Thứ Sáu, 9 tháng 8, 2013

Trả nghiã với rừng

VĂN VIỆT
Ông tên Nguyễn Đức Phúc, người lính già bước sáng tuổi “sáu tư”, nức tiếng giàu rừng nhất nơi cao nguyên Lâm Đồng mười mấy năm nay. Từ nơi sâu thẳm trong ông chất chứa nghiã tình sâu nặng với rừng thiêng, núi biếc…

*** Rừng xưa bao bọc
Cái tính cách cởi mở, pha chút khôi hài sôi nổi của ông Phúc rất dễ gần gũi, sẻ chia với người gặp mặt chuyện trò. Nhưng nếu thoáng qua cái dáng vẻ trắng trẻo, đi lại thong dong…thì coi chừng lầm tưởng ông xuất thân từ cậu ấm ngày xưa. Nhân thân cuộc đời ông đã ghi: Nguyễn Đức Phúc chào đời ở Hoài Nhơn, Bình Định, một vùng quê đậm đặc gốc rạ, bờ tre. Học hành mới đến đệ nhất cấp lại bị bắt quân dịch. Ông trốn thoát trên đường đưa quân đến thao trường, rồi tìm lối đi lên thẳng về phía núi cao. Từ ấy những cánh rừng miền Trung-Tây Nguyên; miền Đông Nam Bộ…tháng ngày lưu lại dấu chân ông trong trùng trùng, điệp điệp dấu chân người lính cách mạng. Vào sinh ra tử, trường kỳ với rừng suốt mười lăm năm mới đến ngày giải phóng. Bấy giờ tuổi xuân của ông đã qua nhiều năm tam thập nhi lập rồi.
Có lần tôi được nghe nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng, Nguyễn Trọng Xuyên nói: Nguyễn Đức Phúc là một cán bộ sĩ quan quân đội rất quý mến. Là một chính trị viên một tiểu đoàn đặc công thuộc khu 6 cũ, sĩ quan Phúc thể hiện một cán bộ toàn diện trong các mặt công tác và chiến đấu nơi chiến khu. Kế tiếp, lời của nguyên Chính ủy Sư đoàn trưởng Sư đoàn 3 ( Quân khu 5), Hoàng Minh Thắng  kể: Tháng 6/1966 tại khu rừng căn cứ Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Nam, Nguyễn Đức Phúc vừa chỉ huy đội cảnh vệ, vừa vững tay súng trung liên, nhằm thẳng máy bay địch mà bắn. Chiến đấu nhiều ngày đêm, Phúc cùng tiểu đội bắn rơi 4 máy bay trực thăng. Chiến công này, Phúc được kết nạp vào Đảng và được đề nghị tặng thưởng Huân chương chiến công hạng nhì.
Những năm “bảy mươi”, sĩ quan Phúc giữ chức vụ Chính trị viên Tiểu đoàn đặc công 200 của Quân khu 6. Những cánh rừng Bình Tuy, Phan Thiết, Hàm Tân (Bình Thuận) lên đến các chi khu của Lâm Đồng-Tuyên Đức như Đạ Huoai, Cát Tiên, Đạ Tẻh, Bảo Lộc, Đa Nhim….thường che chở ông và đồng đội của ông bền gan đánh giặc. Năm 1972, sĩ quan Phúc chuyển về Núi Voi, căn cứ kháng chiến của thị uỷ Đà Lạt, nhận lệnh và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chuẩn bị các mặt trận quan trọng, góp phần vào cuộc đấu tranh giải phóng Lâm Đồng-Tuyên Đức…. 
