Chủ Nhật, 17 tháng 11, 2013

Chặt để trồng mới 52.000 ha rừng thông

VĂN VIỆT
Lâm Đồng đã và đang hoàn chỉnh đề án chặt trắng thông để trồng mới thông trên 52.000 ha. Các nhà lâm học trong nước cho rằng đề án này sẽ mở ra cơ hội để Lâm Đồng phát triển nghề rừng, tái tạo hệ sinh thái rừng.

Chặt trắng 1.400 ha rừng thông mỗi năm
Theo đề án, Lâm Đồng sẽ điều chế 52 ngàn ha rừng thông thuần loại tự nhiên thuộc rừng sản xuất theo phương thức khai thác chặt trắng hàng năm để trồng lại mới. Đây là loại rừng thưa già cỗi, năng suất thấp, tái sinh tự nhiên không đáng kể. Phương thức chặt trắng theo lô, theo đám, theo băng; chặt trắng đến đâu trồng mới đến đó… Dự tính trung bình mỗi năm chặt trắng khoảng 1.400ha rừng thông cũ để trồng lại 1.500 ha rừng thông mới. Mục tiêu đến năm 2020, diện tích rừng thông sẽ chặt trắng gần 17 ngàn ha, tập trung nhiều nhất ở các địa bàn Đức Trọng ( hơn 6.000 ha), Di Linh ( hơn 5.000ha), Đam Rông (hơn 2.000 ha), Lạc Dương ( hơn 1.600 ha), Đơn Dương ( gần 820ha)...
Việc chặt trắng mỗi năm 1.400 ha rừng thông, Lâm Đồng sẽ đạt sản lượng gỗ thông từ 300 ngàn đến 350 ngàn mét khối. Đến năm 2020 Lâm Đồng sẽ tạo ra sự chuyển biến lớn trong ngành công nghiệp chế biến lâm sản, đáp ứng ngày càng nhiều hơn nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Đặc biệt sẽ tạo việc làm ổn định cho 5 vạn người lao động, nâng cao hiệu quả xã hội hóa nghề rừng, tăng tỉ trọng lâm nghiệp trong giá trị sản xuất nông nghiệp từ 1,68% lên 5%- 7%, đưa lâm nghiệp trở thành ngành sản xuất quan trọng của Lâm Đồng.
Rừng tái sinh, nghề rừng phát triển
Để chặt trắng trồng mới toàn diện trên 52 ngàn ha rừng thông sản xuất,  Lâm Đồng phải tiến hành liên tục trong 35 năm. So sánh phạm vi rừng thông chặt trắng chỉ chiếm hơn 30% diện tích rừng thông thuần loại hiện có ở Lâm Đồng. Bên cạnh việc chặt trắng để trồng mới thông, Lâm Đồng sẽ tăng cường hơn nữa việc quản lý bảo tồn gần 84ngàn ha rừng đặc dụng (trong đó có gần 30 ngàn ha rừng thông) với tính đa dạng sinh học cao. Đồng thời bằng kỹ thuật lâm sinh, Lâm Đồng tiếp tục nâng cao chất lượng rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ cảnh quan với diện tích ổn định gần 173ngàn ha ( trong đó có gần 56 ngàn ha rừng thông). Đây là các giải pháp được tiến hành đồng bộ, chặt chẽ nhằm duy trì độ che phủ của rừng đạt tỉ lệ 62%.
Tiến sĩ Phó Đức Đỉnh, người gắn bó với rừng thông Lâm Đồng hơn ba mươi năm cho biết, hiện trạng nhiều khu rừng thông Lâm Đồng đang bị một loại nấm gây thối mục, rỗng ruột, cần phải sớm có biện pháp tái sinh. Với Tiến sĩ  Nguyễn Ngọc Lung ( Hội Lâm nghiệp Việt Nam), việc khai thác trắng rừng thông sản xuất để tái sinh nhân tạo sẽ xây dựng lại những khu rừng thông đều tuổi, đạt chất lượng môi trường tốt hơn và năng suất gỗ sẽ đạt cao hơn.
Tiến sĩ  Nguyễn Ngọc Lung và các nhà lâm học trong nước đã cùng với các chuyên gia lâm nghiệp nước Cộng hòa Dân chủ Đức thực hiện các công trình nghiên cứu về rừng thông 3 lá Lâm Đồng vào đầu những năm tám mươi của thế kỷ trước. Theo đó rừng thông Lâm Đồng sẽ trở nên cạn kiệt nếu chỉ khai thác những cây lớn có đường kính ngực 40cm và cao trên 20 m. Tiến sĩ, Trưởng đoàn chuyên gia lâm nghiệp Đức, Norbert Kolhstock còn nhấn mạnh: “Rừng thông 3 lá ở Lâm Đồng là rừng tái sinh tự nhiên, từ trước đến nay chỉ mới khai thác lợi dụng rừng và phương thức khai thác không hợp lý ( chặt chọn) làm cho rừng ngày càng kém sút về số lượng và cả về chất lượng…”
Thực tế sản xuất vào năm 1983, Lâm trường Đà Lạt khai thác trắng 500 ha rừng thông tự nhiên theo mô hình kinh doanh rừng thông của Cộng hòa Dân chủ Đức. Kết quả sản lượng gỗ khai thác bình quân đạt 79mét khối/ha, lượng tăng trưởng bình quân chưa tới 2mét khối/ha//năm. Trong khi đó, từ năm 2005 đến năm 2007, Lâm trường Di Linh khai thác hơn 34,4 ha rừng thông trồng (từ 22 năm đến 26 năm tuổi) đã đạt sản lượng bình quân lên đến từ 185mét khối đến 229mét khối/ha. Lượng tăng trưởng bình quân khoảng 10 mét khối/ha. Như vậy, khai thác rừng thông trồng ở Di Linh có sản lượng gấp gần 2,5lần đến 3 lần so với khai thác rừng thông trồng tự nhiên ở Đà Lạt. Với Lâm trường Bảo Lâm, năm 2006 đã khai thác trắng gần 60 ha rừng thông trồng 25 năm và 26 năm tuổi, đạt sản lượng gần 170mét khối/ha. Tăng trưởng bình quân hàng năm đạt khoảng 8mét khối/ha/năm, tăng hơn gấp 5 lần so với tăng trưởng rừng thông tự nhiên. Cụ thể hơn qua điều tra ở địa bàn huyện Lạc Dương cho thấy: Rừng thông thành thục tự nhiên chỉ đạt sản lượng gần 160mét khối/ha. Còn rừng thông trồng trung niên ( khoảng trên dưới 25 năm tuổi) đã vượt sản lượng lên 304mét khối/ha…
Khi đề án chặt trắng 52.000 ha rừng thông để trồng lại rừng thông mới được Chính phủ phê duyệt triển khai, ước tính hàng năm Lâm Đồng sẽ tạo ra nguồn thu khoảng 275tỷ đồng từ hoạt động lâm nghiệp. Nguồn thu này sẽ dùng tái đầu tư sản xuất mở rộng, phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn, nâng cao mức thu nhập cho nghề rừng, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn của tỉnh Lâm Đồng. /.
THÁNG 11/2008