VĂN VIỆT
Ông
Vũ Văn Pháp, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lộc Thanh ( Bảo Lộc) đã “lo trước” dân để
sáng chế và đưa vào ứng dụng hiệu quả lò sấy cà phê không đảo trộn, trở thành một
những nhân tố điển hình về học tập và làm theo tấm gương Hồ Chí Minh của tỉnh
Lâm Đồng.
“Ông Chủ tịch” Vũ Văn Pháp đưa tôi về
thôn Thanh Hưng 1, xã Lộc Thanh ( Bảo Lộc) để “quảng bá” lò sấy cà phê không đảo
trộn đặt giữa khu đồi cà phê rộng lớn của gia đình. Gọi là lò sấy nhưng được
xây dựng bằng bê tông cốt thép trong một căn nhà cũng bê tông cốt thép có diện
tích hơn trăm mét vuông. Theo đó, có 3 bộ phận chính trong dây chuyền của lò sấy
cà phê gồm: bếp đốt vỏ cà phê, đường ống dẫn nhiệt và giàn sấy đặt trên hầm.
Trong đó đường ống dẫn nhiệt được thiết kế với công tắc điều chỉnh các độ nóng
“phả hơi” từ trên xuống và từ dưới hầm lên, làm cà phê khô đều cả 2 mặt, mỗi
ngày đêm sấy xong 6,8 tấn cà phê tươi thành 1,7 tấn cà phê khô.
Ý tưởng sáng chế lò sấy cà phê cà phê
không đảo trộn của “ông Chủ tịch” Pháp bắt đầu hình thành từ năm 2008. Khi đó, nông
dân xã Lộc Thanh đã sáng chế trên dưới 5 lò sấy cà phê ( trong đó có lò sấy của
ông), nhưng hàng ngày đưa vào sử dụng phải có thêm 4 công lao động dùng cào, xẻng..để
đảo trộn mới khô hết lớp cà phê bên trên. Để giảm thấp nhất số nhân công làm việc
trong lò sấy, ông Pháp đã mất mấy tháng để lên bản vẽ cải tiến dây chuyền hoạt
động. Kết quả, bên cạnh 1 đường ống dẫn nhiệt xuống chiếc hầm ngầm sâu 1,2m, ông
Pháp thiết kế thêm 1 đường ống dẫn nhiệt mới qua 5 ô cửa sổ, thổi vào giàn sấy (
chiều cao 0,8m, chiều dài 5m, chiều rộng 4m) để sấy khô lớp cà phê bên trên. 2
đường ống này đều nối liền với bếp đốt vỏ cà phê thông qua hệ thống quạt để tiếp
nhận “nhiệt lượng”.
“Sau khi đưa lò sấy mới vào hoạt động có
kết quả, tôi thông báo rộng rãi cho người nông xã Lộc Thanh, Bảo Lộc đến tham
quan, ai cũng nói quá đơn giản như vậy mà ông Pháp nghĩ ra còn người khác thì vẫn
nghĩ chưa ra... ”Ông Pháp kể. Năm 2011, sáng chế “lò sấy cà phê không đảo trộn”
của ông Pháp tham gia dự thi “Nhà nông sáng tạo tỉnh Lâm Đồng” đã đoạt giải Ba.
Và kết thúc năm 2013, lò sấy ông Pháp tiếp tục đoạt gỉải Khuyến Khích của Hội
thi sáng tạo khoa học kỹ thuật tỉnh Lâm Đồng.
Đến nay, nông dân xã Lộc Thanh, Bảo Lộc
đã xây dựng mới 2 lò sấy cà phê không đảo trộn theo thiết kế của “ông Chủ tịch”
Hội Nông dân xã, Vũ Văn Pháp. Với khoảng 70 triệu đồng kinh phí xây dựng, mỗi
lò vận hành sấy khô cà phê mỗi ngày bằng 10 ngày phơi ngoài trời “nắng to” liên
tục. Tính trung bình 17 giờ hoạt động sấy 6,8 tấn cà phê tươi thành 1,7 tấn cà
phê khô mỗi ngày, lò sấy ông Pháp tiêu thụ khoảng 270.000 đồng tiền điện và
250.000 đồng tiền trả công lao động, đã tiết kiệm một khoản tiền đáng kể so với
các phương pháp “làm khô” cà phê thông thường hiện nay.
Kết thúc niên vụ cà phê 2013- 2014, hộ
gia đình ông Chủ tịch Hội Nông xã Lộc Thanh, Bảo Lộc với 10 ha cà phê thu hoạch
tổng sản lượng khoảng 30 tấn nhân. Nhân tỷ lệ 1 khô - 4 tươi thành 120 tấn
tươi, ông Pháp chỉ mất có hơn nửa tháng để làm xong việc sấy khô trên “nhà máy”
sáng chế của mình. Thời gian còn lại, ông Pháp luôn “rộng cửa” sấy cà phê tươi cho
nông dân trong và ngoài xã Lộc Thanh, nhưng chỉ lấy tiền “điện phí” và tiền công
lao động phổ thông cho 1 người làm việc trong “nhà máy”.
Thống kê đến nay xã Lộc Thanh, Bảo Lộc
có 1.800 ha cà phê, đạt năng suất trung bình 2,5 tấn nhân/ha. Ước tính mới chiếm
hơn 60% sản lượng cà phê của nông dân xã có diện tích, vị trí sân phơi đạt yêu
cầu. Gần 40% sản lượng cà phê còn lại phải phơi ngoài đường hoặc phơi trên những
khu vực bãi đất trống xa nhà ở, buộc phải có người canh giữ 24/24 giờ. Khi gặp
trời mưa, cà phê “phơi tự do” thường được “cuộn tròn” trong những tấm bạt phủ;
hoặc đổ lên lớp lớp trên nền những căn nhà kho, nhà ở ẩm thấp, thường gây hao hụt
và không đảm bảo chất lượng cà phê khô từ 10- 15%.
Hiện nông dân Lộc Thanh, Bảo Lộc đang tiếp
tục “nhân bản” ngày càng nhiều lò sấy cà phê không đảo trộn của “ông Chủ tịch”
Pháp, nhằm khắc phục dần và đi đến chấm dứt tình trạng cà phê “phơi tự do” nêu
trên./.
THANG 02/2014