Chủ Nhật, 24 tháng 11, 2013

“Mắc cạn” hơn chục tỷ đồng

 VĂN VIỆT
Bất ngờ sau gần bốn năm thi công, đập thủy lợi Thành Lộc ( xã Xuân Thọ, Đà Lạt) bị bồi lấp quá nhanh khi chặn dòng. Đập nước “mắc cạn” với hơn chục tỷ đồng giá trị đầu tư hiện vẫn chưa có giải pháp nạo vét để “dẫn thủy nhập điền”. 

Dự án đầu tư xây dựng đập thủy lợi Thành Lộc được UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt vào ngày 29/12/2000. Ban Quản lý khai thác công trình thủy lợi Đà Lạt được giao làm chủ nhiệm dự án. Sau khi chọn các đơn vị thiết kế, thi công và giám sát, đập khởi công xây dựng vào tháng 11/2003. Với tổng kinh phí của nhà nước về đền bù giải tỏa và xây dựng các hạng mục gần 12 tỷ đồng, dung tích trữ nước của đập lên đến 28 ngàn mét khối. Năng lực tưới tiêu trên 175 ha đất sản xuất rau của bà con  nông dân trên các vùng Xuân Thành, Túy Sơn, Đa Thọ…của xã Xuân Thọ, Đà Lạt. Hạng mục đáng kể là trạm máy bơm nước từ lòng đập bơm qua địa hình cao 120 mét rồi dẫn theo một đường ống về vùng rau. Đường ống dẫn nước dài khoảng bốn cây số từ “phi” 150 đến “phi” 200. Ước tính có 200 hộ nông dân được khai thác từ đập thủy lợi này, nhằm tăng vòng quay thâm canh của đất trong mùa khô kéo dài chu kỳ từ tháng 11 năm trước đến tháng 4 năm sau. Theo dự kiến thì vào mùa khô năm 2007 – 2008 đập nước sẽ đưa vào sử dụng. Nhưng khi nông dân vùng rau Xuân Thọ khấp khởi chờ thời điểm này thì lại gặp sự cố cả lòng đập bị bồi lấp cạn khô đến giờ.
Tìm hiểu trong hồ sơ thiết kế thì diện tích lưu vực của đập thủy lợi Thành Lộc hơn 15,7 cây số vuông, khá rộng lớn so với dung tích nước tích trữ là 28 ngàn mét khối. Lưu vực đón nước từ hợp lưu của các nhánh suối chảy từ đỉnh núi Hòn Bồ, xuyên qua hơn mười cây số khu vực dân cư sản xuất và định cư. Đặc thù đồng rau bậc thang; thói quen đào đắp đất mới trên các thửa rau khi xuống giống; san lấp đất bờ ta luy trong xây dựng và cải tạo nhà ở; cây rừng đầu nguồn bị mất dần…là những nguyên nhân dẫn đến sạt lở đất đá trong mùa mưa. Bởi vậy khi lưu vực càng rộng thì đất đá xói lở được cuốn theo dòng chảy với tốc độ và khối lượng càng lơn. Trong khi mặt bằng của đập nước chỉ trên dưới hai ngàn mét vuông nên hệ quả “mắc cạn” đã xảy ra. Đó là ngày chặn dòng chảy đầu tiên của mùa mưa năm 2007, cuốn theo khối lượng đất bùn trộn lẫn với đất đá bồi lấp xuống lòng đập cao hơn ba mét. Hệ thống đường ống thoát của đập với “phi”  80 hoàn toàn bị tắc nghẽn. Đơn vị thi công tức tốc đưa cơ giới xuống nạo vét thì xe bị sa lầy, không vận hành được. Đến khi kết thúc mùa mưa năm 2007 thì khối lượng đất đá bồi lấp đã cao lên khoảng tám mét, san bằng gần như toàn bộ phần thượng lưu của đập dâng.  
Theo một kỹ sư thủy lợi “lão làng” của Đà Lạt, sự cố bồi cạn đập dâng nước thủy lợi Thành Lộc nói trên là sự cố chưa từng thấy ở Đà Lạt ít nhất trong vòng ba mươi năm qua. Sự cố ập đến quá ngỡ ngàng, hoàn toàn không lường trước trong hồ sơ dự toán, thiết kế. Tuy nhiên công trình cũng đã nghiệm thu khoảng 70% giá trị thi công hoàn tất. 30% giá trị công trình còn lại phải rút vốn về cho ngân sách nhà nước. Nhưng điều lo lắng nhất cho đến giữa thời điểm tháng 01/2008 là các cơ quan chuyên ngành thủy lợi của thành phố Đà Lạt, của tỉnh Lâm Đồng vẫn chưa tìm ra được giải pháp kỹ thuật khả dĩ để khắc phục sự cố “mắc cạn” của đập nước. Người nông dân quanh con đập lại với tình trạng để đất…chờ nước qua gần giữa mùa khô 2007 – 2008 này./.

THÁNG 01/2008