VĂN VIỆT
Từ thị trấn Liên Nghĩa, Công ty TNHH
Phương Vinh vào vùng sâu Tà Hine của huyện Đức Trọng ( Lâm Đồng) mạnh dạn đầu
tư bạc tỷ để xây dựng khu du lịch sinh thái Thác Bảo Đại (còn gọi là Thác Đá
Cao) đã hơn 4 năm nay. Dự kiến đến cuối năm 2010, thác sẽ mở cửa đón khách, mở
ra hy vọng hình thành nhiều dịch vụ mới cho cư dân nơi này.
Tên
Thác Bảo Đại là chuyện kể quãng thời gian vua Bảo Đại về Đà Lạt xây dựng “Hoàng
triểu cương thổ” đã
thường xuyên xuống nơi đây vui thú săn bắn thú rừng. Còn
tên Thác Đá Cao là chuyện kể thời xửa xưa một con cá sấu khổng lồ nằm chết hóa
đá vắt ngang dòng thác sau khi đã ăn hết trâu, bò, gà, vịt…mỗi loài 7 con. Đầu
những năm hai ngàn, Công ty TNHH Phương Vinh, một doanh nghiệp ở thị trấn Liên
Nghĩa, Đức Trọng đã chọn Thác Bảo Đại làm thủ tục hợp đồng thuê đất dài hạn để
đầu tư thành khu du lịch sinh thái. Bởi thác nằm trên trục đường quốc lộ có thể
làm điểm dừng chân của du khách đi từ Phan Thiết lên Đà Lạt và ngược lại. Ông
Nguyễn Viết Phương, Phó Giám đốc Công ty TNHH Phương Vinh kể lại : Lúc khảo sát
đầu tư, Thác Bảo Đại còn bao phủ bởi những vạt rừng cây bụi, cỏ tạp um tùm, rắn
rết xuất hiện nhiều. Cách ra bên ngoài khu vực phụ cận dòng thác là những rẫy
bắp, mì, cà phê…khô cằn vì trồng trên đất đá.
Đồng thời với việc thỏa thuận đền
bù thỏa đáng cho người dân, việc đầu tiên với công ty đã đóng góp 1,3 tỷ đồng
cùng với nhà nước trải nhựa 1,7 km đường đi qua các khu dân cư vào thác ( bằng
30% tổng kinh phí xây dựng). Tiếp theo là đổ đất lấp đầy lên đá để trồng cây
cảnh và đưa giống cây keo lai về trồng rừng phủ lên đất trống. “Chúng tôi phải
lấy đất thịt nhiều nơi bị sạt lở trong xã Tà Hine rồi vận chuyển bằng cơ giới
về đắp lên đất đá, độ dày trung bình 40 cm, có chỗ đắp dày lên đến 01m. Rồi sưu
tập cả trăm loài sinh vật cảnh trong nước về tạo cảnh. Rồi sưu tập hàng chục
khối đá về dựng thành vườn đá…”- ông Phương nói.
Đến
nay với diện tích 17,5 ha khu vực Thác Bảo Đại được thuê trong vòng 50 năm,
Công ty TNHH Phương Vinh
đã phủ xanh hơn 10 ha rừng keo lai đang vươn cành lên cao
năm, bảy mét; trồng hàng chục tiểu cảnh hoa cỏ khép kín, xây dựng hàng trăm mét
đường lát đá ngoạn cảnh, đào 3 chiếc ao
sinh thái, dựng hơn 10 nhà nghỉ chân,
xây 2 nhà hàng ăn uống giải khát… Những công trình này cộng với tiền giải tỏa
đền bù vườn rẫy, tiền xây dựng giao thông, tiến đắp đất như vừa nêu trên…thành
tất cả kinh phí đầu tư lên đến hơn 6 tỷ đồng. Dù chưa mở cửa chính thức, nhưng
ước lượng 6 tháng đầu năm 2010 đã có hàng ngàn lượt khách trong và ngoài tỉnh
Lâm Đồng và kể cả khách quốc tế vào đây tham quan miễn phí. Điều này theo công
ty là một hình thức khuyến mại quảng bá một điểm du lịch mới ở Lâm Đồng trước
khi mở cửa bán vé thu tiền. Du khách dừng lại lâu nhất là ở khu vực trung tâm
thác. Để đặt chân đến bên dưới chân thác, du khách đi qua một đường giao thông
hào tự nhiên giữa vách đá, len lỏi qua những sợi dây leo cổ thụ to như thân
hình của một con trăn.
Ở đây có một khối đá chông nằm cách biệt một dây thông
hào với vách núi đá lớn, độ cao phải lên
đến 10 mét, phải nối vòng tay 10 người mới ôm hết phần thân của đá. Với mùa khô
thì dòng chảy của thác cao khoảng 30 mét theo chiều thẳng đứng. Vào mùa mưa
nước dâng cao lên, chiều cao của thác còn lại trên 15m. Những tảng đá nhiều
hình khối nằm sat sát bên nhau, đón nhận lấy dòng thác đổ xuống khi róc rách
nhẹ đều trong mùa khô; khi tung bọt
trắng xóa trong mùa mưa..
Những
hạng mục còn lại trong năm 2010 của khu du lịch Thác Bảo Đại là tiếp tục xây
dựng những khu nhà nghỉ chân, những khu vườn mê cung chằng chịt lối đi trong
vườn hoa cây lá, trang bị các thuyền du ngoạn dưới lòng thác, xây mới khu nhà
rông của đồng bào bản địa Tây Nguyên, thành lập đội văn nghệ cồng chiêng của
buôn làng…
Hy vọng với những bước đầu tư, chuẩn bị khá bài bản mang tính lâu
dài, khu du lịch Thác Bảo Đại sẽ gây ấn tượng mạnh mẽ đối với du khách gần xa
ngay từ ngày đầu khai trương; từng bước tạo cơ hội cho người dân vùng sâu Tà
Hine, Lâm Đồng có điểu kiện mở mang các dịch vụ, ngành nghề sản xuất các sản
phẩm du lịch đặc thù của địa phương./.
THÁNG 7/2009