Thứ Tư, 1 tháng 1, 2014

Rừng ca cao xứ nghèo

Phóng sự VĂN VIỆT
Đón năm mới 2014, nông dân các xã Đạ Tông, Đạ Long, Rô Men của huyện Đam Rông thật vui trước những quả ca cao mùa đầu căng tròn trong vườn nhà. Còn một năm nữa mới bước vào vụ chính, nhưng dáng dấp của sản phẩm chủ lực giảm nghèo từ ca cao đang hiện diện đến từng hộ gia đình.

BẤT NGỜ…CA CAO TƯƠI
Đặt chân đầu vườn rừng ca cao của hộ Kơ Sá Ha Ni ở thôn Đa Kao 2, xã Đa Tông, Đam Rông, bất ngờ lạc vào bầu không khí dịu mát – dù ngoài đường lớn, nhiệt độ khô nóng đang tăng dần vào giữa trưa. Bà Ka Song Phượng cho biết, con gái Ha Ni cùng chồng cả ngày hôm qua và sáng sớm hôm nay ở suốt trong vườn thu gom lá ca cao khô rụng để tủ lên từng gốc cây giữ ẩm. Trước đó, “2 con” của bà cũng bón xong đợt phân cuối cùng của mùa mưa trong năm theo “bài vở” đã học, đảm bảo dưỡng chất cho ca cao. “ Ông chồng tôi đã bán 1 con bò để cho vợ chồng nó ( Ha Ni và chồng ) mua máy bơm và dây tưới đủ nước cho 600 gốc cây ca cao đây này…”- Ka Song Phượng kể.
Ka Song Phượng chỉ tay về dòng nước tự nhiên cung cấp bên dưới và khoảng sân ủ phân vỏ cà phê bên trên là 2 nguồn chính “nuôi lớn” cho 1 ha ca cao trồng từ tháng 8/2011, đến nay đang che mát đỉnh đầu. Nhớ hồi được chọn tham gia dự án phát triển ca cao của Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng, Ka Song Phượng và chồng mừng nhiều và lo cũng không ít. Mừng vì đây là cơ hội cho con gái và chồng nó có cây trồng mới làm vốn riêng về sau. Lo là làm sao trồng cây cho tốt như cán bộ nông nghiệp của tỉnh, huyện và xã đã thay nhau đến nhà hướng dẫn.
Rồi Ha Ni và chồng cũng đã tự tìm cách xua đuổi cái lo ra khỏi cái đầu của mình. Đó là không còn cách nào khác hơn phải chịu khó tham gia đầy đủ các lớp tập huấn lý thuyết và thực hành trồng cây ca cao do Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng tổ chức, mạnh dạn đầu tư các nguồn vốn đối ứng với dự án để mua thêm vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và thuê thêm lao động đào hố, xuống giống trồng “đồng trà”  trên 1 ha xen canh với cây điều. “ Tôi và chồng còn dành 1 chỉ vàng cho vợ chồng nó bán lấy tiền đầu tư trong thời gian xuống giống trồng cho đủ 600 cây ca cao…  ”- Ka Song Phượng thật tình.
Đến hết năm 2013 là cây cao 28 tháng tuổi, Ha Ni thu quả bói bán thử vài chục ký tươi với giá khá bất ngờ  -  từ 4.000 – 4.500 đồng/kg.  Tính theo lý thuyết có thể thu hoạch từ 20- 25 tấn quả tươi/ha/năm, nhân ra với giá bán này thì ca cao đang mang nhiều hy vọng để chia tay với cái nghèo.
LÊN MEN MÙA SAU NỮA
Tôi lại “đi lạc” vào vườn rừng ca cao của già làng Ha Krang, 70 tuổi ở thôn Đa Nhinh 2, xã Đạ Tông. Ha Wuyn, chàng khuyến nông viên trẻ của xã Đạ Tông nhìn lên tán lá phủ rộng nói: “ Vườn điều này đã sinh trưởng 20 năm tuổi, quanh năm thu hạt nhân đều khắp trên 1 ha. Từ tháng 8/2011 đến nay, từng cây điều được thêm chức năng giữ mưa, giữa nắng cho cây ca cao…”  
