Thứ Ba, 25 tháng 2, 2014

Thoát nghèo bằng mô hình

VĂN VIỆT
Triển khai cùng lúc các biện pháp thoát nghèo bằng mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật chăm sóc cây trồng và vật nuôi trên 6 xã, thị trấn, bước đầu huyện Lạc Dương đã tăng giá trị sản xuất nông nghiệp .

Từ đầu năm 2012, UBND huyện Lạc Dương đã chỉ đạo UBND 6 xã, thị trấn trong huyện chịu trách nhiệm làm chủ đầu tư triển khai xây dựng các mô hình giảm nghèo. Ở cấp huyện được thành lập 6 Tổ Công tác gồm các phòng, ban chức năng, mỗi Tổ Công tác phụ trách trên mỗi xã ( và mỗi cán bộ trong Tổ Công tác phụ trách trên mỗi thôn, tổ dân phố) để trực tiếp hướng dẫn, tổ chức chuyển giao khoa học kỹ thuật trên từng mô hình sản xuất, chăn nuôi theo quy mô hộ gia đình. Đến nay, qua hơn 2 năm thực hành và đúc kết kinh nghiệm, trên 145 hộ gia đình nghèo ở 6 xã, thị trấn của huyện Lạc Dương đã tiếp cận mới nhiều phương pháp sản xuất cây trồng, vật nuôi để tăng thêm thu nhập đáng kể.
Điển hình trước hết là 95 hộ gia đình tham gia mô hình thâm canh cây cà phê catimor với diện tích hơn 70ha. Cụ thể số hộ tham gia trên từng địa bàn như các xã Đạ Sar 24 hộ, Đạ Nhim 20 hộ, Đạ Chais 16 hộ, Đưng K’Nớ 16 hộ và xã Lát 15 hộ, thị trấn Lạc Dương 04 hộ Với tổng số vốn đầu tư hỗ trợ của nhà nước gần 846 triệu đồng được phân bổ đều đến từng mô hình, hơn 2 năm qua đã chuyển giao phương pháp tỉa canh, tạo tán; thực hiện chế độ bón phân, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; ứng dụng kỹ thuật thu hái; cách thức bảo quản sau thu hoạch; cung cấp thông tin thị trường…Kết quả vườn cà phê mô hình tăng năng suất bình quân từ 10- 15% so với vườn đối chứng, giá trị sản xuất tăng thêm 19 triệu đồng/ha.
Tiếp theo mô hình chăn nuôi heo địa phương với những kết quả đáng ghi nhận. Tất cả có 24 hộ gia đình ở các xã Đạ Sar, Đạ Nhim, Đạ Chais tham gia mô hình, mỗi mô hình nhận vốn nhà nước hỗ trợ 4 con heo giống ( 1 con đực, 3 con cái) từ 18- 24 tháng tuổi, trọng lượng bình quân từ 13- 15kg/con, được tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin theo quy định. Các Tổ Công tác của huyện Lạc Dương “cầm tay chỉ việc” từng hộ mô hình về xây dựng chuồng trại; sử dụng các loại thức ăn tinh, thức ăn thô xanh và phế phụ phẩm nông nghiệp tại chỗ cho heo ăn; tùy theo heo thịt và heo sinh sản để áp dụng các chế độ chăm sóc phù hợp. Hiện các mô hình heo địa phương cơ bản phát triển tốt, 70% tỷ lệ heo đang bước vào thời kỳ sinh sản, một số mô hình đã xuất bán sản phẩm heo thịt.
Tương tự với nguồn vốn 130,5 triệu đồng, huyện Lạc Dương xây dựng 09 hộ mô hình nuôi bò vàng 18- 24 tháng tuổi, mỗi con bò giống có trọng lượng từ 140 – 160kg, hiện đã có 2/9 con sinh sản. Hoặc với 37 mô hình nuôi vịt xiêm ở xã Lát, xã Đạ Sar và xã Đạ Chais, sau 3 tháng chăm nuôi theo quy trình kỹ thuật hướng dẫn của Tổ Công tác huyện Lạc Dương, đạt tăng trọng 2kg/con, giá bán 70.000 đồng/kg. Tính trung bình mỗi mô hình nuôi 50 con vịt xiêm, đạt lãi 5,6 triệu đồng/3 tháng, nên rất thích hợp với tập quán chăn nuôi của nông dân Lạc Dương ( chiếm 75% là đồng bào dân tộc thiểu số). Ngoài ra có 07 mô hình chăn nuôi gà thả vườn phát triển tương đối hiệu quả, đạt trọng lượng gà thịt 2,5kg/con; và 07 mô hình khác nuôi cá nước ngọt trên diện tích 1.362m2, đã và đang góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện bữa ăn cho từng hộ gia đình chăn nuôi địa phương,
Từ kinh nghiệm tăng thu nhập qua những mô hình chăm sóc cây trồng, vật nuôi thoát nghèo trong 2 năm qua, huyện Lạc Dương đã tổ chức phổ biến, nhân rộng với 38 lớp tập huấn, đào tạo nghề, hội thảo đầu bờ cho hơn 1.360 lượt người nông dân trên địa bàn tham dự. Và hiện nay, huyện Lạc Dương vẫn đang tiếp tục chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, phấn đấu đến cuối năm 2014 sẽ xây dựng thành những mô hình điểm mới trên mỗi xã, thị trấn trong huyện gồm:  3- 4 mô hình sản xuất theo quy mô “Vườn rau dinh dưỡng” ( mỗi mô hình sản xuất điểm trên 30m2);  từ 3-5 mô hình thâm canh cây cà phê với những biện pháp đạt hiệu quả cao nhất; 5- 10 mô hình chăn nuôi vịt xiêm ( mỗi mô hình nuôi 50 con); 2- 3 mô hình chăn nuôi gà giống J - Dabaco ( mỗi mô hình nuôi từ 30- 50 con)…./.
THÁNG 02/2014