Chủ Nhật, 26 tháng 1, 2014

Đà Lạt có chế phẩm bản quyền

Ghi chép VĂN VIỆT
Khi Tây Nguyên “chuyển dịch” sang mùa khô cũng là thời điểm tết đến, xuân về. Những cánh rừng cà phê sau một vụ mùa oằn mình dâng tặng cho người trồng những “quả ngọt” rồi cũng cần phải “ngả lưng ngơi nghỉ” cho ngày khai hoa, nở nhụy. RIC, một chế phẩm bản quyền của Đà Lạt đã và đang trở thành “người điều dưỡng” tận tâm, tận lực để nhanh chóng hồi phục “sức khỏe” cho cà phê sau một năm “thai nghén, vượt cạn”…

RIC (tên viết tắt từ 3 chữ tiếng Anh “ Roots innovation coffee”, phỏng dịch là “tạo rễ mới cho cà phê ”, một chế phẩm được sản xuất tại Đà Lạt, nhà máy tọa lạc dưới con dốc của đường phố Yết Kiêu, diện tích rộng khoảng 2.500m2. Hôm cuối năm 2013, trong một hội trường rộng lớn và ấm cúng của Khách sạn Sài Gòn – Đà Lạt, hàng trăm khách hàng là đại lý, là người sử dụng RIC gắn bó ở vùng Tây Nguyên…đã có thêm một năm tổng kết sôi nổi, phấn khởi với phương châm tiếp tục được khẳng định: “ Chất lượng của RIC, lợi ích nhà nông”. Với RIC, trong số đại lý, khách hàng đại diện ở đây có nhiều người đã sử dụng từ những ngày đầu thử nghiệm ( năm 2006) và cũng không ít người mới “làm quen” trong năm 2013 đã bộc lộ sự “kết nối” lâu dài. Đến dự, ông Lại Thế Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Lâm Đồng đã dành nhiều lời động viên, khen tặng : “ Năm 2013 tiếp tục cho thấy sự góp mặt hiệu quả của RIC trong đa dạng sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật nói chung và thuốc bảo vệ và phát triển theo hướng bền vững đối với cây cà phê Lâm Đồng nói riêng.  ”
Ông Nguyễn Văn Chương, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ kỹ thuật Khoa Đăng, Đà Lạt ( đơn vị sản xuất RIC) nhớ lại mùa hè năm 2006, dịch hại ve sầu tấn công hầu hết trên các vùng cà phê trọng điểm của Lâm Đồng, đã đặt ra những thách thức đối với cơ quan bảo vệ thực vật Lâm Đồng trong việc áp dụng các biện pháp phòng trừ sao cho vừa kích thích được cây cà phê sinh trưởng, vừa “giữ gìn” được độ hấp thu dinh dưỡng của đất. Với thực lực vốn liếng khoa học của mình và kinh nghiệm nhiều năm sản xuất các chế phẩm phát triển mạnh bộ rễ cho nhiều loài cây hoa Đà Lạt, Công ty Khoa Đăng đã mạnh dạn đăng ký và được Chi cục Bảo vệ thực vật Lâm Đồng chấp thuận cho thực hành các chế phẩm mới để trực tiếp “tuyên chiến” với ve sầu trên 5.000m2  cà phê vối tại xã Đinh Trang Hòa, huyện Di Linh.
“ Công ty dành ra khá nhiều ngày tháng để nghiên cứu và xác định rằng ve sầu là một loài côn trùng gây hại nghiêm trọng cho cây cà phê, nhưng việc phòng trừ và tận diệt chúng thì hoàn toàn không đơn giản. Ve sầu thường chui sâu xuống đất để đẻ trứng hàng loạt rồi nở rất nhanh thành từng đàn ấu trùng cắn phá bộ rễ khiến cây cà phê bị vàng lá, giảm sút khả năng ra hoa, đậu quả; thậm chí nhiều thửa vườn cà phê đã phải chết khô…” – Giám đốc Chương kể lại. Theo đó, nguyên nhân phát sinh ve sầu là do môi trường đất lạm dụng quá nhiều chế phẩm hóa học và phân bón vô cơ, đã không “trừ khử” hết ve sầu, ngược lại còn tiêu diệt quá nhiều loài thiên địch của ve sầu như kiến, ong, nhện…Từ những cơ sở thu thập được từ thực địa như vậy, Công ty Khoa Đăng, Đà Lạt quyết định chọn giải pháp tác động chất sinh học tạo “cây khỏe, rễ nhiều” để “đề kháng” lại với ve sầu; tạo môi trường đất mới để “xua đuổi” ấu trùng ve sầu ra khỏi vùng rễ sinh trưởng của cây cà phê...Ý tưởng này đã khai sinh tên chế phẩm RIC của công ty như đã nói trên.
