Chủ Nhật, 11 tháng 8, 2013

Tân Rai ngày về

VĂN VIỆT

Giữa đại ngàn thâm u hiểm trở, Tân Rai cần mẫn mười năm trở dậy thành một đô thị Lộc Thắng nhộn nhịp, lung linh những sắc màu. Về Tân Rai-Lộc Thắng như bỗng thấy mình gần lại hơn với đất và người của hôm qua, của hôm nay để tiếp bước vào chân trời văn minh, thịnh vượng cho ngày mai.

Thuở ấy không quênTân Rai-địa danh một thời là căn cứ kiên trung của cách mạng trên cao nguyên B’Lao. Giải phóng về nơi này vẫn thuộc địa bàn vùng sâu, vùng xa của huyện Bảo Lộc, dù chỉ cách huyện lỵ chưa quá hai mươi cây số. Hồi đó cán bộ huyện đi cơ sở xuống Tân Rai là…đáng nhớ nhất. Băng rừng, vượt suối cả ngày đường mới đến được các buôn làng đồng bào dân tộc thiểu số và khu dân cư kinh tế mới vừa “quy hoạch”. Giao thông, kết cấu hạ tầng đã khó khăn, trắc trở, nhưng cấp thiết nhất là cần thay đổi tập quán canh tác đơn sơ, lạc hậu của đồng bào. Sự tận tụy hết mình và đầy trách nhiệm của đội ngũ cán bộ định canh-định cư nối tiếp góp sức nhau, đưa Tân Rai chuyển mình đi tới, sau này thành đơn vị hành chính xã Lộc Thắng. Năm 1994 xã Lộc Thắng được tách khỏi huyện Bảo Lộc, trở thành thị trấn Lộc Thắng, huyện lỵ huyện Bảo Lâm. Những thách thức mới từ đây lại càng bức bách, nặng nề hơn.
Ông Vũ Văn Thả, người bí thư đầu tiên của huyện Bảo Lâm không quên: Bấy giờ thị trấn Lộc Thắng nói riêng, cả huyện Bảo Lâm nói chung có bốn sự thiếu cấp kỳ chung nhất trong hàng loạt sự thiếu của huyện là đường, điện, hệ thống công đường ( trụ sở làm việc) và đặc biệt nhất là…đội ngũ cán bộ! Yếu tố con người vẫn luôn đặt lên hàng đầu nên bộ máy tổ chức từ thị trấn đến các khu phố, thôn, bản sớm được ổn định, kiện toàn. Bên cạnh những cán bộ “biệt phái” từ Bảo Lộc cũ vào đây, đã từng làm công tác định canh-định cư, quen thuộc địa bàn Lộc Thắng, cần phải tạo nguồn lực tại chỗ. 
Và thế là người làm việc, người đi học, phân công, chia xẻ trách nhiệm với nhau. Không ngại khó, sợ khổ, thay vào đó là tất cả tâm huyết với vùng đất mới, những cán bộ từ ngày đầu, năm đầu thuở ấy, đã đặt những nền móng quan trọng cho sự phát triển của thị trấn ngày mai.
Thoáng chốc vài năm vất vả cũng qua mau, đường nhựa từ Lộc Thắng đã nối liền thênh thang đến Bảo Lộc. Kế tiếp là điện lưới, các công trình công cộng, phúc lợi…xây dựng khang trang. Một phần thung lũng Tân Rai rộng đến 250 ha được ngăn dòng, trở thành hồ nước sinh thái, trữ lượng tưới tiêu cho diện tích chè, cà phê rộng lớn của thị trấn và cả những khu vực nông nghiệp khác như Lộc Ngãi, Lộc Phát... Hồ Lộc Thắng giờ đây không chỉ phối cảnh một nét duyên dáng sắc nét của thị trấn vùng sâu, mà điều quan trọng nữa là hấp lực của nó ngày càng cuốn hút khá nhiều những dự án đầu tư du lịch trong nước lần lượt đặt lên bàn “nghị sự”. Vấn đề còn lại là thời gian chọn lựa ai là người dồi dào nhất năng lực đầu tư, phát triển hồ Lộc Thắng đẹp nhiều hơn.
Mười năm…ngày về
