Thứ Ba, 19 tháng 11, 2013

Lên xã nghe pháp luật về rừng

VŨ VĂN
Trong những ngày trung tuần tháng 3/2010, khu vực vùng đệm của rừng quốc gia Cát Tiên thuộc địa bàn các xã Đồng Nai Thượng, Tiên Hoàng, Phước Cát 2, huyện Cát Tiên rộn ràng hơn với không khí phổ biến pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng. Cái nắng nóng như nung lửa và bụi đất tung bay cuồn cuộn vẫn lôi cuốn bước chân đông đảo người dân rủ nhau đến hội trường các xã để cùng nghe, cùng trao đổi những tâm tư, nguyện vọng của mình với pháp luật.

Trong điều kiện đường sá đi lại phải băng đồi vượt dốc khó khăn, ngay từ đầu giờ buổi sáng, người dân xã Đồng Nai Thượng, Cát Tiên ( phần lớn là đồng thiểu số bản địa Tây Nguyên) đã đến tập trung cả trăm người trước sân trụ sở xã để chờ luật đến. Khoảng 8 giờ sáng, Đoàn công tác phổ biến pháp luật của hội đồng phối hợp tỉnh Lâm Đồng vừa đến nơi, mỗi người dân đến nghe luật được cấp phát một tập tài liệu dày tới 106 trang, gồm đề cương giới thiệu và toàn văn nội dung Luật Bảo vệ và Phát triển rừng; Nghị định 99/2009/NĐ –CP ngày 02/11/2009 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản. Thạc sĩ luật Nguyễn Thành Trì, Trưởng đoàn công tác vào đề nhanh: “Thưa bà con ! Rừng là một hệ sinh thái bao gồm quần thể thực vật rừng, động vật rừng, vi sinh vật rừng, đất rừng và các yếu tố môi trường khác…Luật này quy định việc bảo vệ và phát triển rừng; quyền và nghĩa vụ của chủ rừng…” Một trong nhiều cánh tay giơ lên của bà con được mời đứng lên ý kiến: “Xin cho biết, có nhiều nơi trong tỉnh Lâm Đồng thấy người ta chặt cây rừng chở đi bằng các loại xe ô tô rất to lớn mà không sao; còn bà con chúng tôi lên xã xin chặt chỉ mấy cây gỗ về làm nhà ở thì xã cứ nói là vi phạm pháp luật ? …” Ông Phạm Ngọc An, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật, Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng, thành viên của đoàn công tác vui vẻ trả lời : “Có thể nơi khác chặt rừng chở đi trên từng chiếc xe rất to lớn là chặt rừng sản xuất, được nhà nước cho phép. Còn cây rừng ở xã Đồng Nai Thượng là thuộc vùng rừng đệm của rừng Cát Tiên là rừng cấm quốc gia, bất cứ ai chặt cây rừng đều là vi phạm pháp luật, là sẽ bị pháp luật xử lý phạt tiền nếu gây thiệt hại về rừng ít, phạt tù nếu gây thiệt về rừng nhiều hơn…Tất cả những mức xử phạt vi phạm về rừng đều ghi chi tiết, rõ ràng trong tập tài liệu pháp luật mà bà con đang cầm trên tay đó..” Cả hội trường xôn xao lật qua từng trang giấy luật. “Sách này, bà con được đưa về nhà để tranh thủ đọc hàng ngày. Bây giờ có điều gì chưa hiểu rõ thì bà con cứ hỏi đoàn công tác chúng tôi để được tư vấn tại chỗ… ”-Ông An nói và hướng dẫn bà con có thể ghi từng nội dung câu hỏi trên mẫu giấy yêu cầu tư vấn của Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng đua đến từng người. .
Bên cạnh việc hỏi và đáp trực tiếp, đoàn công tác đã tư vấn gần 30 phiếu yêu cầu của bà con xã Đồng Nai Thượng. Không những đó là những câu hỏi pháp luật về quản lý và bảo vệ rừng mà còn có thêm những câu hỏi về đối tượng nào được giao đất, giao rừng để quản lý, bảo vệ; việc đầu tư giống cây trồng và vật nuôi để phát triển sản xuất cho bà con…Đoàn công tác đã mang theo những văn bản pháp luật điều chỉnh trên từng lĩnh vực này, dẫn chứng từng quy định cụ thể cho bà con nghe và hỏi lại khi nào thấy bà con “hiểu rồi” thì mới chuyển sang nội dung pháp luật khác. Việc hỏi- đáp diễn ra sôi nổi hết người này đến người khác, hết nhóm người này đến nhóm người khác, kéo dài đến khi mặt trời lên đến đỉnh đầu của ngày hôm đó. Ông Điểu Ngọc Gia, một người dân xã Đồng Nai Thượng nói: “Cảm ơn nhà nước đã tổ chức phổ biến luật về rừng rất là dễ hiểu cho bà con chúng tôi. Tiếp thu được luật, chúng tôi về nhà tiếp tục truyền đạt lại cho những người khác trong thôn buôn và cho con cháu chúng tôi… ”  


Trong hai ngày phổ biến pháp luật tiếp theo tại xã Tiên Hoàng và Phước Cát 2, nơi nào đoàn công tác cũng đều được nói chuyện pháp luật về rừng trước khá đông bà con nông dân tập trung về hội trường xã – trung bình mỗi xã có trên dưới 100 người dân đến nghe. Khá nhiều những tình huống có thực trong cuộc sống hàng ngày được nêu ra như: Hỏi: Có được chuyển đổi diện tích rừng giao khoán sang diện tích đất nông nghiệp hay không ?   Trả lời: Không được. Phải làm theo hợp đồng giao khoán quản lý, bảo vệ rừng. Hoặc về lĩnh vực hôn nhân gia đình như: Hỏi: Những người chồng thường xuyên uống rượu về nhà đánh vợ thì có bị nhà nước phạt không ?  Trả lời: Tùy theo hậu quả của người chồng gây ra cho người vợ, có thể từ bị phạt nộp tiền  đến bị phạt vào tù…Thời gian ba ngày  chưa thể trả lời hết những thắc mắc về pháp luật của bà con ở vùng rừng đệm Cát Tiên, một người dân nêu lên kiến nghị chung : “Đề nghị cấp trên tổ chức nhiều hơn nữa những buổi phổ biến pháp luật về địa phương như hôm nay, để bà con chúng tôi được hiểu rõ  thêm về những chính sách, pháp luật hiện hành của nhà nước. Hiểu rõ được luật, bà con chúng tôi mới thực hiện chính xác và đầy đủ về quyền và nghĩa vụ quản lý, bảo vệ rừng trên địa phương mình đang sinh sống…”./.