VĂN VIỆT
Cái
tin trồng nho thành công ở độ cao trên 1.000 mét của Đức Trọng-Lâm Đồng đã làm
nức lòng người nông dân cả xứ Tây Nguyên. Nhưng kỳ thực đằng sau đó là bao sự đối mặt thách thức, đôi
lúc mạo hiểm của chàng thợ vàng Huỳnh Tấn Sơn khởi đầu ở tuổi “tam thập nhi
lập”
Bây giờ trang trại trồng nho mang tên “Hoa mặt trời” của
Huỳnh Tấn Sơn đã xanh tươi, vuông vắn trong diện tích 7 ha chạy dọc ven sông Đa
Nhim, thuộc thôn Phú Tân, xã Phú Hội, Đức Trọng. Năm mới 2006, vụ mùa nho đầu
tiên sau ba năm trồng thử nghiệm, nông trại của Sơn thu được hơn 03 tấn. Thu
hoạch tất cả lượng hàng này chào bán ở Đà Lạt và Sài Gòn với giá mỗi ký loại A
và B lần lượt là 45 ngàn đồng và 30 ngàn đồng; người mua đã tranh mua hết nhanh
đến…không ngờ. Nói “không ngờ” bởi lẽ so sánh với giá này thì vượt gấp 10 lần
giá nho của đất Phan Rang nổi tiếng. Sơn lý giải: “Người Việt Nam với mức sống
ngày càng phát triển. Hàng nông sản chất lượng cao đang có sức hút thị trường
tiêu thụ rất lớn. Điều này đặt ra mọi người nông dân cần nhanh nhạy hơn để nắm
bắt cơ hội, mạnh dạn đầu tư sản xuất ! ” Qua “phản hồi” của người tiêu dùng cho
thấy: Nho trồng ở nông trại “Hoa mặt trời” có hương vị khá đặc trưng: Vừa chua
thanh và vừa ngọt lịm. Và kết quả phân tích theo hàm lượng chung trong trái nho
thì thành phần đường chiếm trong khoảng 18%. Sơn tiết lộ: Nếu chăm sóc không
đảm bảo kỷ thuật, vượt “ngưỡng” độ đường này, nho sẽ bị rụng trái khi còn non.
Ngược lại, độ chua trong nho sẽ rất gắt, khó ai ăn được.
Để có được thành công quan trọng và ý nghĩa nêu trên, ít ai
hiểu hết những “chướng ngại” mà Sơn phải vượt qua. Gốc người “vùng mỏ” Thái
Nguyên, năm 1990 vào Lâm Đồng làm cán bộ kỷ thuật của một công ty khai thác
vàng trên địa bàn Đức Trọng. Làm việc và sinh sống, và… “bén rễ xanh cây” lâu
năm trên độ cao 1.000 mét, Sơn nuôi những khát vọng làm giàu từ đất cứ lớn dần,
lớn dần. Điều tưởng như nghịch lý là Sơn không đeo đuổi theo nghề khai khoáng
của mình mà chuyển sang nghề bồi bổ đất, tạo dinh dưỡng cho đất; buộc đất nở
hoa kết trái với cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Hay nói rõ hơn, Sơn đã sớm quyết
định “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, chí hướng một ngày trở thành một…
nông chủ. Năm đó-năm 2000, chàng trai 30 tuổi, Huỳnh Tấn Sơn huy động vốn của
người thân từ Nam chí Bắc để trở lại Đức Trọng mua đất làm vườn. Sơn nghỉ hẳn ở
đơn vị khai thác vàng, lập nên vườn hoa vài ha riêng mình. Vừa trồng hoa, vừa
nghiên cứu kỷ thuật; bổ sung nguồn vốn, lấy ngắn nuôi dài, trong vòng chưa đầy
ba năm sau, Sơn đã xây dựng được 7 ha hoa với 10 loài hoa khác nhau. Đặc biệt
trong đó những loài hoa chiếm ưu thế, mang lại lợi nhuận cao như: hồ điệp, vũ
nữ, kiết tường, cẩm chướng, đồng tiền…
Những tưởng với thị trường tiêu thụ hoa ổn định trong và
ngoài nước sẽ khiến trang trại “Hoa mặt trời” của chàng thanh niên Sơn “say sưa
ngủ yên”, cứ vậy mà làm giàu. Lại “không ngờ” vào đầu năm 2003, Sơn “di thực”
về trồng giống nho Cự Phong từ nước Nhật với 2.000 mầm giống cấy mô ban đầu. Cố
nhiên đây là một điều lạ của vùng đất cao nguyên vì cả nửa thế kỷ đã qua, cây
nho ôn đới đã chìm sâu vào quên lãng; thay vào đó người ta vẫn nghĩ rằng, cây nho
chỉ sinh trưởng duy nhất hiệu quả ở “vùng đất hứa” Phan Rang “phì nhiêu” nắng
gió và ngập đầy cát trắng. Âm thầm trồng thử nghiệm vài trăm gốc nho đầu tiên.
Quan hệ với một kỹ sư người Nhật để được cung cấp tài liệu kỹ thuật và…được
trực tiếp hướng dẫn phương pháp chăm sóc đôi lần.
Trong thành công luôn phải
chấp nhận đồng hành nhiều thất bại. Một tỉ lệ đáng tiếc cây phát triển không
đạt, nhiều cây kết hoa nhưng không đậu trái…không làm Sơn thối chí, chùn bước.
Vả lại còn giúp Sơn tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm “xương máu” hơn. Và sau ba
năm dồn tâm sức với đất, với giống nho mới Cự Phong trên 1,5 ha trong trang
trại của Sơn đã vươn cành xanh lá, phủ kín trên giàn mái che, chứng tỏ sự thích
nghi của nó với thổ nhưỡng, khí hậu nơi này. Vậy là trang trại tầng dưới hoa
nở, tầng trên che mát thân-lá nho Cự Phong, một phương pháp sản xuất nông
nghiệp “lấy ngắn nuôi dài” năng động và táo bạo, đã dự báo những triển vọng mới
về vùng nguyên liệu nho trên 1.000 mét vùng cao nguyên Đức Trọng này.
Tính đến nay đã đầu tư gần 01 tỷ đồng để “định cư” cây nho
Cự Phong-giống nho ôn đới trên trang trại của mình, cũng chỉ ở giai đoạn thử
nghiệm, nhưng Giám đốc công ty, chủ trang trại “Hoa Mặt trời”, Huỳnh Tấn Sơn
rất tự tin về lợi nhuận rất lớn sẽ mang lại trong ngày mai. Sơn đưa ra dự toán:
Sang năm 2007, trang trại nho của Sơn chính thức vào thời kỳ thu hoạch. Trung
bình năng suất 60 tấn nho/1,5 ha/năm,
Sơn sẽ thu về gần 2,5 tỷ đồng, gấp đôi tổng số vốn đầu tư ban đầu. Vòng đời của
cây nho Cự Phong cho quả đến 50 năm. Sơn đang nhân giống đại trà. Và cũng theo
Sơn, với độ cao trên dưới 1.000 mét ở khu vực Đức Trọng, vùng nguyên liệu nho
Cự Phong có thể mở rộng trồng hàng ngàn ha đạt năng suất cao
mà không sợ mất giá, không sợ thiếu thị trường tiêu thụ ổn định, lâu dài. /.
Tháng
2/2006