Chủ Nhật, 24 tháng 11, 2013

Lợi thế đầu tư ở Đạ Tẻh

VĂN VIỆT
Với môi trường pháp lý thông thoáng và những lợi thế so sánh của một vùng đất có tiềm năng về rừng, khoáng sản, du lịch sinh thái, huyện Đạ Tẻh đã thu hút ngày càng nhiều doanh nghiệp đến từ nhiều nơi trong nước để đầu tư vốn làm ăn.

Theo Phòng Tài chính- Kế hoạch Đạ Tẻh, diện tích rừng ở Đạ Tẻh chiếm hơn 73% diện tích đất tự nhiên với hơn 29 ngàn ha rừng sản xuất và hơn 9,2 ngàn ha rừng phòng hộ, phần lớn thuộc dạng rừng lá rộng thường xanh, rừng tre nứa với phong phú chủng loại cây rừng. Qua công tác xúc tiến đầu tư của huyện Đạ Tẻh đến nay đã thu hút 12 doanh nghiệp đầu tư nguồn vốn ban đầu khoảng 700 tỷ đồng để phát triển rừng gồm : khoanh nuôi bảo vệ gần 1.900 ha rừng, cải tạo hơn 4.000 ha rừng nghèo kiệt. Những doanh nghiệp được đánh giá là “có tâm huyết” đầu tư phát triển rừng ở Đạ Tẻh như: Công ty TNHH Hoàng Thịnh, Công ty TNHH Lâm Thành, Công ty Cổ phần Vàng bạc đá quý Kim Minh Đạt, Công ty Cổ phần Cao su Đạ Tẻh…Cụ thể các doanh nghiệp này đã trồng mới gần 623 ha cao su và keo lá tràm; tiến hành tận thu gần 5.800 mét khối gỗ các loại. Ngoài ra các doanh nghiệp còn san ủi nhiều cây số đường đi nội bộ và đường đi nối liền với các trục đường dân sinh ở các địa phương. 
Bên cạnh lĩnh vực đầu tư phát triển tài nguyên rừng, Đạ Tẻh đã thu hút 16 dự án đầu tư khai thác khoáng sản với tổng vốn đăng ký ban đầu là 15,4 tỷ đồng. Có tổng số 13 doanh nghiệp đang đầu tư khai thác khoáng sản ở Đạ Tẻh gồm 3 nhóm chính. Đó là nhóm khai thác đá xây dựng trên địa bàn các xã Triệu Hải, Mỹ Đức, Đạ Pal, Đạ Kho; khai thác cát sỏi trên các xã Đạ Lây, Hương Lâm, An Nhơn, Đạ Kho và khai thác đất sét ở xã Đạ Kho. Đây là những hoạt động đầu tư được các cơ quan quản lý nhà nước ở Đạ Tẻh nhìn nhận là có tác động tích cực đến thị trường cạnh tranh giá bán vật liệu xây dựng ở địa phương. Những công trình đầu tư xây dựng cơ bản của dân sinh cũng như của người dân trên địa bàn Đạ Tẻh đã được giảm khá nhiều chi phí xây dựng so với những địa phương trong tỉnh Lâm Đồng nói riêng, trong nước nói chung. 
Và cũng nhờ giá vật liệu xây dựng khá cạnh tranh như vậy nên Đạ Tẻh là “vùng đất lành” cho 10 doanh nghiệp đầu tư trên lĩnh vực xây dựng ngày càng đạt hiệu quả. Trong một báo cáo gửi lên các ngành chức năng của tỉnh Lâm Đồng mới đây, Phòng Tài chính- Kế hoạch huyện Đạ Tẻh “kết luận” tất cả 10 doanh nghiệp trên lĩnh vực xây dựng này đã thực hiện tốt các quy định của pháp luật về đấu thầu, về tính thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp; không ngừng cải tiến kỹ thuật, trang bị mới thiết bị dây chuyền máy móc để đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình giao thông, thủy lợi và các công trình dân dụng đảm bảo chất lượng, tạo thêm điều kiện cho sự phát triển kinh tế- xã hội chung của Đạ Tẻh. Đặc biệt các doanh nghiệp đầu tư trên lĩnh vực xây dựng đã đóng góp rất tích cực trong việc xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương, xóa nhà tạm, xây dựng các quỹ xã hội khác.
Với hoạt động đầu tư du lịch và dịch vụ, huyện ĐạTẻh cũng là vùng đất có nhiều tiềm măng khá hấp dẫn. Đó là các hồ, thác cảnh quan như thác Đạ K’La, hồ Đạ Tẻh, hồ Đạ Hàm. Đó là những cánh rừng sinh thái, cánh rừng nghiên cứu khoa học thuộc vùng đệm của Vườn Quốc gia Cát Tiên trên địa bàn các xã của Đạ Tẻh. Các doanh nghiệp như Công ty TNHH Minh Nhật, Công ty TNHH Lâm Thành đang ở bước “nghiên cứu tiền khả thi” để triển khai các mô hình du lịch sinh thái trên các địa điểm mời gọi khá hấp dẫn này. Đáng kể thêm ở lĩnh vực dịch vụ đã không ngừng phát triển với các hoạt động bưu chính viễn thông, đạt doanh thu hàng năm ước tính khoảng 30 tỷ đồng. 
Ngoài ra các loại hình dịch vụ khác như ăn uống, giải khát, dịch vụ nhà nghỉ…đã và đang phát triển ngày một đa dạng  hơn. Hoặc như dịch vụ kinh doanh vận tải với 30 hộ kinh doanh và 01 hợp tác xã hàng năm vận chuyển trên 400 ngàn tấn hàng hóa và hơn 420 ngàn lượt hành khách đi lại trong và ngoài tỉnh.
Có được những kết quả thu hút đầu tư nhiều khả quan như hiện nay, đồng thời với việc tạo mọi điều kiện thuận lợi về thủ tục hồ sơ pháp lý cho từng dự án đầu tư, huyện Đạ Tẻh rất chú trọng đến việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng từ các nguồn vốn của nhà nước. Đó là những cung đường nâng cấp mới như đường tỉnh lộ 721, tỉnh lộ 725; các cung đường liên xã Đạ Kho- Quảng Trị, Đạ Kho- Triệu Hải; nâng cấp và xây dựng mới các công trình thủy lợi như các hồ thủy lợi Đạ Tẻh, Tố Lan, thôn 10 Đạ Kho, thôn 5 Quốc Oai…Và với những kết quả ban đầu của hoạt động thu hút đầu tư như vậy đã góp phần làm nên tốc độ tăng trưởng kinh tế của  huyện Đạ Tẻh  hàng năm từ 12% đến 14%. /.

THÁNG 5/2009