VĂN VIỆT
“Triển khai chương
trình xây dựng nông thôn mới trong năm mới 2013, thành phố Đà Lạt ưu tiên các
chỉ tiêu phục vụ sản xuất, nâng cao đời sống người dân, đạt được mục tiêu thực
chất và bền vững”- Bí thư Thành ủy Đà Lạt, Đoàn Văn Việt nói.
Một năm kế hoạch vừa kết thúc, thống
kê trên 4 xã xây dựng nông thôn mới của thành phố Đà Lạt là Xuân Trường, Trạm
Hành, Xuân Thọ và Tà Nung đã tiếp tục xây dựng, nhân rộng từ 5 mô hình nông
nghiệp điểm công nghệ cao, chuyển đổi giống cây trồng và vật nuôi, tổng kinh
phí thực hiện gần 1,78 tỷ đồng, trong đó huy động nguồn vốn đối ứng từ sức dân
khoảng 540 triệu đồng.
Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới trên 4 xã đã phối hợp
với ngành nông nghiệp của tỉnh Lâm Đồng và thành phố Đà Lạt, tổ chức 92 tập huấn
nông nghiệp với 5.760 lượt nông dân tham gia. Những nội dung chính được tập huấn
bao gồm những phương pháp phòng trừ sâu bệnh hiệu quả trên các loại cây trồng
phổ biến; các kỹ thuật mới về chăm sóc cây trồng đạt năng suất cao; những cách
thức sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật an toàn, những kỹ thuật canh tác
cà phê năng suất cao…Đặc biệt đã có 82 lao động trên 4 xã nông thôn mới Đà Lạt vừa
hoàn thành chương trình học tập trên 3 lớp đào tạo nghề, được cấp các chứng chỉ
nghề về chăn nuôi heo cao sản, về kỹ thuật sản xuất hoa khô, hoa gỗ; về kỹ thuật
chăm sóc cà phê mới…
Từ nhu cầu phát triển sản xuất, nâng
cao đời sống của người dân, trên 4 xã nông thôn mới của Đà Lạt đã thành lập và
đi vào hoạt động 17 mô hình Hợp tác xã, Tổ hợp tác nông nghiệp, tiểu thủ công
nghiệp…cùng liên kết sản xuất, tiêu thụ nông phẩm, tạo việc làm cho hàng chục
lao động địa phương. Điển hình ở địa bàn dân cư tại thôn Lộc Quý, xã Xuân Thọ có
10 nhóm, tổ hợp tác liên kết với 62 hộ nông dân, đã và đang phát huy kinh nghiệm
sản xuất giỏi, ổn định và mở rộng thị trường tiêu thụ rau an toàn. Kết quả ở tất
cả 62 hộ nông dân ở đây đang hoàn tất thủ tục cấp Chứng nhận sản phẩm rau các
loại được sản xuất đảm bảo tiêu chuẩn VietGap. Riêng 5 mô hình chuyển đổi các
loại cây trồng dài ngày kém hiệu quả sang trồng các loại hoa cao cấp ngắn ngày như
lily, cát tường, đồng tiền…với tổng số vốn đầu tư khoảng 2 tỷ đồng ( nguồn vốn
vay tín dụng nhân dân) đã tạo bước đột phá mới về thu nhập cho người dân, nâng
lên tổng số 100% diện tích đất nông nghiệp của thôn Lộc Quý, Xuân Thọ được lắp
đặt sử dụng hệ thống tưới phun tự động công nghệ cao. Ngoài ra trên 2 công
trình đường nhựa mới và đường bê tông mới hoàn thành qua khu dân cư ở thôn này,
nông dân đã trích phần thu nhập lãi từ sản xuất của hộ gia đình, đóng góp gần
300 triệu đồng cùng với nhà nước xây dựng với tổng kinh phí gần 01 tỷ đồng.
Cũng nhờ đưa khoa học kỹ thuật mới
vào chuyển đổi cây trồng phù hợp, đã cótrên 60 hộ nông dân vùng nông thôn mới
Trạm Hành, Đà Lạt đã đạt giá trị sản xuất có lãi trên mỗi năm trên mỗi ha từ 200
triệu đồng trở lên. Tương tự ở vùng nông thôn mới Xuân Trường, Đà Lạt, nông dân
đã mạnh dạn phá bỏ những diện tích cà phê già cỗi sang trồng rau, hoa chất lượng
cao, sau hơn 2 năm thu hoạch đã thoát nghèo 13 hộ gia đình. Riêng ở vùng nông
thôn mới xã Tà Nung còn được ghi nhận sự đồng hành của một doanh nghiệp sản xuất,
chế biến cà phê, đã đầu tư nhiều khoản kinh phí lớn để mở rộng sản xuất, thu
hút việc làm cho 70 lao động địa phương ( đa số là lao động người đồng bào dân
tộc thiểu số), thu nhập trung bình mỗi người một tháng là 5 triệu đồng.
Đến đầu năm 2013, trên 4 xã xây dựng
nông thôn mới ở Đà Lạt chỉ còn một phần nhỏ số tiêu chí nữa là hoàn thành đủ 19
tiêu chí. Trong các giải pháp đến hết năm 2013 thì giải pháp phát triển sản xuất,
nâng cao thu nhập cho người dân được Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới Đà Lạt đặc
biệt quan tâm triển khai một cách khả thi, hiệu quả hơn. Đó là tiếp tục đôn đốc
trên 4 xã xây dựng, thông qua các đề án phát triển sản xuất cây trồng, vật nuôi
phù hợp với lợi thế trên từng khu vực, tạo ra những sản phẩm mới mang tính cạnh
tranh cao. Đồng thời tạo ra môi trường, điều kiện thuận lợi mới để thu hút đầu
tư nhiều hơn về phát triển khoa học kỹ thuật trong sản xuất, đặc biệt là việc
chuyển giao công nghệ sinh học vào sản xuất, chuyển giao công nghệ bảo quản
nông phẩm sau thu hoạch. Bên cạnh đó là tăng cường vận động thành lập và hỗ trợ
phát triển các mô hình Hợp tác xã, Tổ hợp tác; khuyến khích và tạo điều kiện
phát triển các mô hình liên kết trong sản xuất, tiêu thụ nông phẩm giữa nhà
nông và các nhà doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn./.