VŨ VĂN
Hơn
mười năm qua, tình trạng đào trộm cao lanh ở mỏ Trại Mát, Đà Lạt ráo riết xảy
ra; trong khi chính quyền phường địa phương nhiều lần tổ chức lực lượng xuống
hiện trường vãn hồi nhưng không có kết quả. Những kẻ đào trộm cao lanh vẫn bình
chân “ẩn tích” trong những “hang động” chạy sâu trong lòng đất, không thể vạch
mặt chỉ tên được. Bọn trộm là ai?! Chúng tôi đã “đột nhập” luồn vào các đường
hầm “địa đạo” để ấy đề tìm câu trả lời .
KẺ TRỘM “ẨN TÍCH” Ở ĐÂU?
Trấn an mãi, một cán bộ lãnh đạo của Phân xưởng sứ Trại Mát
(Xí nghiệp sứ Lâm Đồng) mới chỉ điểm chúng tôi khu vực hoạt động của băng trộm
cao lanh. Nói là chỉ điểm nhưng người này đứng cách xa “hành dinh” băng trộm cả
cây số rồi ra hiệu bằng mắt để chúng tôi đúng hướng mà đi. Xong trong thoáng
chốc, “người chủ mỏ” quành đầu xe mất hút. Phía trước chúng tôi một khu đất đồi
thông bị xới tung, lồi lõm như những hố bom thời chiến tranh phá hoại. Người
dân địa phương thường gọi nơi này là khu vực hầm 5 hoặc dốc số 5.
Đi theo hướng về trung tâm thành phố Đà Lạt, vị trí dốc số
5 đã qua hơn nửa đường đèo Trại Mát. Rẽ ngoặt phía dưới thung lũng bên phải là
gặp khu dân cư đông đúc thuộc tổ dân phố 32, khu phố 3, phường 11. Dừng xe máy
nơi bến đỗ “bốc hàng” của băng trộm (còn vết bánh xe tải, xe ben “hạng nặng”
mới vừa vào-ra), chúng tôi lội bộ leo lên sườn núi dựng đứng để lần theo từng
hang động. Ngay cửa vào “lãnh địa” này, hàng trăm bao cao lanh được khai thác
từ hệ thống hầm ngầm, đã khuân vác ra bên ngoài chất lên nằm sắp lớp. Vào sâu
bên trong, có đến 5 khu hầm bị đào bới, cứ mỗi khu hầm được khoét từ 2 đến 3
đường hào đen ngòm, sâu hút. Trưa nắng chang chang mà vẫn cảm giác lành lạnh
nơi sống lưng. Vắng hoe, không một bóng người. Chỉ thấy bên ngoài cửa hang một
vài bao cao lanh đóng dở, cạnh đó nhiều bộ đồ lao động đang cuộn lại đặt trong
mái vòm của vách núi khoét ngang, phòng khi mưa đổ bất ngờ. Có lẽ kẻ trộm chỉ
đánh trần, mặc quần cụt, mang cuốc xẻng, cơm hộp vào hang bí mật và chui ra
cũng rất…bí mật (?!)
Chúng tôi dò từng bước vào trong hang với hy vọng sẽ tiếp
xúc được với một vài “thân phận” nơi chốn này. Yên tâm khi thấy đường dây điện
kết nối từ một nhà dân dưới chân núi đưa lên kéo vào sâu “lòng địa đạo”, nghĩa
là trong hang vẫn diễn ra một thế giới hoạt động, sinh hoạt như không hề hấn
gì. Cách cửa hang chừng 5 mét, ánh sáng bên ngoài vẫn hắt vào trông thấy rõ dấu
tích từng mảng khối cao lanh đã bị đào xúc. Đường hầm đào có chiều rộng khoảng
hơn 1m, cao hơn 2m nên khi mò mẫm đi không phải khom lưng xuống thấp hoặc phải
lách mình khó khăn. Nhưng đáng sợ nhất ở lớp đất phía trên mái hầm đang rệu rã
sau những trận mưa dài ngày, nguy cơ có thể đổ sập xuống bất kỳ lúc nào.
Như một “trận đồ bát quái” chỉ có lối vào, không có lối ra.
Cả chục miệng hang dẫn sâu vào lòng đất, tủa ra nhiều ngóc ngách, càng đi càng
rơi vào giữa màn đêm đen kịt. Không có tiếng cựa quậy nào cả, chỉ có tiếng ù ù
dội ép vào hai bên mang tai, khó thở vì thiếu không khí, đầu nhức lên như búa
bổ. Bất lực, chúng tôi đành quay trở ra mà không thám thính được tiếng người…
BÓ TAY MÃI HAY SAO?!
