VĂN VIỆT
Tiếp cận mới phương pháp canh tác và
kỹ thuật bảo quản sau thu hoạch, nhiều nông hộ Đà Lạt đã và đang sản xuất “hoa
cúc cạnh tranh” trên diện rộng để nâng cao thu nhập.
Đà Lạt có khoảng 1.000 - 1.200 ha nhà kính
sản xuất hoa cắt cành, ước tính tổng sản lượng hàng năm hơn 1,2 tỷ cành, chủ yếu tiêu thụ trong nước vì chất lượng hoa
vẫn chưa thực sự ổn định, trong đó hoa cúc các loại chiếm tỷ trọng lớn nhất. Theo điều tra của Công ty cổ phần
Hoa Đại Việt, Lâm Đồng, việc
canh tác hoa cúc Đà Lạt trong những năm qua vẫn chưa đáp ứng về công nghệ như chiếm đến 90% nhà kính với
khung tre; chiếm 60% nông dân tự trao đổi kinh nghiệm sản xuất với nhau; hơn 70% nguồn giống tự gieo
ươm và mua tại các cơ sở nhỏ lẻ; khoảng
98% chưa bón phân qua hệ thống tưới; hơn
70% không thu gom tiêu hủy bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng; việc
cắm hoa cúc vào nước sạch sau khi thu hoạch chỉ có khoảng 5% nông hộ thực hiện;
tỷ lệ hao hụt trên 15%...
Để góp phần khắc phục
những hạn chế nêu trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng đã xây
dựng 4 mô hình điểm trồng hoa cúc tại phường 7 và phường 8, Đà Lạt, mỗi mô hình
với 500m2 nhà kính. Kết quả
sau 1 năm triển khai, 4 mô hình điểm đã áp dụng hình thức tưới phân đa lượng và
vi lượng giúp cây hoa cúc phát triển cân đối, chắc khỏe. Đã sử dụng bẫy và keo
dính để thu hút và tiêu diệt trên 60% sâu vẽ bùa trưởng thành và trên 40% bọ
trĩ, tiết kiệm khoảng 50% thuốc
bảo vệ thực vật; việc
sử dụng thuốc hóa học “4 đúng” và luân phiên nhiều loại thuốc khác nhau, hạn
chế tối đa sâu bệnh lờn thuốc.
Với việc chọn lựa các giống hoa cúc sạch bệnh, đã tăng khả năng đề kháng giai
đoạn đầu phát triển bộ rễ; sử dụng chu kỳ 15 phút sáng và 15 phút tắt bóng đèn đã
tiết kiệm 50% tiền điện; sử dụng chất điều hòa sinh trưởng giúp cây hoa cúc
cứng cáp, lá xanh và màu hoa đậm hơn, rút ngắn thời gian thu hoạch còn 3 ngày-
thay vì từ 7-10 ngày như canh tác thông thường; các chỉ số của cây hoa cúc ở
vườn trình diễn đều vượt trội hơn vườn đối chứng với 3,85 lá; chiều cao hơn
12,5cm; thời vụ ngắn hơn 10,25 ngày; tăng năng suất từ 10% trở lên…
Ở giai đoạn thu hoạch hoa cúc, 4 mô hình điểm nói
trên cũng đã hoàn chỉnh quy trình bảo quản, được Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn Lâm Đồng phê duyệt. Theo đó, thời vụ hoa cúc từ 10 - 12 tuần, từ lúc ngắt nụ đến khi thu
hoạch khoảng 2,5 - 3,5 tuần. Đối với hoa chùm tối thiểu có 4 nụ cùng nở, chiều
dài cổ hoa trung bình từ 10 – 15cm, không vết sâu bệnh và cặn hoá chất. Cụ thể
hoa cúc 10 cành/bó xuất khẩu dài 70cm, tuốt sạch lá 25cm tính từ gốc, trọng lượng từ 400 - 500gam; hoa cúc 5 cành/bó
bán nội địa dài 70cm, tuốt sạch lá 15cm tính từ gốc, trọng lượng từ 200 - 250gam.
Hoa thu hoạch vào sáng sớm hoặc chiều
mát để bị mất nước. Thu xong trong vòng 60 phút phải ngâm trong xô nước sạch,
độ cao nước 10cm tính từ đáy xô. Tiếp theo dùng thuốc bảo quản như Chrysal AVB,
Floralife pha vào trong nước theo tỷ lệ khuyến cáo của nhà sản xuất sẽ làm cho
hoa nở tươi lâu hơn. Hoa cúc được trữ trong kho lạnh khoảng 5-7 ngày. Vận
chuyển hoa cúc đi tiêu thụ ở nhiệt độ lạnh là 3 - 5 độ C, sẽ giữ độ tươi 10 -
15 ngày…
Tính toán sản xuất “hoa cúc cạnh tranh” trên 500 m2/vụ mô hình điểm, đã
tăng giá bán từ 1.000đồng/cành lên 1.500-1.800
đồng/cành, đạt lợi
nhuận tăng thêm gần 11 triệu đồng. Quy trình này đã được Sở
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng tổ chức 4 cuộc hội thảo đầu bờ và
12 lớp tập huấn cho hơn 750 nông dân và 80 khuyến nông viên trên địa bàn Đà
Lạt. Thạc Sĩ Phan Quốc Hùng, Phó
Giám đốc Dự án Cạnh tranh nông nghiệp Lâm Đồng đánh giá: “Quy trình mới về trồng,
chăm sóc, thu hoạch và bảo quản hoa cúc cho nông dân, không chỉ tăng năng suất,
chất lượng hoa, mà còn nâng cao trình độ canh tác chuyên nghiệp, cải thiện thu
nhập, từng bước hình thành cộng đồng liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ hoa ổn
định…”./.Tháng 6/2013