗi cây nặng từ 2 kg trở lên ). Dù sao cũng còn lấy lại được thêm đồng nào đỡ
đồng nấy; chứ để đến lúc này thì lỗ vốn lại nặng nề hơn nữa.
Ở
bên kia khu Hố Cưa của vùng cải bắp Thánh Mẫu có hộ ông Ngãi vừa bán hết 20
ngàn cây cải bắp với số tiền thu về hơn…8 triệu đồng. Tính ra với 01 sào đất
trồng cải bắp trong thời gian 3 tháng thu hoạch chỉ đạt tổng doanh thu…01 triệu
đồng. Theo bài toán nhẩm nhanh của nông dân Thuyết, giá một kg bắp cải thời
điểm hiện nay phải đạt tối thiểu 4 ngàn đồng thì mới lời được tiền công chăm
sóc ( giá một ngày công lao động làm việc nặng nhọc đối với nam là 100 ngàn
đồng; làm việc nhẹ sức hơn đối với nữ là 60 ngàn đồng). Một lứa cải bắp kéo dài
trong 3 tháng từ cải tạo đất, xuống giống, làm cỏ, bón phân, bón thuốc, tưới
nước…quần quật không ngơi tay ngày nào.
Hơn nữa giá phân bón, thuốc trừ sâu
hiện thời tăng quá cao. Như năm ngoái mua 01 bao phân NPK chỉ hơn 300 ngàn
đồng; năng đang tăng ở mức 1,1 triệu đồng. “Nhiều người nông dân như tôi luôn
mua phân, mua thuốc trừ sâu là mua “ký sổ” với với các cửa hàng ở địa phương.
Còn nguồn giống, lắp đặt hệ thống tưới tiêu…thì sử dụng nguồn tiền vay ngân
hàng để đầu tư. Lãi mẹ đang đẻ lãi con mà chưa biết trồng lại cây gì để bù lấp
vào những những khoản lỗ nặng này… ”- nông dân Thuyết nói.
Cây
bắp cải Đà Lạt không chỉ đang làm điêu đứng người sản xuất mà các thương lái
cũng đứng ngồi không yên vì hàng cứ liên tục “dội chợ”. Bắp cải mới ngày đầu
tháng 7/2008, thương lái đến tận vườn mua 2.000 đồng/kg. Sau đó giá rớt rất
nhanh qua đến tuần kế tiếp chỉ còn 500 đồng rồi 300 đồng/kg. Tại một vựa rau chuyên thu mua bắp cải ở vùng
Đa Thiện, Đà Lạt, người chủ vựa thở vắn than dài “Tuần rồi, vữa rau chúng tôi
phải đổ bỏ đi cả tấn bắp cải vì hàng tồn kho lâu ngày quá, héo úa và bị thối
ruột…” Trong tình cảnh ế ẩm, vựa rau này chỉ dám nhận người nông dân ký gửi lưu
kho trên dưới 10 tấn hàng. Vựa chỉ bán buôn, bán lẻ tại chỗ; hoặc người mua đến
trực tiếp đóng hàng đi. Nhưng ngày gặp may lắm chỉ bán được một, hai tấn. Còn
ngày thường thì bán lẻ cho xe tải nhỏ, xe ôm chở đi tiêu thụ các chợ trong
thành phố Đà Lạt. “ Chúng tôi biết rất nhiều nông dân đang xót xa để cải bắp
nứt nẻ, vỡ cuốn tại vườn. Nhưng khả năng tiêu thụ của chúng tôi đang bị ách
tắc. Nông dân lỗ, chúng tôi cũng mất luôn nhiều bạn hàng tiêu thụ… ”- Người chủ
vựa cùng đồng cảm với nông dân.
Đến
khu vực vùng rau Nam Hồ, Đà Lạt, chúng tôi vào vườn bắp cải trồng đầu tiên
trong năm 2007 của hộ gia đình Trần Khanh. Hộ gia đình này đang thu cắt 5.000
cây bắp cải trên diện tích 1, 5 sào : “Chúng tôi không giám thuê công gánh, vận
chuyển lên đường lớn vì sẽ lỗ trắng. Mà phải cùng bảo nhau gắng sức thu hoạch
cho hết 5.000 cây, đưa lên đường lộ lớn để xe tải chở ra chợ tự bán buôn và bán
lẻ. Bây giờ chỉ mong vớt vát lại những đồng tiền lẻ mà thôi… ” Mấy năm nay, hộ
gia đình Trần Khanh trồng hoa cũng đạt được lợi nhuận tương đối. Giờ đầu tiên
chuyển sang trồng bắp cải thì gặp cảnh ứ đọng hàng như vậy !
Chúng
tôi đã liên lạc với ông Đức, Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Đà Lạt. Ông Đức
cho rằng với cơ chế thị trường, người nông dân chủ động lựa chọn trồng cây gì
trên thửa đất của mình; giá cả thì do thị trường quyết định. Hội Nông dân chỉ
định hướng chung mà thôi. Tuy nhiên, ông Đức cũng lạc quan về giá bắp cải
thường chỉ biến động thất thường trong vòng một tháng, một tháng rưỡi là nhiều.
Rồi thị trường sẽ bình ổn thôi mà. Nhưng dự báo cũng chỉ là…dự báo. Còn hiện
tại thì người nông trồng bắp cải trên vùng rau xứ lạnh Đà Lạt đang gánh nhận
những khó khăn vì thua lỗ những nguồn vốn đầu tư khá lớn./.
THÁNG 7/2008