 Năm 2007 – năm chính thức trình diễn “sắc màu” chế phẩm RIC trên cây cà phê Đinh Trang Hòa, Di Linh của Công ty Khoa Đăng, Đà Lạt đã tạo những “đáp số” bất ngờ lớn đối với nông dân quanh vùng: năng suất cà phê thu hoạch tăng lên hơn 25% vì vùng rễ của cà phê trở thành vùng “đất dữ” cho ve sầu. Cũng trong năm này, quy trình tạo rễ mới cho cây cà phê từ chế phẩm RIC của Khoa Đăng, Đà Lạt đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng chính thức cho phép áp dụng trên địa bàn cà phê của tỉnh. Tin vui liền sau đó cũng đến: Cục Sở hữu trí tuệ ( Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp bản quyền chế phẩm RIC cho Công ty TNHH Khoa Đăng, Đà Lạt. Tiếp theo trong năm 2008, Khoa Đăng mở rộng vùng thực nghiệm RIC trên cây cà phê Bắc Tây Nguyên, Tây Bắc Bộ, Đông Nam Bộ…đã đem lại với một vụ mùa bội thu vượt trội. Và không lâu sau đó, được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn qua tổ chức khảo sát, đối chứng với các vùng cà phê trong nước, đã chính thức đưa chế phẩm RIC vào danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng trên toàn quốc.
Được xác lập bản quyền RIC Đà Lạt, Công ty Khoa Đăng đưa ra các kênh phân phối trên thương trường cạnh tranh bằng chính tác dụng các “thành tố” trong chế phẩm ghi trên bao bì, nhãn hiệu hàng hóa khi sử dụng. Đến vùng quê cà phê nào trong nước cũng vậy, cán bộ kỹ thuật của Khoa Đăng luôn ở cùng với nông dân để hướng dẫn sử dụng từ ngày cây ra hoa, tạo quả thu hoạch rồi mới chuyển giao ra về. Mắt thấy, tai nghe, được cầm tay sử dụng, được trực tiếp thu về lợi nhuận tính bằng tiền trên từng hạt cà phê no tròn, săn chắc, nông dân đã tự phát “tiếp thị” RIC Đà Lạt đến với nông dân và từ đó cứ lan tỏa hàng tháng, hàng năm theo chiều rộng lẫn chiều sâu đến các vùng miền cà phê trong cả nước.
Tháng 8/2012, Khoa Đăng đã vượt qua nhiều “ứng viên” khác để triển khai gói thầu “Ứng dụng chế phẩm cải tạo đất và điều hòa sinh trưởng nhằm tăng khả năng phát triển bộ rễ của cây cà phê” của Ban Quản lý Dự án Cạnh tranh nông nghiệp Lâm Đồng, nguồn vốn hỗ trợ từ Ngân hàng Thế giới. Khoa Đăng chọn 5 vùng cà phê trọng điểm của Lâm Đồng để ứng dụng chế phẩm RIC trên 5 hộ sản xuất ở các xã Tân Hội ( Đức Trọng), Tân Hà ( Lâm Hà), Tân Nghĩa ( Di Linh), Lộc Ngãi ( Bảo Lâm) và Lộc Nga ( Bảo Lộc). Có 2 giai đoạn quan trọng được “bồi bổ” RIC cho cà phê mô hình ( đều trên dưới 10 năm tuổi) gồm: bón RIC chất bột dưới bồn cây rồi tưới đủ nước lần đầu cho cây sau khi thu hoạch, giúp cây ra hoa, đậu quả đồng loạt; hòa tan RIC chất lỏng với lượng nước vừa đủ rồi phun đều trên cành cây, tán lá, ngọn chồi… vào tháng 3, tháng 4 trong năm, giúp cây cà phê phát triển mạnh bộ rễ để chuyển hóa nhanh dưỡng chất làm tăng đều số lượng và chất lượng quả đậu trên cây.
Tháng 8/2013, Hội đồng Nghiệm thu của Dự án Cạnh tranh nông nghiệp Lâm Đồng đã công nhận các kết quả “cạnh tranh” của chế phẩm RIC Đà Lạt tính quân bình trên 1 ha cà phê thuộc 5 mô hình nói trên với các chỉ số: Tăng trọng lượng rễ cây trung bình 10,5g/cây; giảm 37% tỷ lệ vàng lá; tăng 25% tỷ lệ nở hoa, đậu quả; tăng 10,75% cặp lá mới/cành; tăng năng suất 546,5kg nhân…

Hành trình mới từ đây đến năm 2020, RIC Đà Lạt được Chi cục Bảo vệ thực vật Lâm Đồng “tín nhiệm mời” làm “người điều dưỡng” cho cây cà phê tái canh trên hàng ngàn héc ta với các hình thức ghép cải tạo và trồng mới. Và đây cũng là tín hiệu mới cho RIC với hành trang “hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001- 14001” trong sản xuất, để từ đó không ngừng nâng cao uy tín, thương hiệu chế phẩm mà những cán bộ khoa học kỹ thuật của phố hoa Đà Lạt đã đầu tư nghiên cứu, tạo dựng trong suốt gần 10 năm qua – tính từ lúc mới phôi thai hình thành./.
THÁNG 01/2014