Ghi chép VĂN VIỆT
“Vương quốc hoa” Đà Lạt và các vùng
phụ cận dự báo tết năm nay không nhiều hàng hoa lan các loại – loài hoa “nữ
hoàng” của các loài hoa - vì thời tiết biến đổi, nhiệt độ tăng cao khiến cho tỷ
lệ không nhỏ hoa nở sớm hơn những năm trước đến khoảng 3 tuần. Dù vậy, nhờ một
“dinh thự” công nghệ cao điều hòa đủ không khí nóng - lạnh bên trong khu vườn, giấc
mơ của một người nông dân được “kết duyên” với loài hoa mang tên “nữ hoàng hồ
điệp” vẫn có thêm một mùa xuân mới đón phúc lộc về...
Trong năm 2013, tôi đến tham quan khá nhiều lần vườn
hoa lan hồ điệp công nghệ cao bậc nhất ở Lâm Đồng ( và có thể là bậc nhất cả nước)
của anh nông dân Nguyễn Xuân Trường ( 38 tuổi) ở thị trấn Liên Nghĩa, Đức Trọng.
Lần đầu tiên theo Đoàn Kiểm tra việc thực hiện nông nghiệp công nghệ cao của
UBND tỉnh Lâm Đồng, tôi ghi chép được những đánh giá của Trưởng Đoàn - Tiến sĩ
Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng:
Đây là một quy trình sản xuất hoa lan hồ điệp công nghệ cao được đầu tư
đồng bộ, khép kín dây chuyền hoạt động trong 2.000m2 từ các mái lợp nhà kính tự
động che nắng, che mưa phù hợp, đến hệ thống máy điều hòa nhiệt độ bên trong và
hệ thống khay trượt trên giàn sắt thép không rỉ sét…được điều khiển bởi các
thông số lập trình trên máy vi tính một cách chuẩn xác nhất. Tôi tranh thủ hỏi
nhanh anh nông dân chủ vườn này: Chắc là đầu tư nhiều tiền lắm đây ? Trả lời “Dạ.
8 tỷ đồng, anh à ! Toàn bộ thiết bị công nghệ, thiết kế, lắp đặt rồi hướng dẫn,
chuyển giao kỹ thuật vận hành… đều được cung cấp và triển khai trực tiếp từ các
chuyên gia nông nghiệp hàng đầu ở Hà Lan…”
Lần sau đó tôi trở lại để tìm hiểu làm sao anh nông
dân ở phố huyện của Lâm Đồng lại có thể “kết nối” với doanh nghiệp “nhà nghề” từ
Hà Lan để cùng hợp tác phát triển công nghệ cao trồng lan hồ điệp, một loài
“hoa nữ hoàng” như vậy, nhưng tôi phải vào một thôn vùng sâu đường sá gập ghềnh
của xã Tu Tra, Đơn Dương mới gặp được Trường. Với phong cách một người nông dân
tay lấm chân bùn “chính hiệu”, Trường đang cùng với những nhân công lao động nhễ
nhại mồ hôi trong vườn làm cỏ, bón phân, vun gốc, cắt cành, tỉa lá…cho cây lạc
tiên. Trường tâm sự cũng nhờ vùng đất lạc tiên heo hút nơi đây đã “chắp cánh”
cho Trường bay đến trời Âu, trời Á để liên kết với nhiều đối tác giao thương. Và
một trong những minh chứng của kết quả đó là cuối năm 2012, vườn lan hồ điệp
2.000m2 của anh Trường đã “chào đời” trên đất Liên Nghĩa, Đức Trọng .
Đi ngược thêm nhiều thời gian nữa thì anh Trường và
vợ làm công nhân trong các công ty sản xuất nông nghiệp của Đài Loan đứng chân
trên địa bàn huyện Đức Trọng. Sự cần cù, thật thà, không quản ngại khó nhọc
trong lao động của vợ chồng Trường đã được những “ông chủ ngoại” này nhiệt
thành giúp đỡ cung cấp giống, kỹ thuật để tạo lập, mở rộng dần dần trang trại lạc
tiên cả chục héc ta tại vùng sâu Tu Tra, Đơn Dương. Khi đưa sản phẩm lạc tiên
ra thương trường xuất khẩu, anh nông dân Trường có cơ hội quen biết thêm nhiều
đối tác người Hà Lan và trở thành “kênh phân phối” củ giống hoa lily về Lâm Đồng.
Rồi cũng chính những người Hà Lan đã giúp cho anh Trường nông dân xây dựng một
“dinh thự” bề thế đầu tiên cho “nữ hoàng” lan hồ điệp đến bây giờ.
Lần gần đây nhất là một ngày cuối năm 2013, tôi lại
vào “dinh thự” hồ điệp để ngắm nhìn những “nữ hoàng” chuẩn bị “tiễn chân” ra Bắc,
về Nam và qua cả trời Âu, trời Á để “làm đẹp” xứ người. Xuất hiện trong vườn “nữ hoàng” cùng buổi sáng
với tôi có một nam doanh nhân người Hà Lan và một nữ doanh nhân người Đài Loan.
Cả 2 “doanh nhân ngoại” đều nói chuyện với anh Trường nông dân và với vợ bằng
tiếng Đài Loan và tiếng Anh. Anh Trần Đức Anh ( mới ba mươi mấy tuổi), phụ
trách “dinh thự nữ hoàng” “giải trình” với tôi : “ anh Trường và chị Sim ( vợ)
cũng rất đam mê học ngoại ngữ trong thời gian làm công nhân cho doanh nghiệp
Đài Loan. Học qua tiếp xúc trong công việc kết hợp với học các lớp ngoài giờ.
