VĂN VIỆT
Gần
đây, người nông dân xung quanh vùng Nam Ban ( Lâm Hà) trồng mới khá nhiều diện
tích cây trầm hương. Nông dân phát triển tự phát trầm hương trên phạm vi rộng
nên rất cần sự định hướng, quy hoạch, giúp đỡ về khoa học kỷ thuật của ngành
nông nghiệp địa phương.
Tôi
tìm đến khu đồi trầm hương của nông dân Đoàn Chương Học trồng hơn ba năm ở vùng
Nam Ban này. Quen gọi là vùng Nam Ban nhưng địa giới hành chính của khu đồi trầm
hương ông Học là thuộc Khu Đồi Sim, xã Phi Tô. Trầm hương ở đây đang sinh trưởng
từ một tuổi rưỡi đến ba tuổi, được trồng xen canh giữa trang trại cà phê lên đến
12 ha. Cây trầm bén cành từ chân đồi lên đến đỉnh đồi. Có những hàng cây trầm
cao quá đầu ngườì, cành lá ken dày. Cũng có những hàng cây trầm còn thấp lè tè,
chỉ mới cao vượt quá đầu gối. Ông Học cho biết, giống trầm hương của ông được
mua từ vùng rừng núi Quảng Bình với giá “đổ đồng” gần 1.000 đồng/cây. Vừa chăm
sóc, vừa theo dõi rồi tra cứu tài liệu, ông Học đã hình thành nên một khu đồi
trầm với hơn 6.000 cây. Vị trí cây trầm được trồng phải tuân thủ theo hướng Đông
– Tây. Cách cấy hóa chất tạo trầm của ông Học cũng rất khác lạ. Cây mới hơn một
tuổi rưỡi, thân chỉ to bằng ngón chân cái, ông Học đã khoét hai đường vỏ cây để
cho hóa chất vào lõi cây tạo trầm. Những cây đã “chích” trầm được cho là thành
công, đó là thân cây đã nở phình ra; vỏ cây bề ngoài đã khép lại “liền da”. Các
yếu tố nhận biết việc cấy trầm hiệu quả là thân cây dần dần nứt ra màu hồng rồi
chuyển sang màu nâu đen, cuối cùng khép vỏ lại với một “búp” trầm phình ra bên
trong. Ông Học đốt lên một mẩu cây xác định là đã cắt ra từ búp trầm còn non
cho tôi hít thở mùi hương. Cảm giác đây là một mùi ngây ngấy, hăng hắc mà những
“người lạ” như tôi khó mà đoán biết chắc chắn đúng là hương trầm hay không
(?!)
Nông dân Đoàn Chương Học “tiết
lộ” rằng đã mua hóa chất cấy men vi sinh tạo búp trầm trong nước rồi tự mày mò
pha chế thành một “hợp chất” mới thực nghiệm riêng mình. “Cộng sự đắc lực” của
ông Học là đứa con trai lớn của ông đang học Đại học Nông lâm TP HCM ( khoa
công nghệ sinh học). Đến nay gia đình ông Học “công bố” đã cấy hóa chất tạo trầm
hơn 1.000 cây trầm hương, tỉ lệ đạt kết quả từ 60 – 70%.
Khác với cách tạo trầm của
nông dân Đoàn Chương Học, nông dân Trịnh Văn Phương ở gần thị trấn Nam Ban đang
trồng giống trầm hương từ các tỉnh phía bắc với trên 7.000 cây ( khoảng 7 ha)
có tuổi hơn một năm. Chưa tới 40 tuổi đời, nông dân Trịnh văn Phương đã từng lăn
lộn một thời gian với cây trầm hương ở các tỉnh miền Đông Nam Bộ đất đỏ; đã bị
thất bại cả trăm triệu đồng do chưa biết chọn cây giống thích hợp, cách chăm
sóc không đúng yêu cầu kỷ thuật. Lên Nam Ban, khát vọng về trầm hương lại “nóng”,
nông dân Phương vừa trồng vừa làm nhà phân phối giống trầm hương từ Công ty Cổ
phần sản xuất và dịch vụ trầm hương Hà Nội. Kinh nghiệm trồng trầm hương ban đầu
của Phương trên vùng đất Nam Ban là phải xuống giống từ tháng 4 đến tháng 5 khi
trời mưa rộ, tỉ lệ cây sống sẽ đạt từ 80 - 90%. Nên trồng xen canh với cây cà
phê, trên những địa hình đất có độ cao không lớn. Nếu trồng ở đất đồi trọc thì
tỉ lệ cây chết thường bị trên 50%.
Theo con số của nhà phân phối
trầm hương Trịnh Văn Phương, ước khoảng 1.000 ha cả vùng Nam Ban đang trồng cây
trầm hương hơn một năm trở lại đây. Bà con vừa trồng vừa tìm kiếm kinh nghiệm,
tra cứu tài liệu và học hỏi lẫn nhau. Trầm hương là một loài cây quý hiếm được
ghi trong Sách Đỏ Việt Nam. Thời điểm năm 2007 này, một ha trầm hương đầu tư tổng
vốn chỉ vài trăm triệu đồng, nhưng thu hoạch búp trầm ( và kể cả thân và lá trầm)
lên đến trên dưới năm tỷ đồng. Dự báo giá tiêu thụ trầm hương trên thị trường
thế giới tiếp tục tăng lên trong vài chục năm tới. Và bởi vùng đất Nam Ban, Lâm
Hà đã và đang “di thực” cây trầm hương về trồng tự phát với tốc độ tăng dần,
nên cần có sự quy hoạch của cơ quan chức năng; sự hướng dẫn kỷ thuật của cơ
quan chuyên môn. Có thể cơ quan khoa học nông nghiệp chọn khu vực trồng trầm hương
điểm ở Nam Ban để “hội thảo đầu bờ”, chuyển giao kỷ thuật cho bà con nông dân
trong thời gian sớm nhất ?!./.
Tháng 8/2007