Chủ Nhật, 3 tháng 11, 2013

Xứ dâu khôi phục đồng dâu

VĂN VIỆT
Sau những năm dài trồng trọt thưa thớt, vùng dâu tằm của xứ dâu Đạm B’ri, Bảo Lộc, Lâm Đồng đang trở mình khôi phục. Những cánh đồng dâu chất lượng và năng suất cao dần được mở rộng; những nong tằm xếp chồng lên cao từng ngày trong mỗi gia đình, dự báo cuộc sống xứ dâu sẽ tạo ra một bước đột phá mới.     

Con đường nhựa từ trung tâm thành phố Bảo Lộc, Lâm Đồng đến khu du lịch thác nước Đạm B’ri chập chùng qua những đồi dâu xanh mát. Cách đây chừng hai năm thôi, cung đường này họa hoằn lắm mới có thể thấy được một vài hàng dâu khuất lấp dưới tán rừng chè, rừng cà phê. Anh Dương Văn Tọa, chủ hộ nông dân ở thôn 10, xã Đạm B’ri, Bảo Lộc, Lâm Đồng kể : “Gia đình tôi trồng dâu nuôi tằm từ năm 1988 đến nay. Những năm kén tằm xuống giá thấp nhất, gia đình cũng cố gắng giữ lại năm, bảy trăm mét vuông đất để duy trì nghề dâu. Đất Đạm B’ri có ba cây chủ lực là cây chè, cây cà phê và cây dâu. Những năm cây dâu đành phải thu hẹp dần trong một góc vườn thì trông chờ mọi thu nhập vào cây chè và cây cà phê…” Gia đình anh Tọa hơn hai chục năm đã ổn định 1 ha cà phê và 0,5 ha chè; còn diện tích cây dâu thì thường hay bấp bênh theo thị trường. Đến hơn một năm trở lại đây, giá kén mới bắt đầu tăng lên đáng kể thì diện tích trồng dâu của hộ gia đình anh Tọa cũng theo đó tăng lên. Bên cạnh việc trồng xen giữa những luống cà phê, anh Tọa đã khôi phục và mở rộng hơn 3 sào đất trồng dâu. Đến nay trung bình sau mỗi tháng, gia đình anh Tọa hái dâu nuôi tằm thu được trung bình 1 tạ kén, bán được trên dưới 10 triệu đồng. “Bây giờ thì cây dâu, con tằm đã có thu nhập để tiêu dùng trong cuộc sống gia đình hàng ngày. Còn cây chè, cây cà phê thì thu đến đâu tích lũy đến đó, dành cho những việc lớn hơn... ”- anh Tọa rất phấn khởi.
Hộ gia đình anh Dương Văn Tọa hiện là một trong 300 hộ gia đình ở xã Đạm B’ri, Bảo Lộc, Lâm Đồng đang phấn khởi trên hoa lợi trồng dâu nuôi từng lứa tằm mới trong nhà. Ông Đào Xuân Uy, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đạm B’ri, Bảo Lộc, Lâm Đồng nói rằng, vùng đất Đạm B’ri trước đây là một vùng nguyên liệu dâu tập trung của “thủ phủ” dâu tằm tơ Bảo Lộc với trên dưới 2.000 ha. Nhưng rồi sự xuống dốc kéo dài của ngành dâu tằm tơ Việt Nam bao năm đã làm diện tích đồng dâu của Đạm B’ri chỉ còn lác đác chưa tới 100 ha. Bước đến đầu những năm hai ngàn, giá mỗi ký kén bán ra vẫn chỉ qua lại từ 15 ngàn đồng đến 20 ngàn đồng, quá thấp so với vốn đầu tư và công lao động bỏ ra. Nhiều diện tích dâu Đạm B’Ri lại chưa hết tình trạng chặt trắng hàng loạt hoặc cứ để mặc cho mưa nắng ngoài trời, dâu thu được chăng hay chớ và nuôi tằm cũng chỉ cho…giữ lại nghề tằm kén mà thôi. Mãi cho tới năm 2008, thị trường kém tằm trong nước mới có dấu hiệu hồi phục trở lại, giá kén do thương lái ở Bảo Lộc thu mua nâng cao từ gấp hai lần trở lên so với đầu những năm hai ngàn, nông dân Đạm B’ri mới chính thức thâm canh đồng dâu của mình. Các cơ quan chuyên ngành nông nghiệp ở thành phố Bảo Lộc cũng nhanh chóng đưa về hỗ trợ nông dân các giống dâu mới có năng suất, chất lượng cao hơn. Đồng thời các nguồn vốn vay ưu đãi cũng đã kịp thời thông qua các đoàn thể chính trị xã hội tín chấp, giải ngân về nông dân đầu tư trồng dâu. 
Những diện tích dâu cũ được cơ quan khuyến nông địa phương xuống đồng trợ giúp nông dân các phương pháp kỹ thuật từ cải tạo đất, bón phân đến việc tạo ra cành lá mới…Những diện tích dâu không còn khả năng chặt tái sinh thì phá bỏ hết để trồng các giống dâu mới như sa nhị luân của Trung Quốc, TS 7 của Trung tâm Nghiên cứu giống cây trồng Bảo Lộc…Tất cả diện tích khôi phục và trồng mới đều thực hành đúng theo kinh nghiệm lâu năm của vùng đất dâu kết hợp với các phương pháp khoa học kỹ thuật mới trong hơn hai năm qua, xã Đạm B’ri đã xây dựng thành 200 ha dâu kinh doanh, đạt năng suất mỗi năm trên 1ha từ 17 tấn đến 20 tấn. Riêng dâu trong 6 tháng đầu năm 2010, đã trồng mới hơn 5 ha; 6 tháng cuối năm 2010 đã và đang tiếp tục trồng mới khoảng 12ha.    
Đến thời điểm cuối tháng 8/2010, giá mỗi ký kén của thương lái về tận nhà thu mua từ 90 ngàn đồng đến 100 ngàn đồng. Theo giá này, trừ  hết mọi chi phí vốn và công, nông dân xã Đam B’ri, Bảo Lộc đạt lợi nhuận trên 1 ha trồng dâu nuôi tằm mỗi năm trên dưới 100 triệu đồng. Lợi thế đất Đạm B’ri, Bảo Lộc luôn thu hoạch dâu đạt chất lượng, năng suất cao chỉ sau 3 tháng phục hồi diện tích dâu cũ và sau 6 tháng xuống giống dâu mới. Bởi vậy, với giá kén giữ được như mức hiện nay thì việc làm giàu từ trồng dâu nuôi tằm của nông dân Đạm B’Ri, Bảo Lộc, Lâm Đồng đã không còn xa nữa./.
THÁNG 8/2009