Khi chúng tôi vừa “ló dạng” ra khỏi hang động, một người
đàn ông từ căn nhà dưới chân đồi chờ sẵn để “hỏi chuyện”. Dù cuộc gặp do ông ta
chủ động nhưng lại từ chối không cho biết tên và số nhà của mình. Ông xấn tới
hỏi gằn: “Làm phóng sự hả? Sao hôm trước không đi với công an phường đến mà bắt
kẻ trộm cao lanh?!” Chúng tôi không có quyền đi bắt trộm! Ông ta cười xếch mép
và nói rằng, những người đào cao lanh nói trên, nguyên là thợ khai thác cát
chính đáng nơi đây. Họ làm rất an toàn. Khu vực này có tai nạn nhưng xảy ra ở
tại khu vực hầm của Phân xưởng sứ Trại Mát, làm chết 1 công nhân.
Quay về lại Phân xưởng sứ Trại Mát, rất may chúng tôi gặp
một tổ công nhân “kỳ cựu” đang nghỉ trưa ở đây, họ tỏ ra rất bất bình. Anh Lê
Đình Quyến, dân chính gốc Trại Mát, đã hơn mười năm làm công nhân phân xưởng,
lên tiếng: “Chẳng lẽ, kẻ trộm cứ trốn chui trong hầm khi thấy công an là công
an bó tay mãi sao?!” Theo những công nhân này, tình trạng đào trộm cao lanh
diễn ra phải đến 10 năm qua. Những năm đầu thường xuyên xuất hiện bốn, năm nhóm
đào trộm, mỗi nhóm từ 4 đến 6 người. Mấy năm nay, công an truy bắt có “gắt”
hơn, kẻ trộm tạm giải tán chỉ còn 1 nhóm ẩn sâu trong những đường hầm bí ẩn.
Đường hầm ngắn nhất cũng phải loằng ngoằng đến 100m. Có đường hầm dài cả cây
số, chia thành nhiều nhánh, dễ lọt vào “ma trận”. Khi vắng bóng công an, bọn họ
cấp tốc đưa cao lanh ra ngoài hầm, đưa ra đường chở đi ngay. Do thường xuyên
gặp mặt (mà không giám phản ứng gì) nên công nhân biết rất rõ “hành tung” của
kẻ trộm. Đó là những người di cư từ tỉnh ngoài đến, “kết băng” với một vài
người định cư ở Đà Lạt. Mỗi tuần, bọn họ khai thác khoảng 3 chuyến xe ( trọng
tải 10 tấn/1 chiếc) chở đi về các nhà máy sản xuất gạch, sứ của tỉnh Bình
Dương, Đồng Nai…tiêu thụ, giá từ 6-7 ngàn đồng/1kg cao lanh thô. Công suất trung bình mỗi người một ngày khai
thác từ 20-25 bao cao lanh (mỗi bao 50 kg), kiếm khoảng 200 ngàn đồng. Chưa
hết, những công nhân này còn biết chắc nơi “trú thân” của bọn trộm tại phường
10, phường 9, Đà Lạt. Nói là nơi “trú thân”, chứ bọn họ hiện nay rất giàu, nhà
cửa xây đình huỳnh, xe cộ chạy mát mắt. Mới hiểu, sự hấp dẫn khi đi trộm cao
lanh đối với họ đến mức nào?!
Chúng tôi đã trao đổi với ông Hoàng Bá Nguyên, Chủ tịch
UBND phường 11, được biết: Cách đây mấy năm, phường có xuống lập biên bản quả
tang, xử phạt hành chính 1 trường hợp vi phạm 200 ngàn đồng; tịch thu 100 bao
cao lanh. Mới đây, phường lại xuống hiện trường nhưng nhóm đào trộm cao lanh
không chịu ra khỏi hang. Hang sâu quá, lực lượng công an không vào hết được.
Đành bất lực. “Chắc phải làm cách xông khói bên ngoài cho chúng ngạt thở chui
ra ?!”-ông Nguyên nói.
Giải pháp cứu vãn mỏ cao lanh bị đào trộm bây giờ là giao cảnh sát khu vực và tổ dân phố kiểm soát. Tổ chức như vậy- theo chúng tôi là hết sức bị động. Cả lực lượng công an phường không ngăn chặn được, làm sao 1 anh cảnh sát khu vực, 1 “ông” tổ dân phố đảm đương nổi?! Điều quan trọng bây giờ cần thế trận ở quần chúng nhân dân. Khi bắt được tên trộm nào cần chuyển giao cho công an thành phố Đà Lạt xử nghiêm theo luật định. Kết hợp sức mạnh của quần chúng và sức mạnh của pháp luật một cách thường xuyên, liên tục và mạnh mẽ thì kẻ trộm cao lanh dù có “ba đầu sáu tay” đi nữa cũng hết đường phá hoại. Tài nguyên quốc gia sẽ được bảo vệ nghiêm ngặt hơn!./.
Tháng
10/2003