VŨ VĂN
Liên
tưởng với “nguyên lý” nhóm bếp lửa củi gia đình, ông Phó Đức Đỉnh, cán bộ kỷ
thuật Chi cục Kiểm lâm Lâm Đồng đã “phát minh” ra giải pháp đốt giảm vật liệu
cháy để chống cháy rừng vào mùa khô, triển khai có hiệu quả trên tất cả diện
tích rừng ở Lâm Đồng từ năm 1997 đến nay. Để thành công, ông Đỉnh và đồng
nghiệp của mình phải trải qua thử thách khắc nghiệt khá dài, có lúc tưởng chừng
khó vượt qua nổi…Đầu mùa khô năm nay, trò chuyện với ông càng hiểu hơn một con
người yêu rừng đến hết mình!
·
Bối cảnh nào khiến ông nghĩ ra
cách phải “đốt trước” để chống cháy rừng ?
Lâm Đồng có khoảng 13 ngàn ha
rừng thông thuần loại 2 lá và 3 lá lớn nhất nước ta. Là dạng rừng rất dễ bén
lửa, hàng năm vào mùa khô kéo dài từ tháng 11 năm trước sang tháng 5 năm sau
thường xảy ra những vụ cháy bất ngờ. Những giải pháp phòng, chống cháy rừng
truyền thống chủ yếu là xây dựng đường ranh ngăn lửa, hệ thống trạm dự báo
những vùng rừng có nguy cơ phát cháy cao.
Quy chế sử dụng lửa được ban hành để “kiểm soát lửa” đối với những người
“đi lại” trong những khu rừng. Khắp nơi bố trí mạng lưới chòi canh, tập trung
lực lượng, phương tiện thông tin liên lạc nhằm phát hiện nhanh nhất các đám
cháy xảy ra để dập tắt. Trong thực tế áp dụng duy nhất giải pháp truyền thống
này tỏ ra rất bị động ở nước ta vì thực lực mỏng, phương tiện chữa cháy mang
tính thủ công, còn quá thô sơ, thường bất lực trước những đám cháy lớn. Giải
pháp đó chỉ an toàn tương đối đối với những nước giàu có trên thế giới, bởi họ
có đầy đủ máy bay phun khí nén chữa cháy hiện đại; có lực lượng nhảy dù “tinh
nhuệ” và đội quân chữa cháy tình nguyện túc trực quanh rừng rất hùng mạnh, khả
năng “tác chiến” cao với “giặc lửa”.
Suốt gần cả thập kỷ ’80 của thế
kỷ trước, làm cán bộ kỷ thuật của ngành lâm nghiệp Lâm Đồng, tôi và đồng nghiệp
của mình thật xót xa khi chứng kiến nhiều đám cháy rừng nghi ngút bùng phát
không cứu chữa kịp. Cho đến một lần trông tận mắt khu rừng trồng Phát Chi ( Đà
Lạt) rừng rực hỏa hoạn, tôi bỗng phát
hiện ra “thủ phạm” để nhen lửa đốt rừng là cỏ dại bùng nhùng, thảm thực bì, các
loại củi khô…, gọi chung là vật liệu cháy. Liên tưởng đến bếp củi gia đình, nếu
không có “mồi” dễ cháy, không thể nào bật quẹt nhóm lửa lên được, cần “đốt
trước rừng trồng” trong mùa khô, lửa sẽ hết “đường sống”. Thế là đầu những năm
’90, được Chi cục kiểm lâm quan tâm “bật đèn xanh”, chúng tôi mạnh dạn thử
nghiệm phương pháp: Đưa lửa trước vào rừng để…chống cháy rừng!
·
Và phương pháp đó đã thành công
từ giai đoạn khởi đầu ?
Đầu
tiên, chúng tôi đưa lửa vào “đốt trước” 1.500 ha rừng thông trồng khoảng 5 tuổi
ở vùng ngoại ô Đà Lạt. Cẩn thận phát dọn, thu gom những vật liệu cháy, lần lượt
đốt từng phần. “Vạn sự khởi đầu nan”,
Chẳng ngờ lửa “bung” quá nhanh, cháy sém toàn bộ khu rừng. Nghe tin, Bộ phát
công văn “hỏa tốc” về chỉ trích việc làm của chúng tôi là sai phạm nghiêm
trọng, cần phải xem xét cho rõ. Dẫu sao cần cố ráng bình tĩnh theo dõi. Thật
may, hơn 1 năm sau trên 1.500 ha rừng đốt trước đã dần dần phục hồi trở lại,
chỉ tiếc rằng 4 ha trong số đó bị thiệt hại trắng, không cứu vãn được. Bị “trận
đòn” này như càng “tỉnh” ra hơn nhưng chúng tôi đã không bỏ cuộc.
Lại
tiếp tục “đốt trước” từng khu rừng trồng từ 1 năm tuổi đến 10 năm tuổi, vừa
“đốt” vừa tìm ra kinh nghiệm khoa học. Đến năm 1997 khi thành công trên 3.000
ha rừng, Chi cục Kiểm lâm Lâm Đồng chính thức công khai bảo vệ phương pháp “đốt
giảm vật liệu cháy” để chống cháy rừng. Báo cáo bằng “người thật, việc thật”
nên phương pháp này đã trở lại chinh phục được ngành lâm nghiệp của tỉnh và
trung ương. Theo đó, việc thu gom vật liệu cháy phải dập sát xuống mặt đất, đưa
ra khoảng cách xa gốc thông nhất trước khi đốt. Không nên đốt vào buổi trưa mà
phải đốt vào chập sáng sớm, chiều chạng vạng và tối. Phải đốt ngược chiều gió,
đốt nhiều lần, từ cao xuống thấp, từ trong ra ngoài. Ở hướng gió chính cần giữ
lại vành đai ngăn gió để đốt sau cùng.