Sau 10 tháng làm khuyến nông viên xã Đạ Tông, Ha Wuyn xuống trợ giúp kỹ thuật cho vườn ca cao của già làng Ha Krang hơn 20 lần.  Với các công đoạn khác nhau như làm cỏ, tưới nước, bón phân, bơm thuốc phòng trừ bọ cánh cứng ăn lá, bọ xít muỗi chích quả….nhưng Ha Wuyn phải cầm tay chỉ “đúng việc” cho già làng Ha Krang theo từng thời điểm khí hậu, thời tiết khác nhau trong ngày, trong tháng. Anh Dương Nhật Thành, cán bộ Trung tâm Nông nghiệp huyện Đam Rông đánh giá: “Khuyến nông viên Ha Wuyn đã góp phần cùng đồng hành với già làng Ha Krang chăm sóc vườn ca cao sinh trưởng khá tốt, tưới đủ nước, làm sạch cỏ dại, thu trái bói vừa đủ độ chín đều…”  
Già làng Ha Krang không chỉ thu bán quả ca cao tươi để “đo đếm” được chất lượng, mà còn cùng những người trong gia đình thực hành quy trình tự lên men để bán hạt nhân. Quy trình được học khá chi tiết từ các “huấn luyện viên” của Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng nên hiệu quả mang lại cũng khá bất ngờ : 1 kg hạt nhân ca cao bán nhanh với giá trên dưới 50 ngàn đồng. Với tỷ lệ từ 10- 12 kg quả tươi lên men được 1 kg hạt nhân, cây ca cao đất nghèo Đam Rông thêm lần nữa khẳng định khả năng thích nghi khi bén rễ, xanh cây lâu dài cho những mùa sau...
HAI NHÀ TRONG MỘT
Trên đường trở ra Quốc lộ 27 để về Đà Lạt, anh Võ Văn Lập, Trưởng Phòng Kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng bảo tôi dừng nghỉ chân tại nhà ông Đỗ Thành Dung ở thôn 2, xã Rô Men, Đam Rông. Thì ra đây là một khu vườn đa dạng cây trái sum suê rộng đến hơn 3 ha được tận dụng vòm lá giữ mát cho hơn 500 cây ca cao trồng xen sau này. Và đây là 1 trong 2 điểm thu mua quả ca cao tươi của huyện Đam Rông (1 điểm thu mua ở xã Đạ Tông) để lên men tập trung trước khi đưa ra ngoài tỉnh Lâm Đồng tiêu thụ.
Hỏi có tâm tư gì khi vừa làm người nông dân trồng ca cao vừa làm thương lái chế biến lên men ca cao để tiêu thụ ? Ông Dung đáp hóm hỉnh : “Tất cả đã có Trung tâm khuyến nông Lâm Đồng lo hết. Trung tâm đưa tôi đi nhiều nơi rồi. Nào là giao kèo với các đối tác thu mua, nào là tiếp cận với kỹ thuật lên men hạt ca cao, nào là đi tập huấn dài ngày cả lý thuyết và thực hành chăm sóc cây ca cao đạt năng suất cao…Giờ tôi chỉ chờ ngày tháng đến nhanh vào vụ ca cao chính để thể hiện “vai trò quan trọng” của mình…. ”
Ông Dung cắt đôi một quả ca cao mọng đỏ vừa hái trên “cây nhà lá vườn” xuống, bóc ra từng múi cơm trắng nõn bao quanh hạt nhân đưa tôi thưởng thức. Một vị chua thanh hòa trộn với vị ngọt dày nơi đầu lưỡi. Tôi và “Lập khuyến nông” nhâm nhẩm tính: Dự án khuyến nông Lâm Đồng với một “khu rừng” 40 ha ca cao cho 95 hộ nông dân Đam Rông sẽ thu vụ chính đầu tiên vào cuối năm 2014. Dự kiến với năng suất 2 tấn hạt nhân/ha/năm thì đạt tổng thu 100 triệu đồng ( theo giá thị trường cuối tháng 12/2013 là 50 ngàn đồng/kg hạt nhân). Trừ tất cả vốn đầu tư, công lao động khoảng 30 triệu, còn lại lãi ròng hơn 70 triệu đồng/ha/năm. Chưa kể nhiều hoa lợi khác đã “trồng thuần” trên 1 khu vườn ca cao như điều, cà phê, sầu riêng, xoài, ổi, mận…đạt khoản thu hàng năm với những con số không nhỏ nữa.
Vâng, những con số không nhỏ ấy đang “tạo lập” cho cây ca cao Đam Rông một niềm tin, nhiều hy vọng cho cuộc sống đủ đầy hơn trong năm mới 2014.

Đà Lạt – Đam Rông cuối năm 2013