***…Mười tám năm sau
Nguyễn Đức Phúc đi tiếp con đường binh nghiệp mười tám năm sau giải phóng-năm 1993 mới về hưu với quân hàm thiếu tá. “Tôi nhớ rừng quá chừng ! Cả chục năm trời vất vả, gian lao, kỷ niệm đong đầy. Không có rừng, không có đồng bào nơi đây, làm sao tôi có thể thoát chết trong gang tấc hoặc chữa lành những vết trọng thương tưởng chừng sẽ không qua khỏi, sẽ tật nguyền suốt đời…” Càng nghĩ, càng thao thức, đau đáu với rừng xưa, người cựu binh Nguyễn Đức Phúc lại lặng lẽ trở về…
Nguyễn Đức Phúc bán chiếc xe máy, loại tài sản có giá trị nhất trong gia đình, cả thảy là 6 triệu đồng làm…lộ phí về rừng. Bà Hương-người vợ của ông-lo quá, nằn nì để được đi cùng nhưng ông không chịu “Hãy để anh chủ động bàn bạc với đồng bào trước về cách thức giữ rừng. Mai mốt, chắc chắn có dịp thích hợp nhất để vợ chồng mình đi cùng… ”Quả tình không ai hiểu hết ông bằng người vợ hiền của ông. Ngày ấy-năm 1970-sau khi hoàn thành khóa huấn luyện quân sự tỉnh Hà Tây, nhận lệnh vào Nam chiến đấu, ông có lời hẹn ước với bà Hương lúc đó: “Nếu đến cuối năm 1973 mà miền Nam chưa được giải phóng, em hãy lập gia đình. Chiến tranh mà… ”Bà Hương: “Dạ! Em nghe lời anh…” Nói vậy cho người ra chiến trường dốc lòng, quyết chí chống giặc; chứ bà Hương vẫn “đợi anh về”. Và ngày đó đã đến. Ngày toàn thắng, ông Phúc-bà Hương thành vợ thành chồng. Đến giờ ông đã trở thành người “chúa sơn lâm” thành đạt, đằng sau đó luôn hiện lên những dấu ấn của bà.
“Khi đến nhiều khu rừng bị phá chết trơ trụi, tôi đau đến đứt ruột. Nhưng tìm cách nào để hợp sức giữ được rừng, thể hiện phần nào sự đáp ơn, trả nghiã với rừng đây ??? Những câu hỏi xoáy vào đầu óc tôi nhức buốt. Một tuần, một tháng rồi nhiều tháng trời vào chốn thâm sơn biền biệt; có lúc vợ con đã nhờ đến công an thử dò tìm tung tích tôi đang ở nơi đâu…May mà cuối cùng, tôi cũng tự đưa ra câu trả lời và tự thấy tâm đắc nhất: Muốn giữ được rừng bình yên thực sự, chỉ có giao rừng cho những con người bao đời sinh sống với rừng. Họ là người dân tộc thiểu số của những buôn làng; của núi rừng; phải giữ chân họ lại, tạo cho họ có thu nhập ổn định, sung túc từ nghề giữ rừng…”-Ông Phúc kể lại vẫn còn rưng rưng cảm xúc ngày nào.
Đến lúc 6 triệu đồng lộ phí điền dã đã hết mà chẳng “thấm tháp” gì. Ông Phúc lại dè xẻn trong khoản tiền lương hưu hàng tháng để ngày đêm đi…giữ rừng miễn phí. Hay như cách nói của ông là “giữ rừng không cơm” !
Mười tám năm trở lại rừng, trở về với buôn làng đã từng cưu mang, đùm bọc, lòng người lính già ấm lại. Bỗng nhiên một ngày đó, một hãng làm phim khoa học môi trường lớn của Pháp gặp ông giữa rừng sâu. Họ đặt vấn đề ông hợp tác cùng hãng phim với tư cách là người dẫn đường, vào những nơi có những loài cây đặc hữu; còn lại những dấu chân thú rừng; cùng các loài động thực vật khác để thu vào ống kính tư liệu. Sau hơn 3 tháng làm xong một bộ phim, hãng phim trả công cho ông một khoản tiền như đang…mơ thấy: 1,5 tỷ đồng. Vậy là ý tưởng phát triển du lịch sinh thái cộng đồng của ông đi vào thực hiện từ đây…
