VĂN VIỆT
Bên
suối Bồng Lai của Đức Trọng có ngôi chùa Huệ Quang đã cưu mang 34 trẻ sơ sinh
hoạn nạn và 6 người già không nơi nương tựa trong hơn 10 năm qua. Sư cô Minh
Tài, người trụ trì của chùa là ân nhân trực tiếp mở rộng vòng tay đón nhận những
phận đời không may về trú ngụ nơi này.
“Sư cô mừng Tết Giáp Ngọ là bước sang 36 tuổi. Xuất
gia từ năm 13 tuổi, đến nay sư cô đã được duyên “một tay bế trẻ, một tay nuôi
già” đang sống quây quần trong chùa. Mỗi
người mỗi cảnh trước khi tìm đến chùa thật tội nghiệp… ”- Sư cô Mình Tài vào
chuyện.
Nhớ một buổi chiều lạnh buốt 11 năm trước, sư cô
Minh Tài lúc đó nhìn thấy trong túi xách
vải đặt trước cổng chùa Sư nữ Đà Lạt có 1 đứa trẻ gái mới sinh còn đỏ hỏn. Sư
cô vội vàng đưa đứa trẻ vào chùa “sơ cứu” rồi ngày hôm sau báo lên chính quyền
phường 10, Đà Lạt để hướng dẫn làm thủ tục khai sinh. Những ngày sau, những
tháng sau và những năm sau nữa, không kể hết những khó khăn, trở ngại mà sư cô
vượt qua để nuôi đứa trẻ mới chào đời từ 2 ngày tuổi cho đến lúc đã biết ăn, biết
ngủ và bắt đầu chập chững bước đi đầu tiên. Trong khi sư cô lại phải tranh thủ
từng giờ từng phút để ôn thi tốt nghiệp hệ Trung cấp Phật học Lâm Đồng. May mà sau
đó kết quả ra trường với số điểm tương đối cao,
Hôm tôi đến chùa Huệ Quang bên suối Bồng Lai thuộc
xã Hiệp Thạnh, Đức Trọng, đứa bé gái 2 ngày tuổi năm nào giờ đã 11 tuổi có
gương mặt sáng trong, nụ cười lễ phép chào khách. Cháu đang học lớp 5 tại một
trường tiểu học nội trú ở Đà Lạt, hàng tuần vào chiều thứ 7 đều đón xe bus về
nhà ( chùa Huệ Quang) để thăm “sư phụ” ( sư cô Minh Tài) rồi chiều chủ nhật lại
vội vã trở lại trường để kịp bước vào một tuần học mới. “ Hàng tháng, chùa phải
dành dụm một phần tiền để chu cấp cho cháu chi phí ở trọ, chi phí ăn uống, mua sách
vở…”-Sư cô cho biết.
Hiện tại với cháu gái lớn nhất ở chùa Huệ Quang đang
học lớp 7 ở Trường Trung học cơ sở xã Hiệp Thạnh, Đức Trọng. Trước đó 1 năm, ba
và mẹ cháu đã chia tay, mỗi người đi thêm một bước nữa, cháu trở thành như người
mồ côi. Tìm đến chùa Huệ Quang, cháu được sư cô Minh Tài đón nhận, nuôi dưỡng
và liên hệ làm các thủ tục chuyển trường học mới đến ngày nay, nên không bị
gián đoạn năm học.
Nhiều trường hợp khác gặp sư cô trụ trì chùa Huệ
Quang lại trong tình trạng tưởng như bế tắc hoàn toàn trong cuộc sống. Đó là vào
năm 2010, lần lượt có 3 người phụ nữ mang thai sắp sinh nở (đến từ các vùng miền
trong nước) với ý định đòi tự tử để giải thoát, được phật tử đưa đến chùa Huệ
Quang nhờ cứu giúp. Các nguyên nhân khiến người mẹ muốn “quyên sinh” cùng cái
thai trong bụng như: bị người tình phục bạc, đời sống gia đình túng quẫn lại bị
người chồng thường xuyên ngược đãi…Với tấm lòng thương người, sư cô Minh Tài ân
cần đưa các bà mẹ vào chùa Huệ Quang và khuyên nhủ nên hãy đừng tuyệt vọng vì ở
đời còn nhiều điều tốt đẹp đang chờ đợi chúng ta. Nhờ vậy, 3 người mẹ mang thai
đã bình tâm trở lại, ở lại ngày ba bữa ăn cơm chay với chùa Huệ Quang rồi khi
chuyển dạ được đưa lên bệnh viện huyện “vượt cạn” mẹ tròn, con vuông. Sau đó,
trước khi tìm được nơi ở mới thực sự bình yên, người mẹ ở lại chùa nuôi con ít
nhất cũng đã đến gần nửa năm, nhiều nhất là gần 2 năm.
Khoảng 2 năm trở lại đây, sư cô Mình Tài còn “tiếp
nhận” nhiều cụ bà từ 60 - 80 tuổi có đời sống riêng tư bất hạnh ở ngoài tỉnh
Lâm Đồng, đến chùa nương nhờ sự thanh thản cho đến hết đời. Để có nguồn thu
nuôi sống họ qua cơn hoạn nạn, chùa đã mượn 2.000m2 đất của thiện nam tín nữ
quanh vùng cùng sản xuất thêm vài ngàn mét vuông đất thổ cư trong chùa, hàng
ngày thu hoạch rau màu các loại để góp phần tự túc những bữa ăn. Mới đây chùa
Huệ Quang đã chuyển xuống một ngôi “chùa huynh đệ” ở Vũng Tàu 1 đứa bé trai 10
tháng tuổi để có thêm điều kiện sinh hoạt, học hành. Đây là đứa trẻ được sư cô
Minh Tài nhận về chùa Huệ Quang nuôi từ khi chưa đầy 1 tháng tuổi.
Bây giờ chùa Huệ Quang với hơn 20 sư nữ đang tu tập,
học hành trong điều kiện cơ sở vật chất và ăn uống, sinh hoạt còn nhiều thiếu
thốn, khó khăn. Nhưng sư cô trụ trì Minh Tài vẫn đang cưu mang 4 đứa trẻ mồ côi
đang tuổi ăn tuổi học và 2 cụ bà đang tuổi gần đất xa trời. Tâm niệm của sư cô
Minh Tài là: “ Dù xây chín bậc phù đồ. Không bằng làm phước cứu cho một người…”
THÁNG 01/2014