Thứ Ba, 7 tháng 1, 2014

Anh thương binh trồng cỏ vượt nghèo

VĂN VIỆT
Ngày 17/4/1975, trên đường tiến vào giải phóng Phan Thiết, chiến sĩ pháo binh Nguyễn Hữu Tiến bị hai mảnh bom của quân đối phương cắm găm vào thân thể, trở thành thương binh ¾. Vượt lên thương tật, làm người lao động chăm chỉ từ ngày toàn thắng đến nay, người thương binh ấy đã đẩy lùi nghèo khó từ việc trồng cỏ nuôi bò.

 Tháng tư, “vùng thảo nguyên” xã Đạ Ròn, Đơn Dương, Lâm Đồng ken dày màu xanh của cỏ sữa, một loài cỏ từ các vùng đất ở nước Úc, nước Thái di thực về khoảng hai mươi năm về trước. Sau ba mươi bốn năm định cư nơi này, anh thương binh Nguyễn Hữu Tiến ( 54 tuổi) đã tạo dựng hơn sáu ngàn mét vuông trồng cỏ, quanh năm cung cấp đủ thức ăn cho đàn bò sữa 11 con, trong đó có 5 con đang cho sữa. Tiến nói: “ Giải phóng về, tôi tiếp tục xa quê Hà Tây (Hà Nội ngày nay) tình nguyện xây dựng vùng kinh tế mới Đạ Ròn, Đơn Dương, làm công nhân trồng trọt cho nông trường bò sữa rồi xây dựng gia đình ở lại lập nghiệp đến giờ…” Đây là lần xa quê thứ hai của Tiến khi trở thành một anh thương binh hạng ¾. Lần xa quê thứ nhất, Tiến cầm súng lên đường vào Nam chiến đấu khi vừa tròn 18 tuổi.
Tiến không bao giờ quên bước ngoặt lớn của đời mình: Đầu tuần tháng tư năm 1975, Tiến vừa hoàn thành khóa huấn luyện tân binh thì nhận được lệnh theo đội hình quân chủ lực tiến về giải phóng Sài Gòn. Đi qua các vùng mới giải phóng từ Huế- Đà Nẵng đến vùng đất vừa chọc thủng phòng tuyến Cam Ranh, Khánh Hòa, chiến sĩ Tiến đến Phan Thiết và dừng lại cùng đồng đội lập trận địa truy quét tàn quân của đối phương. 
Chỉ là những cuộc chống cự đứt quãng nhưng thình lình một máy bay “cánh chuồn” của đối phương từ đâu đó sà xuống trận địa chiến đấu của Tiến, thả xuống một quả bom bi. Một chiến sĩ trong tiểu đội pháo binh 12 người của Tiến hy sinh tại chỗ. Tiến bất tỉnh nằm xuống sau một chớp mắt nhận biết mình bị trúng các mảnh bom bi vào vùng đầu phía sau và vào vùng đùi bên trái. Tỉnh dậy thấy mình đang được điều trị ở tuyến sau mới giải phóng thuộc thành phố Nha Trang, Khánh Hòa. 
Mười ba ngày sau, được tin Sài Gòn giải phóng, mừng vui khôn xiết, nhưng vết thương vẫn chưa lành nên Tiến không được dịp đón mừng toàn thắng ở tuyến trước. Khoảng tháng 10 năm 1975, Tiến ra viện trở về đơn vị cũ đến gần năm  sau được giải quyết chế độ xuất ngũ về quê.
“ Khi xuất ngũ, tôi quyết định xung phong đi xây dựng các vùng kinh tế mới ở miền Nam ruột thịt, mong ước bù lại quãng đời lính tôi chỉ vừa mới đến một phần đường chiến dịch tiến về Sài Gòn…”- Tiến nhớ lại. Và Tiến được lên vùng đất Nam Tây Nguyên màu mỡ, vỡ đất trồng cỏ nuôi bò trong tập thể của nông trường bò sữa Đạ Ròn, Đơn Dương. Tại đây anh gặp được tình yêu với một  người nữ công nhân cùng đất Bắc và kết thành vợ chồng. Năm 1987, đất nước đổi mới, vợ chồng anh Tiến dành dụm được 5 chỉ vàng mua 4 sào đất trồng cỏ, lập chuồng nuôi bò sữa riêng. Liên tục cập nhật và áp dụng kỹ thuật vào sản xuất chăn nuôi, vợ chồng anh Tiến nâng dần khoản lãi rồi mua thêm 2 sào đất nữa, đến nay đã khép kín một mô hình kinh tế hộ gia đình, ổn định nguồn thu nhập mỗi tháng hơn 10 triệu đồng. Tiến hài lòng: “Gia đình tôi gồm hai vợ chồng và hai người con. Đứa con lớn đang học cao đẳng. Đứa con nhỏ đang học tiểu học. Vườn cỏ và đàn bò cho sữa ổn định đã nâng mức sống cho gia đình tôi vượt nghèo hơn chục năm rồi…”    
Tính riêng hơn 5 năm qua, hộ gia đình thương binh Nguyễn Hữu Tiến liên tục đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất giỏi của huyện Đơn Dương, Lâm Đồng từ việc trồng cỏ nuôi bò sữa. Theo anh Tiến, vùng đất Đạ Ròn, Đơn Dương, rất thích hợp với cây cỏ sữa phát triển quanh năm. Với 6 sào đất trồng cỏ sữa có xen canh trồng bắp, hàng ngày đủ cung cấp dinh dưỡng thức ăn cho 5 con bò cho sữa đạt chất lượng. Trung bình mỗi con bò vắt sữa 2 lần trong ngày, thu được trên dưới 18 lít sữa. Giá bán một lít sữa hơn 10 ngàn đồng, thu được 180 ngàn đồng tiền sữa từ mỗi con bò. Trừ tất cả tiền công chăm sóc, tiền mua thêm cám ăn dặm cho bò, mỗi tháng mỗi con bòsữa  cho lợi nhuận ít nhất là hơn 2 triệu đồng.     

Anh Tiến đúc kết việc trồng cỏ nuôi bò sữa thu lợi nhuận “không đến nỗi phải quá khó. Chỉ khó là mình không chịu khó mà thôi”. Từ kinh nghiệm vượt khó, vượt nghèo có được sau hơn ba mươi năm chăn nuôi bò sữa, anh Tiến luôn nhiệt tình trao đổi cùng với những hộ nông dân ở địa phương để cùng phát triển kinh tế gia đình. Hiện tại anh thương binh Nguyễn Hữu Tiến đang là Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn 2, xã Đạ Ròn, Lâm Đồng không những luôn làm gương về sản xuất giỏi ở địa phương mà đồng thời luôn thể hiện tốt vai trò của mình trong công tác hội nông dân cơ sở, nhận nhiều khen thưởng của hội nông dân cấp trên./.
THÁNG 4/2011