Nên khi giao tiếp thông thường, anh Trường - chị Sim không cần phải có thông dịch
viên… ”
Anh Trần Đức Anh nguyên là nhân viên du lịch ở Đà Lạt,
được anh Trường nông dân (anh em thân thuộc) “điều” xuống Liên Nghĩa, Đức Trọng
làm “quản gia” cho “dinh thự nữ hoàng” từ ngày khánh thành đến nay đã tròn 1
năm. “ Lan hồ điệp ở Đức Trọng cần chăm sóc trong môi trường trên dưới hai mươi
độ là chắc chắn đạt rồi… ”- Anh nói. Theo
đó, sau 1 năm “hầu hạ nữ hoàng”, Anh đã và luôn sẵn lòng chia sẻ với nông dân quanh
vùng về kỹ thuật chăm nuôi “nữ hoàng hồ điệp” đạt tỷ lệ nở hoa nhiều nhất. “Cứ mỗi
chậu nở 12 hoa trở lên mới đạt tiêu chuẩn tốt nhất. Còn trung bình thì phải đạt
từ 5 – 10 hoa. Nhà kính tự động xây dựng đến 8 tỷ đồng cũng là…máy móc mà. Quan
trọng là phải khai thác, sử dụng thích hợp nhất với điều kiện thổ nhưỡng, môi
trường của lan hồ điệp trên vùng đất Đức Trọng nằm trên độ cao từ 800 – 1.000m
so với mặt biển…” – Anh chia sẻ thêm.
Cái “thích hợp” nhất của Anh khi trồng “nữ hoàng hồ điệp” trên đất Đức Trọng là vận dụng trên “giáo án bài vở” lập trình của chuyên gia nông nghiệp Hà Lan để điều hành công nhân tưới nước, bón phân, tỉa lá…khá hiệu quả với điều kiện sản xuất thực tế. Tuy nhiên để hoàn chỉnh được quy trình này, sau khi chuyên gia Hà Lan về nước bàn giao lại, Anh và các “cộng sự nhà nông” phải mất “một số học phí” trong tháng đầu tiên khi chăm sóc “nữ hoàng” còn thiếu các yêu cầu kỹ thuật, một vài luống cây bị thối rễ, héo lá; hoa nở ra các sắc màu “nhàn nhạt”, “ vô hồn”. Rất may Anh và “Trường nông dân” đã không thực hiện “phương án dự phòng” là đưa các loài hoa cắt cành khác vào nhà kính 8 tỷ đồng để “thay chân” cho “nữ hoàng hồ điệp”.
Ổn định khâu sản xuất đã khó, đến khâu tìm đầu ra
càng khó hơn. “Trường nông dân” và “Anh Đà Lạt” dò dẫm lên mạng làm quen với
các công ty kinh doanh “vừa và nhỏ” ở Sài Gòn và Hà Nội để chào hàng. Không ít
doanh nghiệp ở đây hẹn lên vườn lan hồ
điệp của “Trường nông dân” săm soi từng chậu cây rồi cứ im lặng mãi không thấy
đặt hàng. Nhưng bù lại chỉ có một doanh nghiệp từ phương Nam lên mua ngay vài
trăm chậu về bán thử, nhưng vài ngày sau đã điện thoại thông báo sẽ tăng nhiều
lần số lượng mua vào. “Tiếng lành đồn xa”, sản phẩm lan hồ điệp trong nhà kính
Hà Lan ở Đức Trọng của “Trường nông dân” với hình thức hoa nở sáng đẹp, có chất
lượng sử dụng ở xứ đồng bằng đến hai, ba tháng sau mới héo tàn, nhiêu đối tác từ
Hà Nội cũng bay vào hợp đồng thu mua với giá cạnh tranh. Doanh thu bán ra 130
ngàn chậu “nữ hoàng hồ điệp” trong năm sản xuất đầu tiên – năm 2013 đã vượt qua
những giấc mơ của “Trường nông dân” và “Anh Đà Lạt”.
Tiếp xúc với tôi trong lần “không hẹn mà gặp” tại vườn
lan hồ điệp của “Trường nông dân” vào ngày cuối năm 2013 vừa kể trên, một
chuyên gia nông nghiệp Hà Lan đã dành những lời khen tặng : “Lan hồ điệp của
Trường rất đẹp, rất tuyệt vời và rất chuyên nghiệp… ” Lúc này Trường vừa xuất
khẩu chào hàng sang Nga 500 chậu và nhận ngay được “phúc đáp” là “rất tốt ! ” Còn
việc đàm phán giá cả số lượng lan hồ điệp xuất khẩu tiếp theo trong năm mới
2014, “Trường nông dân” đang ký kết hợp đồng ghi nhớ với các đối tác Hà Lan, Đức,
Nhật…
Trường đang đầu tư 15 tỷ đồng xây mới hệ thống nhà
kính, nhà lưới 6.000m2 tại xã Tu Tra, huyện Đơn Dương, dự kiến khánh thành và
đưa vào sử dụng vào đầu năm mới 2014, đạt năng suất “thu hoạch” trên 400 ngàn
chậu lan hồ điệp/năm. Vậy là sang năm mới Giáp Ngọ, “Trường và vợ” vốn từ người
nông dân chỉ biết “ruộng trâu ở trong làng bộ”
lại tất bật công việc xuất ngoại sang trời Âu, trời Á để thực hiện tiếp giấc
mơ mang tên “nữ hoàng” của mình./.
Tết Giáp Ngọ 2014