***Nối phố với rừng
Với số vốn trên, ông thành lập Công ty Du lịch dã ngoại Phương Nam. Khu Đá Tiên ( 1 ha, hồ Tuyền Lâm) và khu Núi Voi ( 355,5 ha, Hiệp Thạnh) được đầu tư với nhiều loại hình du lịch mới lạ, hấp dẫn. Khu Đá Tiên có đủ loại hình vui chơi như cỡi voi xuyên rừng, du thuyền, leo núi, câu cá, các dịch vụ ăn uống theo phong vị người bản địa tây nguyên…Đến khu Núi Voi, trước hết được trở về nguồn, thăm căn cứ địa của thị ủy Đà Lạt, hình dung lại chiến trường xưa. Có buôn làng quây quần hơn 40 hộ đồng bào dân tộc thiểu số định cư tại chỗ, nếp sinh hoạt hiện lên những mảng màu văn hóa đặc sắc. Được ngủ trên ngọn cây cao cả chục mét, nghe suối reo, chim hót, vượn gọi bầy…
Cuối năm 1997, ông Phúc xin nhận quản lý, bảo vệ khoảng gần 5.000 ha rừng Păng Pá, Lâm Hà. Kết hợp với làm du lịch, ông mở dịch vụ đi săn…cảm giác. Tùy theo đoàn khách ( chủ yếu là khách phương tây), giá trọn gói đi săn một ngày đêm từ 120USD-150USD. Một chuyến đi săn từ 7 ngày đến 10 ngày. Khách vào rừng được phát súng săn ( có giấy phép sử dụng) và cơ số đạn cần thiết. Những gia súc trâu, heo đen, hươu…được thả vào rừng trước đó vài ngày. Thường khi khách săn được thú, chỉ lấy cặp sừng, bộ da đưa về làm kỷ niệm chuyến đi. Thịt được mổ ra cho đồng bào dân tộc thiểu số quanh rừng không lấy tiền.
Những tour du lịch của người lính già Nguyễn Đức Phúc đã rút ngắn khoảng giữa phố với rừng. Khách lên thiên đường du lịch Đà Lạt, từ trung tâm thành phố đi hơn 5 cây số là tha hồ đắm mình vào miền thiên nhiên hoang dã Đá Tiên và Núi Voi. Ở lâu thêm vài ngày, du khách có thể xuôi về quốc lộ 27, vào khu rừng Păng Pá săn thú cảm giác; sau đó qua Đak Lak, Đak Nông theo lộ trình du lịch sinh thái Tây Nguyên. Càng thời gian về sau, lượng khách du lịch đến các điểm du lịch sinh thái của Phương Nam càng đông hơn, doanh thu theo đó tăng lên.
Bây giờ thì người cựu chiến binh Nguyễn Đức Phúc, giám đốc Công ty Du lịch dã ngoại Phương Nam, Đà Lạt đã, đang là người nắm giữ rừng nhiều nhất tỉnh Lâm Đồng, lại giàu có về tiền bạc và hạnh phúc gia đình. Mỗi năm công ty nộp vào ngân sách nhà nước hàng trăm triệu đồng. Đặc biệt ông cảm thấy nhẹ lòng nhất khi được chung tay định cư hơn 40 hộ đồng bào dân tộc thiểu số với gần 220 nhân khẩu tại buôn làng Đarahoa thuộc khu du lịch Núi Voi. Mỗi hộ dân được xây dựng nhà ở, cấp 1 ha đất sản xuất, được đầu tư vốn trồng cây công nghiệp dài ngày, phát triển chăn nuôi, cuộc sống dần ổn định, đi lên. Con em họ được đi đến trường. Thanh niên từ 20 tuổi đến 30 tuổi tập trung lại thành một trung đội 20 người, trang bị đủ súng đạn, được huấn luyện kỷ-chiến thuật chiến đấu, nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, trực tiếp canh giữ, bảo vệ tuyệt đối sự nguyên vẹn của rừng xanh. Trung đội trưởng là người lính già Nguyễn Đức Phúc.
“Chiến tranh, những người lính chúng tôi phải dựa vào rừng, dựa vào đồng bào buôn làng để chiến đấu thắng lợi. Nay trở lại rừng, cùng với buôn làng sinh sống từ nghề giữ rừng gắn với phát triển dịch vụ du lịch sinh thái, du lịch lịch sử, tôi như thấy mình may mắn có điều kiện đáp ơn trả nghiã với rừng… ” Tôi cảm nhận những lời chân thành từ đáy lòng của cựu chiến binh Nguyễn Đức Phúc. Ông đã thắp sáng đẹp lên hình ảnh của người lính thủy chung với rừng xanh trong thời buổi kinh tế thị trường./.
Tháng 5/2005