Thứ Năm, 9 tháng 1, 2014

Hoa không chỉ ở nhà vườn

VĂN VIỆT
Festival Hoa Đà Lạt kết thúc, muôn loài hoa từ trên phố dưới phường lại trở về gắn bó “chuyện trò” với nông dân. Để rồi sau đó, du khách hay những doanh nhân trong và ngoài nước khi đến Đà Lạt muốn chiêm ngưỡng, “kết nối” làm ăn lâu dài với hoa thường theo con đường quen thuộc nhất vẫn là tìm đến nhà vườn.

Mấy năm trở lại đây, chính quyền thành phố Đà Lạt đã tổ chức triển khai nhiều chương trình đưa hoa ra công viên, đường phố để phục vụ nhu cầu du lịch tham quan thiên nhiên. Tiêu biểu như trồng đồng loạt cả trăm ngàn cây mai anh đào đang vươn cành tỏa tán ở Công viên Trần Quốc Toản, bên dưới là thảm hoa bồ công anh và các loài hoa dại khác. Hoặc đã trồng những hàng vạn cây mai anh đào trồng thẳng lối ngay hàng, kéo dài nhiều cây số trên các trục đường vào cửa ngõ Đà Lạt thuộc các khu vực Trạm Hành, Thái Phiên, Đèo Prenn, Đèo Mimosa…Và đó là những dải phân cách hoa hồng khoe sắc bốn mùa, “chạy suốt” từ đường Ba Tháng Tư nối với đường Hồ Tùng Mậu, đường Trần Phú…dẫn vào trung tâm thành phố Đà Lạt, khiến “dùng dằng” những bước chân du khách khi đến và đi.
Theo tiến sỹ Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, thành phố Đà Lạt nói rêng, tỉnh Lâm Đồng nói chung cần tạo ra những điểm nhấn độc đáo hơn nữa từ những không gian gian hoa ở ngoài vườn hoa sản xuất để nâng cao giá trị của hoa, đưa hoa đến gần gũi hơn với khách. Theo đó, đường cao tốc Liên Khương – Đà Lạt dài 19km cần đầu tư trồng các loài hoa đặc trưng của Đà Lạt ở giữa dải phân cách và hai bên “bờ đường”. Đến các khu dân cư Đà Lạt cần tích cực vận động nhân dân phát triển những đường hoa, chuỗi hoa trên lan can, tường nhà, sân thượng…. Mở rộng ra ở những khu du lịch sinh thái Bidoup – Núi Bà, Đan Kia – Suối Vàng, hồ Tuyền Lâm, Vườn hoa Đà Lạt cũng cần nghiên cứu bố trí xây dựng các khu vườn trồng mới các loài hoa nhập nội cá biệt trên thế giới như: hoa Đại Mẫu với kích thước lá chiều dài trên 3m, chiều rộng từ 1- 1,2m; hoa Địa Trung Hải với cánh hoa có chiều cao 3 – 3,2m, chiều ngang từ 1 – 1,2m; hoa Thiên Mộc Hương với hương thơm quyền rũ nhất trong các loài hoa …
Những đường hoa, công viên hoa độc đáo, mới lạ được thiết kế như trên sẽ góp phần quảng bá, tiếp thị thương hiệu hoa Đà Lạt một cách thường xuyên, liên tục và trực tiếp hơn. Bởi vậy, bước tiếp theo đối với các cơ quan chức năng là sớm triển khai quy hoạch xây dựng mới một Chợ Bán đấu giá giành riêng cho hoa Đà Lạt và các vùng phụ cận. Khi ra đời, Chợ hoa sẽ là một địa chỉ đầu mối để các nhà quản lý, doanh nhân, thương lái, hộ nông dân…cùng gặp gỡ đàm phán, trao đổi kinh nghiệm, ký kết phát triển sản xuất hoa - thay vì phải đến phân tán từng nhà vườn như trước đây. Để Đề án xây dựng Chợ hoa đi vào hiện thực - TS Lê Đức Thảo, Viện Di truyền nông nghiệp cho rằng, cần thành lập Tổ Chuyên gia tư vấn do UBND thành phố Đà Lạt làm chủ trì. Các thành viên của Tổ, bên cạnh Hiệp hội Hoa, các nhà khoa học am hiểu ngành hoa, các nhà phân tích chuyên sâu về thị trường hoa, còn có đại diện các doanh nghiệp kinh doanh ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh và đại diện Chợ bán đấu giá hoa ở Tokyo, Nhật Bản và Côn Minh, Trung Quốc.
“Khi xây dựng mối quan hệ với các đối tác từ Chợ Bán đấu giá hoa ở Côn Minh, Trung Quốc và Tokyo, Nhật Bản thì Chợ Bán đấu giá hoa Đà Lạt đi vào hoạt động sẽ cập nhật nhanh chóng những thông tin về nhu cầu thị trường, làm cơ sở để xây dựng hệ thống phân phối hoa trong nước và xuất khẩu mang tầm quốc tế... ” – TS Lê Đức Thảo nhận định.
Thiết nghĩ theo chúng tôi, nối tiếp hoạt động của Chợ Bán đấu giá hoa, Đà Lạt cũng cần có Trung tâm Lưu giữ nguồn giống hoa bản quyền để cung ứng cho sản xuất chất lượng cao và Trung tâm Dự báo thị trường của Nhà nước để tổ chức sản xuất sát hợp với diễn biến cung - cầu. Được vậy, tính khả thi của các Đề án “hoa ngoài vườn nhà” sẽ mang lại những giá trị kinh tế ổn định và tăng cao cho 2 tỷ cành hoa mỗi năm sản xuất ở phố ngàn hoa Đà Lạt./.
THANG 1/2014