Thứ Hai, 12 tháng 8, 2013

Bỏ quên mộ phần

VŨ VĂN 

Bước lên khu Nghiã trang An Hiệp (Liên Hiệp, Đức Trọng) một chiều mưa chợt thấy nặng lòng. Người cựu binh già ước tính có đến hơn hai mươi mộ phần người lính trẻ một thời của Tỉnh đội Lâm Đồng, của Sư đoàn 10, Quân đoàn 3 vẫn nằm lại lạnh lẽo nơi này. Ngày ấy…bây giờ đã gần ba mươi năm

Chiềm hôm mưa bao phủ trắng trời. Địa danh nghiã trang An Hiệp từ lâu đã chôn chặt vào ký ức, thay vào đó người quanh vùng gọi nhanh là khu nghĩa địa Đồi Đá. Dẫn đường “hành quân” cùng với cánh báo chí là người cựu binh già Hoàng Huy Nhạc, hiện nghỉ hưu tại số 203, Phù Đổng Thiên Vương, Đà Lạt. Là thương binh, thế hệ thuộc lớp người tuổi lục tuần; năm nào ông Nhạc cũng lặng lẽ về đây thắp nén nhang viếng thăm nghiã tình đồng đội xưa. “Này nhé ! một, hai, ba…theo hàng ngang; còn đây một, hai, ba…theo hàng dọc, đều là lính cùng đơn vị “Sư 10” của tôi ngày đó. Họ ngã xuống khi tuổi đời mới mười chín, đôi mươi…” Ông Nhạc vừa đều đều bước đi vừa nói, tác phong còn đậm chất “điều lệnh” của lính. Nhớ hồi đầu những ngày giải phóng, ông Nhạc là một sĩ quan của “Sư 10”;  còn độc thân, tuổi mới…hơn ba mươi. Thoáng chốc ba mươi năm qua mau, mỗi lần về thăm Khu Đồi Đá, lòng ông lại bồi hồi không yên. Ông thuộc tên từng người nằm đây, nhưng chính xác nằm ở vị trí thứ mấy trong khu mộ phần bây giờ đành bất lực. Những tấm lá tôn trên đó ghi vội họ-tên, địa chỉ đặt trên mộ phần nay đâu còn nữa. Bụi thời gian cứ vô tình xóa trắng những chứng tích này rồi. May còn những lớp đá vun đắp lên nằm sắp lớp mới phân biệt là mộ chí khác với những mô đất vô tri khác.
Lục lại những vùng nhớ đã khắc in, ông Nhạc cho biết trong 2 ngày 18-8 và 19-8 năm 1977, chôn cất xong xuôi mười mộ phần ở khu Đồi Đá này, “Sư 10” mời đại diện Tỉnh đội Lâm Đồng xuống làm lễ bàn giao cho Huyện đội Đức Trọng. Ngay sau đó, 3 người đại diện Tỉnh đội được cử xuống gồm: ông Hoàng Huy Nhạc ( Phó Trưởng Ban Kế hoạch), ông Trần Tung ( Trưởng Ban Quân lực) và ông Nguyễn Tấn Tường ( Trợ lý quân báo). Những thủ tục giấy tờ bàn giao được ghi chép khá đầy đủ. Bàn giao vừa xong, “Sư 10” phải thi hành lệnh hành quân cấp tốc ra vùng rừng núi biên giới phía Bắc. Chứng kiến lễ giao-nhận mộ phần, ông Nhạc nhận biết được danh tính, lai lịch từng người lính cùng đơn vị “Sư 10” trước đó của mình. Các anh đã nằm xuống trong những năm tháng truy quét Fulro trên khắp địa bàn cao nguyên Lâm Đồng. Khu Đồi Đá ngày đó quy hoạch xây dựng thành nghĩa trang liệt sĩ của huyện Đức Trọng. Nhưng dự kiến đã không thành hiện thực. Cuối những năm chín mươi sang đầu những năm hai ngàn, người dân đã tự do tiễn đưa người thân của mình qua đời vào đây chôn cất. Mộ dân thường và mộ người lính chiến đấu nằm lẫn lộn bên nhau. Rồi xe cơ giới ầm ào bao quanh khu đồi sang bằng, đưa bê tông cốt thép vào xây dựng thành trường học phổ thông cơ sở An Hiệp, Liên Hiệp. Trong nay mai, những mộ phần này buộc phải di dời, nhường đất  lại cho vuông vắn khuôn viên nhà trường. Nhưng mộ phần di dời đi đâu thì chưa nghe người trách nhiệm có câu trả lời chính thống.
Năm 1982 và năm 1991, nhờ một hòn đá to khác thường và một cây rừng đặc biệt cao lớn vẫn còn “trơ gan cùng tuế nguyệt” làm chứng, ông Nhạc đã xác định chính xác tên tuổi, quê quán hai hài cốt chiến sĩ  đưa về đoàn tụ cùng bản quê, gia đình ở Vĩnh Phú. Một ngày đầu tháng 4-2001, ông Nhạc cùng với đội quy tập mộ liệt sĩ của ngành lao động và thương binh xã hội đến Đồi Đá xác định lại nhưng cuối cùng lại mờ mịt . Sơ đồ mộ chí không có tên một ai trong hồ sơ lưu trữ nữa. Rồi một ngày tháng 10-2001, ông Nhạc tiếp tục dẫn đoàn của Ban Chính sách thuộc Tỉnh đội Lâm Đồng đến nơi. Lại kiểm tra, khảo sát, cuối cùng đoàn đã lập kiến nghị: “Chưa xác định được tên của từng phần mộ. Đề nghị Sư đoàn 10, Quân đoàn 3 xác định họ tên của từng phần mộ và xác định có phải là liệt sĩ  hay không để địa phương tiến hành quy tập” ! Thời gian lại trôi cho đến nay-tháng 4-2005, kiến nghị này vẫn chưa mang lại một phản hồi có chút hy vọng nào.
Nhiều lần nghe phản ánh nỗi niềm từ những mộ phần vô danh khu Đồi Đá An Hiệp-Đức Trọng,  ông Trương Ngọc Lý, Giám đốc Sở Lao động thương binh và xã hội Lâm Đồng lòng lại trăn trở: “Tình trạng mộ liệt sĩ chưa quy tập được về nghiã trang là một tồn đọng chính sách. Nhưng đành chấp nhận chậm một chút mà chuẩn xác thì hơn ! “. Còn ông Nguyễn Đức Vệ, Trưởng Ban quy tập mộ liệt sĩ tỉnh Lâm Đồng thì cụ thể hóa quan điểm này: Đây là khu vực nằm trong diện giải tỏa. Vì vậy hiện trường mộ phần phải cần được tuyệt đối bảo vệ. Nếu cơ quan quân sự địa phương chưa làm đầy đủ thủ tục công nhận liệt sĩ trong số mộ phần khu Đồi Đá, thiết nghĩ nên sớm đưa toàn bộ hài cốt về bố trí nằm ở khu vực nghiã trang cán bộ Đà Lạt để có chút khói hương trong lúc đợi chờ ! Đừng thờ ơ nữa trước anh linh các anh mà mang tội !./.
Tháng 5/2005