Thứ Hai, 4 tháng 11, 2013

Ô Long về vùng xa Phúc Thọ

VĂN VIỆT
Hơn một tháng qua, cả chục hộ nông dân xã Phúc Thọ, Lâm Hà đã lần lượt cải tạo hàng loạt diện tích cà phê hiện có để xuống giống trồng mới cây chè ô long. Đây là việc chuyển đổi cây trồng theo hợp đồng 20 năm giữa nhà doanh nghiệp và nhà nông ở vùng đất xa xôi này. 
 
Ô LONG TỪ 3,5 HA BAN ĐẦU…
Độ mười hai năm về trước, chàng thanh niên Hồ Tất Và từ Sài Gòn lên vùng đất Phúc Thọ, Lâm Hà làm thuê cho một công ty nước ngoài trồng thử nghiệm các giống chè ô long của Đài Loan. Làm cán bộ kỹ thuật của công ty, hàng ngày Và lặn lội trên từng luống đất để nghiên cứu cho sự sinh trưởng của cây chè. Theo thời gian, Và đúc kết rằng cây chè ô long sẽ chuyên canh tươi tốt trên vùng đất Phúc Thọ nếu như áp dụng thích hợp những quy trình kỹ thuật về bón phân, tưới nước, tạo rễ, tỉa cành…“Nhưng mãi đến năm 2005, tôi mới có điều kiện mua được 3,5 ha đất cà phê để cải tạo lại trồng chè ô long ở đất Phúc Thọ. Ban đầu chỉ trồng thử nghiệm trên 4 sào. Trồng đến đâu tập hợp những kinh nghiệm đến đó. Rồi từ những kinh nghiệm mới mở rộng thành những luống chè mới. Cứ vậy sau 3 năm sau, tôi mới phủ xanh hết diện tích 3,5 ha chè ô long này…” 
-  Hồ Tất Và nói và kể lại rằng vào năm 2007, cây chè ô long của Và trên đất Phúc Thọ đã thu hoạch trên diện tích trồng đầu tiên. Đến giữa năm 2009 mới thu hoạch đồng loạt trên diện tích 3,5 ha. Ước tính năng suất chè tươi đạt từ 15 tấn đến 20 tấn/ha/năm. Tính giá chè tươi ô long trung bình một năm qua là 15 ngàn đồng mỗi ký, nhân với từ 15 tấn đến 20 tấn thì đạt tổng doanh thu từ 225 triệu đồng đến 300triệu đồng/ha/năm. Trừ hết mọi chi phí thì  lãi ròng sơ bộ với người trồng được ít nhất từ 150 triệu đồng đến hơn 200 triệu đồng/ha. So sánh với cây cà phê thì  cây chè ô long có thu  nhập cao hơn và ổn định hơn. Hồ Tất Và bắt đầu nghĩ đến việc tìm thị trường bao tiêu lâu dài nguyên liệu chè ô long để nhân rộng thành vùng chuyên canh cho nông dân trong vùng.
Trước hết Hồ Tất Và đầu tư khoảng 01 tỷ đồng để xây dựng một nhà máy chế biến chè ô long tại xã Phúc Thọ với công suất chế biến mỗi năm từ 800 tấn đến 1.000 tấn chè tươi/năm. Công ty chè ô long của Và có tên Công ty TNHH Long Đỉnh cũng được cấp phép thành lập từ đây. Công ty chế biến chỉ với nguyên liệu thu hái từ 3,5 ha chè của chính công ty, cứ sau 45 ngày thu hái khoảng 4 tấn chè tươi. Những sản phẩm chè ô long mang nhãn hiệu Long Đỉnh lần đầu tiên chào hàng đã nhận được sự ưa chuộng của thị trường Đài Loan. Không lâu sau, Long Đỉnh đã gặp gỡ nhiều đối tác Đài Loan và đã ký những hợp đồng tiêu thụ với khối lượng chè ô long thành phẩm gần như không hạn chế và thời gian ổn định là 20 năm. 
…ĐẾN MỞ RỘNG MỘT VÙNG CHUYÊN CANH 
