VĂN VIỆT
Gần mười năm tạm cư với quy hoạch treo,
hàng chục hộ gia đình ở khu phố An Tôn, phường 5, Đà Lạt phải sống cảnh đường
sá xuống cấp, nhà cửa xiêu vẹo, đồng rau tạm bợ…Và đến nay người dân An Tôn vẫn
chưa biết được bao giờ mới thoát khỏi cảnh khốn khó này.
MƯỜI NĂM CHỜ...GIẢI
TỎA
Ông
Đinh Văn Tùng, Khu phố trưởng khu phố An Tôn ( Khu phố 5, phường 5, Đà Lạt) kể
rằng cơ quan chức năng đã dựng lên đầu khu phố tấm bảng quy hoạch chi tiết khu
dân cư An Tôn gần mười năm trước. Theo đó, hơn 70 căn hộ gia đình với 40 ha đất
ở và đất sản xuất nông nghiệp lâu đời nơi đây sẽ phải giải tỏa, xây dựng mới
trở thành khu dân cư hiện đại với cả trăm căn nhà dạng chung cư, liên kế, biệt
lập…Hai đường phố chính nằm trong quy hoạch là đường phố Y Dinh và đường phố An
Tôn. Nhưng mười năm qua chỉ có hơn 10 hộ dân dọc đường phố Y Dinh được cơ quan
chức năng mời họp vài lần nghe thông báo áp giá đền bù khoảng 50 ngàn đồng mỗi
mét vuông đất nông nghiệp. Còn lại tất cả các hộ dân ở đường phố An Tôn khi đi
làm thủ tục sửa chữa nhà, lắp đặt điện nước, tách hộ khẩu…mới biết mình đang sống
trong khu quy hoạch mới, sẽ phải chấp hành giải tỏa và tái định cư theo quy
định.
Người dân khu phố An Tôn sống bằng nghề trồng
rau, hoa…với trung bình mỗi hộ gia đình canh tác hơn 0,5 sào. Đất ở đây rất
nhiều lợi thế để sản xuất hoa hồng theo công nghệ cao, mỗi ha phải đầu tư xây
dựng nhà kính, hệ thống bơm tưới tự động, cây giống…từ 700 triệu đến 800 triệu
đồng. Chăm sóc đúng kỹ thuật, với giá thị trường hoa hồng ở mức bình ổn như lâu
nay thì chỉ hơn một năm sau người sản xuất sẽ thu lại nguồn vốn đầu tư. Năm thứ
hai trở đi bắt đầu thu lãi ròng từ 200 triệu đồng đến 300 triệu đồng mỗi ha là
không khó. Hoặc nếu trồng rau sạch thương phẩm thì mỗi năm cũng đạt lãi từ 70
triệu đồng đến 80 triệu đồng mỗi ha. Tuy nhiên do nằm trong quy hoạch, đa số
người dân khi đem “sổ đất”, “sổ nhà” thế chấp ở ngân hàng chỉ được vay với số
tiền vô cùng hạn chế. Vốn thiếu, đầu tư sản xuất nhỏ lẻ nên giá trị sản phẩm vô
cùng thấp kém, cuộc sống người dân chỉ đủ đắp đổi theo từng lứa rau ngắn ngày.
Hiện
khu dân cư An Tôn với nhà ở bán kiên cố của người dân chiếm đến 98%. Trong đó
nhiều căn nhà xuống cấp nghiêm trọng nhưng người dân không thể đầu tư sữa chữa
lớn vì lo ngại giải tỏa. Thậm chí có nhiều căn nhà trong tình trạng tường xiêu
vách đổ, phải vá víu che nắng che mưa suốt mười năm qua. Căn nhà của gia đình
ông Bí thư Chi bộ Khu phố, Phạm Gia Kỳ Trung là một minh chứng. Ấy là căn nhà
mái tôn, vách đất, rộng khoảng 90 mét vuông, có tuổi đời gần nửa thế kỷ, phải
thường xuyên đắp thêm đất lên tường nhà mới tạm chống ẩm ướt, tạm chống đổ sập
trong mùa mưa gió. Cám cảnh hơn là căn nhà ván mục nát của hộ gia đình nghèo
Nguyễn Mỹ năm trên diện tích đất 60 mét vuông. Ông Nguyễn Mỹ, sinh năm 1970,
không may bị đá núi đè gãy một chân sau một lần đục đá thủ công cách đây mười
ba năm. Hành nghề xe ôm hàng ngày, ông Nguyễn Mỹ chỉ đủ đong gạo cho gia đình
với người cha già (gần 80 tuổi) và người
vợ ( làm thuê cuốc mướn). Nhiều năm qua, khu phố vận động để xây dựng nhà tình
thương cho gia đình ông Mỹ nhưng mỗi lần đề xuất lên chính quyền phường đều
phải nghe lặp lại câu trả lời “chờ triển khai quy hoạch” !
BAO GIỜ ĐƯỢC AN
CƯ ? !
Đường
An Tôn là đường phố chính của khu phố quy hoạch treo dài non một cây số. Trải
qua gần mười năm chờ động thổ quy hoạch khiến đường phố nằm bên thác du lịch Cam
Ly hóa thành đường đất trộn với đá cục lởm chởm, hầm hố đánh võng khắp nơi, mùa
mưa nước ngập lênh láng vào nhà ở của người dân. Mong mỏi không thấy đơn vị nhà
nước nâng cấp duy tu, người dân ráng chắt chiu đóng góp hơn 15triệu đồng
tự lắp đặt hai đường ống thoát nước bắc
qua đường.
“Nhưng công trình sau đó hoàn thành thì thấy cán bộ ở Công ty Quản
lý công trình đô thị Đà Lạt xuống “ý kiến” cho là xây dựng trái phép, vi phạm
thiết kế !”- Khu phố trưởng Đinh Văn Tùng nhớ lại. Chưa hết, gần 30 hộ dân ở cuối
đường phố An Tôn phải sử dụng nước sinh hoạt từ giếng đào múc lên thường có màu
vàng đục, bốc mùi hôi thối gần mười năm qua. Lại với lý do chưa triển khai quy
hoạch mới nên đơn vị cấp nước sạch không đầu tư kinh phí lắp đặt đường ống
chính đến nơi. Mãi đến đầu năm 2008, người dân mới gom góp đủ tiền cả thảy hơn
42 triệu đồng để…thuê đơn vị cấp nước thi công nối đường ống dài 60 m đưa nước
sạch về…
Những
cách làm “xé rào” của người dân khu phố An Tôn suy cho cùng cũng chỉ vì quá
nhiều bức xúc của cuộc sống tạm cư. Vấn đề cốt lõi của người dân đòi hỏi là họ
cần phải có cuộc an cư lạc nghiệp vĩnh viễn ở đây. “Nếu không triển khai được
quy hoạch thì phải dỡ bỏ quy hoạch cho người dân chúng tôi ổn định lại cuộc
sống. Quy hoạch treo đã mười năm rồi, lẽ nào lại còn tiếp tục “treo” nữa hay
sao ?! ”- Bí thư Chi bộ Khu phố An Tôn tâm tư./.
THÁNG 10/2008