VĂN VIỆT
Từ nay đến cuối năm 2014, Lâm Đồng đặt ra mục tiêu
phát triển mới 22 HTX, nâng tổng số lên 168 HTX nhằm tiếp tục kiện toàn, phát
huy vai trò hoạt động sản xuất kinh doanh nòng cốt của HTX trong thành phần
kinh tế tập thể.
Việc phát triển mới HTX ở Lâm Đồng trong năm 2014 chủ
yếu hướng về vùng nông thôn, tập trung ở những vùng đồng bào dân tộc thiểu số để
góp phần giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững ở địa phương.
Cụ thể với lĩnh
vực nông nghiệp, tổ chức HTX mới được khuyến khích hoạt động sản xuất, kinh
doanh và dịch vụ đa ngành, có thể vừa liên kết sản xuất và chế biến, tiêu thụ
nông phẩm, vừa cung ứng giống vật nuôi, cây trồng, vừa hỗ trợ kỹ thuật sản xuất,
chăn nuôi cho xã viên. Trên lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, phát
triển HTX mới gắn với các chương trình khuyến công, góp phần khôi phục và phát
triển các làng nghề, tạo ra nhiều sản phẩm đặc trưng. Tương tự trên lĩnh vực
thương mại, du lịch, HTX mới tập trung với các hoạt động xúc tiến thương mại,
đào tạo nghề, phát triển du lịch dã ngoại, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng
đến với buôn làng vùng sâu, vùng xa. Ngoài ra với lĩnh vực vận tải, các HTX xã
mới thành lập với các hoạt động được quan tâm như kinh doanh bến bãi với xã
viên là chủ phương tiện, đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng nhiều của người dân ở
các huyện Đơn Dương, Đam Rông, Đạ Huoai…
Dự kiến đến hết năm 2014, Lâm Đồng thực hiện các
chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế HTX gồm: bổ sung vốn điều lệ cho Quỹ Hỗ trợ
phát triển HTX, cho 20 HTX vay ưu đãi 5.450 triệu đồng để sản xuất, kinh doanh,
dịch vụ, chế biến nông phẩm; hỗ trợ 1.450 triệu đồng cho 62 HTX ứng dụng khoa học
công nghệ cho sản xuất và các chương trình xúc tiến thương mại; trích kinh phí
1.395 triệu đồng để đào tạo, bồi dưỡng 930 cán bộ HTX và tất nhiên là có thêm
khoản kinh phí gần 350 triệu đồng để hỗ trợ thành lập mới 22 HTX và 252 Tổ Hợp
tác mới.
THÁNG 02/2014