Thứ Tư, 27 tháng 11, 2013

Công trình đất nghèo

  VĂN VIỆT
Bây giờ trên tất cả địa bàn trung tâm xã của huyện Đam Rông, Lâm Đồng đều rộng mở những cung đường nhựa. Từ trung tâm xã tỏa đi khắp các buôn làng là hệ thống đường cấp phối thông suốt. Và điện, trường, trạm, nước sạch, viễn thông…đã phủ kín về những nơi xa nhất. Rồi những công trình giao khoán quản lý và bảo vệ rừng, chuyển đổi cây trồng…đã và đang phát huy hiệu quả từng ngày ở khu dân cư.

Đồng chí Vũ Kim Sinh, Bí thư Huyện ủy Đam Rông, Lâm Đồng cho biết, huyện Đam Rông phát triển đi lên từ điểm xuất phát với nhiều khó khăn, thiếu thốn về điều kiện kinh tế và các điều kiện xã hội khác. Từ ngày thành lập huyện đến nay, với sự chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị từ cấp huyện đến cơ sở, huyện Đam Rông đã chủ động gắn việc xây dựng cơ sở hạ tầng với việc triển khai các chương trình mục tiêu và huy động công sức đóng góp tại chỗ của nhân dân. Nhờ vậy đã tạo ra những thay đổi quan trọng về đời sống nhiều mặt của người dân trên khắp những buôn làng trong huyện. Như đáng kể trong 5 năm qua, huyện đã triển khai gần 21,6 tỷ đồng các dự án thuộc chương trình 134 cho đồng bào dân tộc thiểu số gồm: Cấp 309 ha đất sản xuất cho 438 hộ;  giao khoán 190 hộ quản lý, bảo vệ 2.730 ha rừng ( có hỗ trợ giống bò chăn nuôi và cấp gạo); xây dựng mới 1.832 căn nhà; nâng cấp và xây mới 06 công trình cấp nước tập trung trên địa bàn 4 xã là Đạ Long, Đạ Tông, Đạ M’Rông và Rôn Men; hỗ trợ 656 giếng đào với chất lượng nước sinh hoạt an toàn…Với chương trình 30a, những công trình xây dựng cơ sở hạ tầng đã và đang hoàn thành trong 2 năm 2009 và 2010 là: Hồ chứa nước Đạ Chao ( xã Đạ R’Sal) với tổng vốn đầu tư hơn 38,47 tỷ đồng; công trình đập dâng nước Đạ Ral ( xã Liêng Srong) với tổng vốn đầu tư 11,7 tỷ đồng; các công trình xây dựng có vốn đầu tư từ gần 01 tỷ đồng đến gần 27,7 tỷ đồng là đường vào khu sản xuất Ciêng Tơn ( xã Đạ Tông), chợ Đạ R’Sal, nhà văn hóa xã Đạ Long, Trung tâm Đào tạo dạy nghề, Trường Dân tộc nội trú. Riêng nguồn vốn hỗ trợ 10 tỷ đồng từ Tập đoàn Than và khoáng sản Việt Nam đang triển khai xây dựng các công trình mới như Trường Tiểu học Đạ K’Nàng, nhà công vụ của Trung tâm Y tế huyện; các trường trung học cơ sở Rô Men, Đạ Tông…        
Số liệu của UBND huyện Đam Rông, Lâm Đồng cho biết thêm: Với chương trình 135 triển khai từ năm 2005 đến nay đã hoàn thành những công trình hạ tầng thiết yếu trên địa bàn Đam Rông với tổng vốn hơn 53 tỷ đồng. Trong đó thống kê gồm: 19 công trình giao thông nông thôn; 21 công trình trường tiểu học, mầm non, phân trạm y tế, hội trường thôn, giếng khoan. Đã triển khai dự án hỗ trợ sản xuất cho gần 5.100 hộ đồng bào dân tộc thiểu số với những hình thức như: xây dựng 246 mô hình trồng lúa nước, trồng dâu nuôi tằm, cải tạo và trồng mới giống cây cà phê chất lượng cao; hỗ trợ 393 tấn phân bón, 16 tấn lúa giống, 85 con bò sinh sản…Đã tập huấn gần 1.200 lượt cán bộ xã và thôn về kỹ năng thực hành công việc phục vụ cộng đồng;  đào tạo ngắn hạn cho thanh niên đồng bào dân tộc thiểu số về kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi, nghề sửa  chữa máy móc nông nghiệp. 
Tổ chức trợ giúp pháp lý về các lĩnh vực bảo vệ và phát triển rừng, luật đất đai, luật hôn nhân và gia đình…thu hút gần 10 ngàn lượt người tham dự. Ngoài ra huyện đã tiếp tục triển khai hơn 2,45 tỷ đồng hỗ trợ cho 2.455 hộ nghèo trong huyện di dời và xây dựng mới chuồng trại chăn nuôi cho người dân, đảm bảo các yếu tố về vệ sinh môi trường. Đặc biệt, huyện Đam Rông đã triển khai hiệu quả các công trình ổn định 150 hộ dân di cư tự do ( gồm 499 nhân khẩu ) với tổng mức vốn đầu tư gần 39.78 tỷ đồng. Trong đó đã xây dựng những hạng mục công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu như: đường giao thông trục chính, đường nội vùng, các công trình thủy lợi và xây dựng nhà ở…

Từ những công trình phát huy hiệu quả trong 5 năm qua, đã góp phần tạo thành những chỉ tiêu bước đầu đạt được rất khả quan của huyện Đam Rông, Lâm Đồng: Từ hơn 73% hộ nghèo đã giảm xuống còn 30% ( trong đó hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số chỉ còn dưới 40%); mỗi ha lúa mỗi năm đạt từ 24 tạ nay tăng lên 38 tạ; đã xóa hết tập quán du canh và du cư,  tạo tập quán mới về thâm canh cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao là cây cà phê, dâu tằm, điều; 100% xã trong huyện đạt chuẩn phổ cập giáo dục cấp tiểu học và trung học cơ sở; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng từ 28,4% nay giảm xuống còn 3,8%...Những chỉ tiêu đạt được hôm nay là điểm xuất phát mới để huyện Đam Rông đề ra những giải pháp mới đạt hiệu quả cao hơn nữa trong những năm trước mắt và lâu dài. Trong  đó mục tiêu đặc biệt là đến năm 2015, huyện Đam Rông, Lâm Đồng phải phấn đấu ra khỏi danh sách 62 huyện nghèo của cả nước; và đồng thời hoàn thành việc thí điểm xây dựng mô hình nông thôn mới ở xã Đạ R’Sal của huyện./.