Anh Nguyễn Ngọc Tín là người làm lãnh đạo thị trấn Lộc Thắng từ khi thành lập đến đúng năm sinh nhật lên mười. Từ Phó Chủ tịch rồi đến Chủ tịch thị trấn, anh thuộc nằm lòng từng con đường, khu nhà dân cư, sản xuất trên 10 khu phố. Hơn ba ngàn mấy trăm ngày bám nơi thâm sơn, bám dân, suy tư trên từng từng luống đất cày….anh Tín và biết bao những cán bộ nữa, đã chung lưng đấu cật, đưa ra những kiến giải góp phần làm thay đổi căn bản đời sống, diện mạo thị trấn đến ngày hôm nay. Sống gắn bó với rừng, đồng bào Châu Mạ đã chuyển từ nhận biết đến nâng cao ý thức trong việc giữ rừng xanh tốt quanh năm. Xưa, đồng bào gieo được cây chè hạt là thành công lớn lắm rồi. Nay, còn vượt xa những mong muốn ban đầu: Bà con trồng, chăm sóc chè cành bằng các phương pháp khoa học kỷ thuật hiện đại. Cây cà phê thì được canh tác chiều sâu, quy hoạch lại những vùng đất năng suất nhất. Rồi chăn nuôi, rồi trồng cây màu; rồi làm công nhân cho cả chục nhà máy thị trấn lúc nông nhàn. Cuộc sống đang sôi động, đáng trân trọng, yêu thương biết nhường nào!
Nếu ai đó mười năm rồi mới được dịp về lại thị trấn Lộc Thắng thì “coi chừng” sẽ hồ hởi, ngạc nhiên đến…tận cùng. Những trang trại xanh từ ba ha đến mười ha đã hình thành đều khắp với hơn trăm hộ nông dân làm “chủ nhân ông”. Cây trà tạo ra thu nhập trang trải cái ăn, cái mặc sung túc hàng ngày. Còn cà phê làm của để dành. Nhờ phương cách này, không lâu sau tỉ lệ nhà xây, mái tôn, ngói hoặc bê tông đã chiếm hơn 80%. Nhà chưa xây đa phần còn lại là nhà gỗ kiên cố, trong nhà sắm sửa nhiều tiện nghi sinh hoạt có giá trị cao. Thuở ấy đâu giám mơ ước rằng, một ngày như hôm nay, ngày ngày đồng bào lên rẫy  xuống vườn bằng xe công nông, xe máy. Những người đã từng bị lừa phỉnh theo Fulro như K’Zúi, K’Sôn, K’Es…đã sớm tìm về cách mạng, về với đồng bào, được chính quyền, cộng đồng giúp đỡ, tạo điều kiện xây dựng kinh tế no cơm, ấm áo và bước lên làm giàu. Hoặc những hộ gia đình mới ngày nào còn du canh, du cư, sống bấu víu vào rừng, vài năm sau đó trở thành những chủ trang trại bề thế như K’Xuân, K’Biểu, K’Nhẹo… là những nhân tố đi đầu, cổ vũ phong trào vượt khó, làm giàu trên mọi địa bàn dân cư.
Lộc Thắng mười năm trước là thị trấn vùng sâu. Mười năm sau…ngày về trước mặt là thị trấn công nghiệp luyện nhôm lớn nhất nước; thị trấn của công nghiệp chế biến chè, cà phê, hạt điều, phân bón…ngày một mở rộng, đi lên. Mai này, hồ Tân Rai sẽ là một khu du thuyền độc đáo của cao nguyên B’Lao. Khu trung tâm thương mại chuẩn bị khởi động xây dựng chạy dọc ven hồ, mở ra những hoạt động sầm uất, hiện lên vóc dáng một đô hội trẻ trung, năng động nơi vùng rừng sâu, nuí thẳm năm nào.
Nhớ thuở ấy khi mới thành lập huyện, người ta day dứt với câu nói “Thị trấn sáng về, tối ra đi”. Mười năm sau-một ngày cuối năm 2004 này-về Lộc Thắng thưởng thức những sản vật tại chỗ; nào trắm, trê, lóc, chép, diếc, phi…khai thác từ hồ Tân Rai, “cây nhà” chế biến với “lá vườn”, nhấp ngụm rượu nồng cay nơi vị lưỡi, tâm hồn ta dùng dằng mãi câu dân ca: “…người ở đừng về”…/.
Tháng 12/2004