Kết
quả nghiên cứu vật liệu cháy được chia thành 3 dạng: khô, tươi và thâm mục.
Phải đốt đúng thời điểm, thứ tự từng “dạng” một. Trong tháng 11 và tháng 12
phải đốt sạch sẽ “dạng khô” trước. Đến tháng 1, “dạng tươi” sẽ chuyển thành
“khô”, đốt tiếp sẽ dễ dàng tiêu hủy. Lúc này “dạng thâm mục” đã bén lửa, đốt
lần cuối đến tháng 2, tháng 3 là hoàn thành. Chỉ tiêu an toàn 1 mét vuông đốt
giảm vật liệu cháy đối với rừng thông non còn 200gam-300gam, đối với rừng tự
nhiên lớn trên dưới 1 kg là đạt. Với tỉ lệ vật liệu cháy này, mùa khô không may
rừng gặp lửa sẽ được dập tắt ngay, tỉ lệ cây rừng thiệt hại sẽ khắc phục đến
mức thấp nhất.
Thế
là phương pháp “đốt trước rừng trồng” được tỉnh Lâm Đồng cho phép triển khai
cùng với phương pháp truyền thống nêu trên để phòng chống cháy rừng bắt đầu từ
năm 1997. 30 đơn vị chủ rừng và 11 Hạt Kiểm lâm trong tỉnh tuần tự được chuyển
giao “công nghệ” này, đã tổ chức thực hiện có hiệu quả cho đến ngày nay.
·
Thực tế cách “đốt trước rừng
trồng” đã mang lại hiệu quả phòng chống cháy rừng ở Lâm Đồng ra sao ?
Cũng xin nhắc lại thêm ở thời
gian đầu, chúng tôi đề xuất đưa phương pháp “đốt trước rừng trồng” vào dự án
VIE-86 của tổ chức Liên Hiệp Quốc nhưng bị từ chối. Họ cho cách làm này là “hết
sức mạo hiểm” vì ngay cả các nước phòng, chống cháy rừng ở “tầm cao” như Pháp,
Đức, Mỹ…cũng đã “thử” nhưng rất nguy, dễ đưa “đốt trước” thành…đốt rừng. Cũng
có cán bộ lâm nghiệp trung ương thường đi “học tập kinh nghiệm” nước ngoài về
cũng “khuyên” Chi cục Kiểm lâm Lâm Đồng, “khuyên” chúng tôi hãy chớ “phiêu
lưu”, coi chừng đưa rừng vào “chỗ chết”. Ngay tới lúc thành công rồi, chuyên
gia về bảo vệ môi trường Liên Hiệp Quốc, cán bộ lâm nghiệp của Bộ vẫn còn ngờ
ngợ, phải bay từ Hà Nội về Lâm Đồng kiểm tra lại cho chắc. Đến nơi, họ đi từ
ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Rừng trồng lên xanh ngắt, cây vươn thẳng
tắp, dưới từng gốc cây rừng này đến từng gốc cây rừng kia được thu dọn, đốt
“cháy gọn” “vật liệu cháy”, một đốm lửa không may rơi xuống rừng cũng
đành…“chịu chết”. Tổ chức bảo vệ môi trường của Liên hiệp quốc quyết định lấy
tổng kết thành tựu chống cháy rừng bằng “kỷ thuật đốt trước rừng trồng” ở Lâm
Đồng để phổ biến rộng rãi nhiều nước trên thế giới.
Ở Lâm Đồng từ hàng trăm, hàng
ngàn ha rừng bị cháy mỗi năm trước đây, đã giảm nhanh xuống còn lác đác vài nơi
kể từ khi kết hợp áp dụng “công nghệ” nói trên. Từ năm 1998 đến nay, Lâm Đồng
đã trồng mới khoảng hơn mười ngàn ha rừng phát triển tốt, tránh được hiểm họa
cháy lớn. Tỉ lệ phủ xanh rừng ở Lâm Đồng
thuộc vào hàng đầu của cả nước. Kỷ thuật này còn mang lại những hiệu quả lớn về
lâm sinh xã hội: Giải quyết lao động về nghề rừng, nâng cao ý thức, trách nhiệm
của từng chủ rừng nói riêng, của cộng đồng nói chung.
…Mùa
khô năm nay lại đến. Ông Phó Đức Đỉnh và đội ngũ cán bộ kỷ thuật của Chi cục
Kiểm lâm Lâm Đồng lại “tủa” về khắp mọi cách rừng để theo sát kiểm tra, hướng
dẫn từng chủ rừng tuân thủ nghiêm ngặt “công nghệ đốt trước rừng trồng”. Bởi, chỉ
sơ suất một chi tiết nhỏ, bỏ sót vượt mức một “mồi lửa” không thiêu huỷ thì
rừng có thể phát hỏa lớn bất cứ lúc nào, nhất là vào thời điểm độ ẩm trong rừng
xuống thấp !./.
Tháng 12/2003