VĂN VIỆT
Hội đồng nghiệm thu Sở Khoa học và Công
nghệ Lâm Đồng vừa quyết định xếp loại khá đề tài nghiên cứu sản xuất rau an
toàn quy mô hợp tác xã tại Hợp tác xã Phước Thành, Đà Lạt. Để có kết quả này,
Hợp tác xã Phước Thành, Đà Lạt đã trải qua 5 năm thử nghiệm và hoàn thiện quy
trình sản xuất hàng chục giống rau khác nhau.
Vùng
rau Phước Thành thuộc khu phố 6, phường 7, Đà Lạt với nghề trồng rau thương
phẩm truyền thống trên dưới bảy mươi năm. Nơi đây từ những năm hai ngàn đến nay
hàng trăm hộ gia đình cần mẫn canh tác ổn định khoảng 140ha rau, củ, quả các
loại. Cơ chế thị trường ngày càng hội nhập sâu hơn với quốc tế, sản phẩm rau Đà
Lạt buộc phải đáp ứng những đòi hỏi khắt khe về chất lượng và độ an toàn cao.
Lợi thế vùng rau Phước Thành bên cạnh kinh nghiệm truyền thống là một vùng thổ
nhưỡng phì nhiêu, nguồn nước dồi dào từ đầu nguồn hồ Dan Kia- Suối Vàng. Từ
“hành trang” này, tháng 5/2003, HTX Phước Thành chính thức triển khai mô hình
liên kết với nông dân trồng rau an toàn tập trung. 18 loại rau được cùng lúc
“xuống đồng” gồm: bắp sú, cải thảo, cà rốt, khoai tây, đậu Hà Lan, đậu Cô Ve,
lơ trắng, lơ xanh, pa rô hành, xà lách, cô rôn, bó xôi, tần ô, bí ngồi, ớt
ngọt, dưa leo, cần tây và cà chua. Phương thức liên kết được triển khai với sự
đồng thuận cao giữa nông dân và hợp tác xã. Theo đó, khoảng 20 hộ nông dân đưa
05 ha đất vào sản xuất thử nghiệm. Hợp tác xã đứng ra trực tiếp cung cấp giống,
vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, cử cán bộ kỹ thuật “sát cánh ” cùng
nông dân từ khi xuống giống rau đến khi thu hoạch. Và hợp tác xã cũng cùng với
nông dân khai thác thị trường tiêu thụ tại Đà Lạt, TPHCM, các tỉnh thành trong
nước và nước ngoài.
“Năm
đầu tiên thực hiện dự án, chúng tôi thâm nhập thị trường. Rồi thị trường dần
dần cũng đã làm quen với sản phẩm của chúng tôi- sản phẩm rau an toàn Phước
Thành, Đà Lạt”- Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã Phước Thành, Đỗ Thanh Hưng kể lại. Và
từ sự “quen biết” này, sang năm thứ hai, rau an toàn Phước Thành đã được ký hợp
đồng tiêu thụ với gần mười đầu mối trong và ngoài nước. Trung bình mỗi ngày thu
hoạch giao cho đối tác tiêu thụ từ 25 tấn đến 35 tấn rau mang thương hiệu Phước
Thành. Tất cả sản phẩm rau trước khi đưa ra thị trường cạnh tranh phân phối đều
đưa mẫu phân tích tại Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt. Có kết quả đạt các chỉ
số an toàn, nhãn mác, dấu niêm phong rau toàn mang tên Phước Thành được dán lên
trên từng lô hàng vận chuyển đi tiêu thụ. Cùng lúc Hợp tác xã Phước Thành công
bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về tiêu chuẩn chất lượng
rau an toàn: “Chúng tôi cam kết sản xuất, kinh doanh các sản phẩm rau theo đúng
tiêu chuẩn an toàn và chịu hoàn toàn trách nhiệm trước người tiêu dùng và cơ
quan quản lý nhà nước… ”
Cứ
sau một năm thử nghiệm rồi nhân rộng, đến nay tất cả 170 hộ nông dân vùng rau
Phước Thành đều có diện tích đất hội đủ các điều kiện đưa vào sản xuất 18 loại
rau an toàn kể trên. Với khoảng 100ha sản xuất rau an toàn đạt sản lượng hàng
năm trung bình khoảng 10 ngàn tấn mang thương hiệu Phước Thành đã, đang có mặt
khắp các siêu thị, đại lý cung ứng rau từ TPHCM, các tỉnh miền Đông, miền Tây
Nam Bộ; và ngược trở ra các tỉnh miền ven biển Trung; xuất khẩu ra nước ngoài.
Nhờ giữ được giá bán cạnh tranh ( cao hơn không đáng kể đối với các loại rau
sản xuất thông thường khác) nên rau an toàn Phước Thành luôn “thông suốt” đầu
ra; không có tình trạng hàng dội chợ, ứ đọng tại vườn. Uy tín thương hiệu rau
an toàn Phước Thành nói riêng; Đà Lạt nói chung đã không ngừng xây dựng và phát
triển ở phạm vi rộng hơn trên thị trường hội nhập.
Trở
lại với người nông dân vùng rau Đà Lạt, mô hình sản xuất rau an toàn Phước
Thành là những kinh nghiệm đáng quan tâm để áp dụng hiệu quả trong từng điều
kiện sản xuất. Đó là đất trồng trọt phải cách biệt với khu dân cư. Nước tưới là
nước giếng khoan, từ các sông suối lớn luôn trong lành. Bón phân hữu cơ đã hoai
mục. Dùng nông dược phòng trừ sâu bệnh theo đúng danh mục, phối hợp với biện
pháp quản lý dịch hại tổng hợp. Thu hoạch sản phẩm đúng thời kỳ, đúng kỹ thuật.
/.
THANG 7/2008