Khi đặt vấn đề hợp tác với nông dân trồng chè ô long, Công ty TNHH Long Đỉnh đã nhận được sự quan tâm ủng hộ từ chính quyền xã Phúc Thọ và chính quyền huyện Lâm Hà. Kết quả chính quyền xã đã vận động được 8 hộ  nông dân chuyển đổi 10 ha cây cà phê lâu năm để trồng mới trên cây chè ô long. Tiền cây giống cho người trồng được chính quyền huyện hỗ trợ  60% và Công ty Long Đỉnh hỗ trợ 40% còn lại. Những hợp đồng giữa Công ty Long Đỉnh với người nông dân được ký kết nhanh chóng. Theo đó, công ty bao tiêu sản phẩm chè ô long của người nông dân trong vòng 20 năm, với giá trần tối thiểu mỗi ký chè tươi là 15 ngàn đồng. Bên cạnh đó công ty chịu trách nhiệm trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản chè tươi; đầu tư ứng trước vật tư, phân bón cho nông dân.
Sau  hơn một tháng triển khai hợp đồng, người trồng chè ô long Phúc Thọ đã tiếp cận nhanh phương pháp chăm sóc, phần lớn cây sinh trưởng đạt yêu cầu. Nông gia Hồ Ngọc Anh, người định cư trên đất Phúc Thọ đã hơn hai mươi năm nói:  “Trồng chè ô long đúng theo quy trình của Công ty Long Đình từ lúc cải tạo từng luống đất đến lúc bón phân lót, xuống cây giống đúng độ sâu, tưới lượng nước thích hợp thì độ mười, mười lăm ngày sau rễ cây bàn sẽ tủa ra, mầm cây nhô lên thấy rõ….” Hộ ông Anh có tất cả 5 ha cà phê đã 10 năm tuổi, năng suất đạt khoảng 3  tấn nhân/năm. Sau nhiều ngày tính toán kỹ lưỡng, ông Anh đã mạnh dạn chuyển đổi 2 ha cà phê để trồng chè ô long. Ông còn vận động người trong họ hàng cải tạo đất cà phê để xuống giống khoảng 7 sào chè ô long. Với nông gia Nguyễn Danh cũng là người định cư  trên đất Phúc Thọ hơn hai mươi năm thì “…Gia đình tôi trồng 2 ha cà phê đã 15 năm, năng suất đạt từ 4 tấn đến 4,5 tấn/ha/năm. Ban đầu chặt bỏ bớt 0,5 ha cà phê để trồng chè ô long cứ vẫn tiếc tiếc làm sao đấy. Nhưng nay cây  chè ô long mới trồng hơn tháng đã bén đọt xanh non rất nhiều, thấy phấn khởi lắm rồi…” Theo ông Danh, nếu độc canh cây cà phê như gia đình ông thì sẽ chưa khai thác hết lợi thế đất đai hiện có. 
Thay vì quanh năm trông chờ hết vào nguồn thu cà phê với giá lên xuống khó lường thì vài năm nữa có thêm nguồn thu cây chè ô long, cuộc sống sống sẽ ổn định và ngày càng phát triển hơn. Cụ thể cây chè ô long thu hoạch mỗi năm đến 6 lứa, vừa có tiền chi tiêu sinh hoạt cho gia đình, vừa có tiền đầu tư thâm canh lại cho cây cà phê. Còn cây cà phê giữ lại diện tích vừa đủ khả năng để thâm canh, tăng năng suất cao nhất, dùng nguồn thu này để dành cho những việc đầu tư lớn hơn của gia đình. Hơn nữa trong một, hai năm đầu vẫn có thu nhập không nhỏ từ các loại cây màu trồng xen với cây chè ô long… 
Giám đốc Công ty TNHH Long Đỉnh, Hồ Tất Và khẳng định rằng, người nông dân Phúc Thọ, Lâm Hà có đủ điều kiện về đất đai và thực hành kỹ thuật để xây dựng vùng chuyên canh cây chè ô long. Kế hoạch đến năm 2011, công ty Long Đỉnh tiếp tục hợp tác với nông dân Phúc Thọ mở rộng vùng chè ô long lên khoảng 30 ha, bước đầu cung cấp một phần nguyên liệu cho nhà máy chế biến của công ty./. 
THÁNG 7/2009